Kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1": Những góc nhìn khác

06:50 | 01/08/2018

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ có bê bối xảy ra ở Hà Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia “2 trong 1” mà nhiều địa phương khác cũng có dấu hiệu điều chỉnh, sửa điểm thi của học sinh. Dư luận xã hội đang đặt ra câu hỏi về tính thực tiễn của một kỳ thi tốn kém rất lớn tiền của, công sức của xã hội mà lại phát sinh nhiều tiêu cực như thế. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã trao đổi, ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục liên quan đến vấn đề này.
ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khac

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Vẫn cần một kỳ thi tốt nghiệp THPT

Câu chuyện sửa điểm thi tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La xảy ra vừa qua khiến người làm công tác giáo dục như tôi cảm thấy rất buồn. Đó là những sự việc chưa từng có tiền lệ.

Tuy nhiên, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vẫn đạt được những thành công nhất định về khâu ra đề cũng như khâu tổ chức thi tương đối nghiêm túc. Việc cán bộ can thiệp vào điểm thi ở một số cụm thi địa phương có thể nói là “Con sâu làm rầu nồi canh”, khiến niềm tin của người dân vào ngành giáo dục bị giảm sút. Tôi cho rằng, vì sự việc này mà phủ nhận những thành công của kỳ thi THPT Quốc gia thì cũng không đúng.

Nhiều người đặt vấn đề: Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT hay không? Nên trả kỳ thi đại học về cho các trường? Tôi khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia là điều rất cần thiết. Một nhà máy sản xuất hàng hóa, khi đưa sản phẩm ra thị trường phải dựa trên tiêu chuẩn chất lượng để xem sản phẩm nào dùng được, sản phẩm nào không dùng được. Vậy, ngành giáo dục cũng vậy, 12 năm đào tạo chẳng lẽ không có một kỳ thi đánh giá chất lượng học sinh?

ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khac
Thi THPT Quốc gia

Tôi nghĩ, nên đặt vấn đề là: Nên tổ chức thi như thế nào để bảo đảm công bằng và không có tiêu cực xảy ra?

Từ những vụ việc tiêu cực ở kỳ thi lần này, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để xử lý. Chưa kể, một kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia mà tỷ lệ tốt nghiệp đến 97-98% thì thử hỏi thi để làm gì? Đó là lỗi của những người ra đề thi, họ đã không nắm rõ được năng lực học sinh. Các nước có nền giáo dục tiên tiến, dựa trên chuẩn quốc tế sẽ có khoảng 10% học sinh xuất sắc, 25% giỏi, 25% khá, 30% trung bình, 10% yếu kém. Vậy chúng ta phải làm gì để phù hợp với tiêu chuẩn đó chứ không phải năm thì “mưa” điểm 10, năm lại “hạn hán”.

Một nhà máy sản xuất hàng hóa, khi đưa sản phẩm ra thị trường phải dựa trên tiêu chuẩn chất lượng để xem sản phẩm nào dùng được, sản phẩm nào không dùng được. Vậy, ngành giáo dục cũng vậy, 12 năm đào tạo chẳng lẽ không có một kỳ thi đánh giá chất lượng học sinh?

Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua cơ bản là tốt, một số nơi chưa tốt phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Như sự việc xảy ra ở Hà Giang, quan điểm của Bộ GD&ĐT là xử phạt nghiêm sai phạm, không có vùng cấm, không để những người vi phạm ở lại trong ngành giáo dục… Tôi thấy đúng quá, những người như thế không xứng đáng đứng trong ngành giáo dục, phải nghiêm khắc xử lý làm gương cho những năm sau, nếu có ai định “đưa tay nhúng chàm” thì buộc phải sợ.

Còn việc tuyển sinh của các trường đại học, tôi cho rằng, các trường vẫn có thể lấy kết quả từ kỳ thi THPT Quốc gia. Bởi hiện nay, các trường đại học đã có quyền tự chủ. Vậy, tuyển sinh theo hình thức nào là quyền của các trường.

Chức năng của các trường đại học là sử dụng nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm cho xã hội. Cũng giống như các nhà máy tìm nguyên liệu liệu để sản xuất hàng hóa. Tôi tin, các trường đại học đều biết cách tìm cho mình được “nguyên liệu” tốt. Ngoài việc căn cứ vào điểm thi THPT Quốc gia, còn có thể căn cứ vào kết quả thí sinh học THPT, căn cứ vào việc trường đang ở top nào, chỉ tiêu tuyển sinh là bao nhiêu? Nếu chỉ tiêu là 1.000 sinh viên, trường có thể tuyển 1.200 và thực hiện sàng lọc qua các năm, chứ không nhất thiết phải áp dụng kỳ thi “3 chung” như trước đây. Đương nhiên, tuyển sinh cũng phải dựa trên sự giám sát của Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng các trường top dưới tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo, vặt tép”.

Những năm tới, khi tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, tôi nghĩ phải chú ý hoàn thiện qua từng năm, dựa vào 3 khâu.

Thứ nhất là khâu ra đề. Bộ GD&ĐT nên xem xét ra đề thế nào để phân loại được học sinh, đạt được phổ điểm chuẩn như quốc tế mà tôi đã đề cập.

Thứ hai, tổ chức kỳ thi giao cho các địa phương nhưng phải có đánh giá qua các năm. Mạnh dạn giao cho các địa phương tuân thủ đúng quy chế thi, còn những địa phương đã có sai phạm thì tăng cường kiểm tra, giám sát. Không cần làm tràn lan, huy động nhiều lực lượng theo kiểu bình quân chung gây tốn kém cho xã hội.

Thứ ba, phải bảo quản một cách nghiêm ngặt bài thi, máy móc chấm thi, kể cả lựa chọn con người để bảo đảm bảo mật tốt nhất. Chấm tự luận cần có “ba-rem” chi tiết, không có kiểu người chấm thế này, người chấm thế kia để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khac

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Trường đại học phải sàng lọc sinh viên

Căn cứ vào Luật Giáo dục đại học cũng như quy chế tuyển sinh hiện nay thì các trường đại học được giao quyền tự chủ hoàn toàn, có quyền tự quyết định hình thức tuyển sinh. Dư luận có lẽ đang nhầm ở khía cạnh này, nên “quy tội” cho kỳ thi THPT Quốc gia và kiến nghị nên trả kỳ thi đại học về cho các trường. Điều đó không chính xác.

Hiện nay, các trường đại học đang có quyền tự chủ tuyển sinh, nên trường nào muốn tuyển sinh, hay muốn xét tuyển đều có quyền tự quyết định. Có điều các trường có muốn tổ chức hay không?

Những sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, chúng ta phải hiểu việc tiêu cực xảy ra dù ở vị trí nào, kỳ thi nào cũng phải được xử lý chứ không phải vì là kỳ thi THPT mà chúng ta bỏ qua. Kỳ thi nào cũng phải tổ chức thật nghiêm túc, dù là tốt nghiệp THPT hay thi đại học.

Còn việc những sai phạm đó có ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh vào các trường đại học hay không, tôi nghĩ, Đại học Bách khoa Hà Nội không bị ảnh hưởng. Bởi Đại học Bách khoa Hà Nội có môi trường đào tạo, sàng lọc hết sức khắc nghiệt. Nếu bạn nào không có thực lực thì sau khi vào trường, học một thời gian sẽ bị đào thải. Qua các năm, tỷ lệ tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội không quá cao, vì một số lượng lớn sinh viên đã bị lưu ban hoặc không trụ lại được.

Thực tế, việc lo ngại chất lượng đầu vào cho các trường đại học của dư luận xã hội là đúng, nhưng chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề thế này. Đã có thi là có tiêu cực, không có kỳ thi nào an toàn tuyệt đối cũng như có luật thì sẽ có vi phạm luật. Vấn đề là chúng ta phải tôn trọng luật pháp và làm sao để có thể hạn chế một cách tốt nhất những tiêu cực xảy ra.

Các trường đại học không nhất thiết phải lấy kết quả thi THPT Quốc gia để tuyển sinh mà chỉ dựa vào điểm thi THPT làm cơ sở để tham khảo, xét tuyển hoặc các trường cũng hoàn toàn có quyền đưa ra những hình thức bổ sung, để có thể có đầu vào tin cậy hơn.

Các trường đại học không nhất thiết phải lấy kết quả thi THPT Quốc gia để tuyển sinh mà chỉ dựa vào điểm thi THPT làm cơ sở để tham khảo, xét tuyển, hoặc các trường cũng hoàn toàn có quyền đưa ra những hình thức bổ sung, để có thể có đầu vào tin cậy hơn. Thực tế cho thấy, điểm thi chỉ là một phần, không thể hiện hết được năng lực của thí sinh, nên nếu trường đại học nào thấy không đáng tin cậy thì có thể tổ chức một kỳ thi sát hạch khác. Đó là quyền của các trường.

Các trường đại học cũng cần sàng lọc sinh viên. Tôi nghĩ, hiện tại nhiều trường đã làm tốt vấn đề này rồi nhưng chưa phải tất cả. Nếu trường nào cũng tổ chức tuyển sinh chặt chẽ, nghiêm túc, có sàng lọc tốt thì tự nhiên thi cử không còn nặng nề và tiêu cực trong thi cử chắc chắn cũng sẽ giảm đi.

Kỳ thi THPT Quốc gia đến nay đã qua 4 năm thực hiện. Riêng Đại học Bách khoa Hà Nội đã lấy kết quả thi THPT Quốc gia để tuyển sinh 3 “lứa” sinh viên, bắt đầu từ năm 2015. Đến nay, nếu thống kê về chất lượng sinh viên còn phải dựa vào nhiều yếu tố, nhưng hiện tại, đánh giá trên kết quả học tập, chúng tôi thấy không có biến động lớn, về cơ bản chất lượng được giữ ổn định.

Hình thức tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội trong những năm tới sẽ do Hội đồng tuyển sinh của trường quyết định. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định, nếu vẫn tiếp tục dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia thì chất lượng sinh viên của trường cũng không có biến động.

ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khac

PGS.TS Trương Văn Vỹ - Trường Đại học Khoa họcXã hội và Nhân văn TP HCM: Xem xét tính cần thiết của kỳ thi THPT Quốc gia

Trước đây, thời còn thi tốt nghiệp THPT theo hình thức “3 chung”, tôi từng nhiều lần tham gia làm đề, coi thi và chấm thi. Phải thừa nhận rằng, sự thay đổi từ thi “3 chung” sang “2 trong 1” như hiện nay là đều có lý do và thể hiện sự tiến bộ trong mỗi lần thay đổi. Nhưng trong quá trình triển khai, hình thức thi “2 trong 1” đã có những thiếu sót mà có thể chúng ta không thể lường trước hết được.

Việc thực hiện kỳ thi có nghiêm túc hay không phần lớn là do con người thực thi chứ không phải là do quy chế “2 trong 1” hay “3 chung”. Bởi về mặt lý thuyết thì quy chế thi được tổ chức rất chặt chẽ và bài bản. Ở đây là con người làm không đúng, con người lợi dụng những kẽ hở để làm sai. Mà cái sai không chỉ có ở Hà Giang, dấu hiệu sai phạm trong thi cử còn xảy ra ở nhiều nơi khác trong cả nước. Như vậy, tôi nghĩ đã đến lúc các nhà chức trách trong ngành giáo dục cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về kỳ thi THPT Quốc gia hiện nay.

Thật ra vấn đề này chúng ta đã bàn rất nhiều lần trước đây rồi, nhất là sau những năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà tỷ lệ tốt nghiệp bao giờ cũng đạt 98-99%. Người ta đặt câu hỏi rằng, tổ chức một kỳ thi đó nữa để làm gì khi nó tiêu hao biết bao tiền của, thời gian, công sức của xã hội mà chỉ có ý nghĩa xác định lại một điều đã gần như được xác định chắc chắn?

Đã có nhiều ý kiến là nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia mà chỉ xét kết quả theo học bạ của 3 năm học thôi. Thay vào đó là tổ chức kỳ thi vào đại học cho thật nghiêm túc và các trường đại học cứ tự chủ tổ chức thi tuyển theo tiêu chí phù hợp của mỗi trường.

Nếu nói kỹ hơn về việc có cần thiết phải tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nữa hay không thì tôi ủng hộ quan điểm là “không”, chỉ cần xét học bạ mà thôi. Đơn giản vì, trong mỗi năm học, các em học sinh đã lần lượt trải qua rất nhiều kỳ sát hạch rất chặt chẽ rồi. Đó là thi giữa học kỳ, cuối học kỳ, là hàng loạt các bài kiểm tra từ 15 phút đến 1 tiết ở mỗi môn học. Tất cả những bài kiểm tra, bài thi đó đã đủ cơ sở để đánh giá học sinh, thậm chí nó còn chặt chẽ hơn cả những môi trường giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nên vừa rồi tôi thấy có ý kiến cũng khá hay: Chỉ tổ chức thi cho học sinh dưới điểm trung bình.

Nhưng vào đại học thì khác, mỗi trường có một tiêu chí và đặc thù riêng. Để vào đại học, cần có một cuộc sát hạch học sinh khác nghiêm túc và nâng cao hơn. Vì vậy, các trường đại học cần đánh giá qua kỳ thi, tự ra đề, tổ chức thi cử. Còn nếu chỉ xét vào đại học dựa vào kỳ thi THPT “2 trong 1” thì tôi nghĩ sẽ khó chọn chính xác. Cũng chính vì thế mà vừa qua, sau khi xét từ điểm thi THPT Quốc gia, một số trường đại học còn tổ chức thêm một kỳ kiểm tra riêng nữa để thẩm định.

Như vậy để thấy rằng, thi THPT gần như chỉ là hình thức, nhưng nó tốn kém và tạo ra lỗ hổng để người ta làm sai, lợi dụng, nhất là căn bệnh chạy theo thành tích. Một khi “tấm vé” vào các trường đại học phụ thuộc vào các hội đồng thi của địa phương thì có thể sẽ xuất hiện những “phiên bản” Hà Giang khác.

Cho nên đây không chỉ là câu chuyện gian lận, tiêu cực trong tổ chức thi cử, nó còn tạo ra hệ lụy nghiêm trọng hơn rất nhiều về chất lượng giáo dục phổ thông.

Hy vọng qua vụ việc gây chấn động ở Hà Giang vừa qua, những nhà quản lý tâm huyết với nền giáo dục nước nhà sẽ có những thay đổi phù hợp hơn.

ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khacHơn 300 bài thi THPT Quốc gia ở Hà Giang được nâng điểm
ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khacPhổ điểm Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có thực sự lý tưởng?
ky thi thpt quoc gia 2 trong 1 nhung goc nhin khacKỳ thi THPT Quốc gia 2018: “2 trong 1” vẫn phù hợp?

Trúc Vân - Huyền Anh