Trở lực kinh tế Trung Quốc

Kỳ I: FDI vào Trung Quốc đối mặt "cơn gió ngược"

06:10 | 15/08/2023

165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tiếp tục giảm trong quý II/2023, đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
FDI vào Trung Quốc đối mặt "cơn gió ngược" | Quốc tế
Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023.

Theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố trong tháng này, đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc trong quý II đã giảm xuống dưới mức 4,9 tỉ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998. Trong khi đó, các khoản đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc ghi nhận mức giảm kỷ lục 34,1 tỉ USD.

Việc suy giảm vốn FDI vào Trung Quốc không phải là mới. FDI vào Trung Quốc đã giảm hơn 50% kể từ quý 2 năm ngoái. Chính sách nghiêm ngặt zero-COVID của Trung Quốc đã đóng cửa các đầu tàu thương mại của quốc gia này trong phần lớn năm ngoái đã làm gia tăng sự bất ổn ở nước ngoài và góp phần làm mất đà đầu tư.

Dù các hoạt động kinh tế đã bình thường trở lại kể từ khi chính sách zero COVID bị hủy bỏ vào tháng 1/2023, nhưng vốn FDI vào Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, các công ty nước ngoài đã đầu tư ít hơn 2,7% tính theo đồng nhân dân tệ, bao gồm cả tái đầu tư.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có tác động tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Vào mùa thu năm 2022, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc) đã khảo sát khoảng 320 công ty thành viên về những rủi ro kinh doanh mà họ gặp phải tại thị trường Trung Quốc. Theo đó, căng thẳng Mỹ-Trung là câu trả lời phổ biến nhất, được 66% công ty đề cập.

FDI vào Trung Quốc đối mặt "cơn gió ngược" | Quốc tế
Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc vẫn chưa phục hồi niềm tin đầu tư vào quốc gia này

Trong những năm gần đây, thuế quan của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã khiến chi phí tăng lên, và căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về những rủi ro có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã làm giảm thêm niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe hơi đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn cũng làm giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài, vốn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc.

Cụ thể, vào tháng 7, Tập đoàn Mitsubishi Motors của Nhật Bản đã quyết định tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc sau nhiều năm doanh số bán hàng tăng trưởng chậm. Năm ngoái, Stellantis NV cũng đã đóng cửa nhà máy Jeep duy nhất của mình tại Trung Quốc và thông báo rằng thương hiệu Opel của họ đang tạm dừng kế hoạch mở rộng.

Trong khi đó, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các quy định chặt chẽ hơn về đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo có thể cản trở hơn nữa FDI vào Trung Quốc. Thậm chí, các khoản đầu tư mới thông qua liên doanh được liệt kê vào các biện pháp này.

Những nghi ngờ về sự cởi mở của Trung Quốc với thế giới bên ngoài cũng đã kéo giảm đầu tư vào nước này. Khi AmCham Trung Quốc hỏi các thành viên liệu họ có tin tưởng rằng quốc gia này sẽ tiếp tục mở cửa trong ba năm tới hay không, chỉ 34% nói có, giảm so với 61% vào hai năm trước.

Ông Michelle Lam, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Societe Generale SA, cho biết: “Sự sụt giảm trong dòng vốn FDI vào Trung Quốc là đáng báo động. Điều đó có nghĩa là vẫn có những khoản đầu tư mới, nhưng một số công ty đang tái đầu tư ít hơn so với lợi nhuận hiện có của họ”.

Đồng quan điểm, ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho rằng sự sụt giảm FDI cũng có tác động đến thương mại của Trung Quốc, vì xuất khẩu từ các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Ông ước tính xuất khẩu từ các công ty nước ngoài trong nửa đầu năm nay đã giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc đang đặt mục tiêu xây dựng một mạng lưới chuỗi cung ứng trong nước trong lĩnh vực bán dẫn và các ngành công nghiệp khác, nhưng việc mua các thiết bị và bộ phận cần thiết từ nước ngoài đang gặp cản trở.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu tốc độ đổi mới công nghệ và tăng trưởng năng suất của Trung Quốc chậm lại, tình trạng trì trệ kinh tế có thể kéo dài hơn dự kiến. Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại chắc chắn sẽ là một gánh nặng lớn đối với toàn thế giới.

Tin tức kinh tế ngày 13/8: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 2 con số tháng thứ 3 liên tiếpTin tức kinh tế ngày 13/8: Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng 2 con số tháng thứ 3 liên tiếp
"Quả bom hẹn giờ" bất động sản Trung Quốc đang ở nấc nào?
Kinh tế thế giới loay hoay khi Mỹ và Trung Quốc về hai thái cựcKinh tế thế giới loay hoay khi Mỹ và Trung Quốc về hai thái cực

Theo DĐDN