Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững

07:53 | 11/02/2023

573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 10/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Lazada Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hoa Cương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam; bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM; ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Kinh tế số (KTS) được coi là động lực và trụ cột chính trong phát triển kinh tế. Nhiều chiến lược, chính sách cũng coi phát triển kinh tế số là trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát huy các thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Tuy vậy, phát triển kinh tế số vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cho dù triển vọng kinh tế tăng trưởng tương đối khả quan. Việc nhận định rõ cơ hội, thách thức và rào cản với phát triển kinh tế số đặc biệt trong quan hệ với phát triển bền vững là chìa khoá để nền kinh tế số Việt Nam khởi sắc trong tương lai. Do đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Lazada Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững
Ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam.

Ông Đặng Anh Dũng cho biết, với mục tiêu thúc đẩy tiến bộ và phát triển ở khu vực ĐNA thông qua thương mại và công nghệ, Lazada luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững kèm theo đó là những cam kết đầu tư lâu dài. Ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cốt lõi về công nghệ, hoạt động logistics và con người, việc tạo ra các giá trị chung và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong những năm qua, Lazada Việt Nam đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bồi dưỡng nhân tài và hỗ trợ phát triển cộng đồng địa phương thông qua nhiều sáng kiến có ý nghĩa giúp bảo vệ môi trường.

Lazada hiểu rằng, mối quan tâm đầu tiên của một nhà bán hàng là hiệu quả kinh tế. Trong hội thảo này, Lazada cũng sẽ công bố các báo cáo liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM

Bàn về vấn đề hoàn thiện khung chính sách nhằm phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, CMCN 4.0 và KTS đã phát triển khá nhanh trên thế giới từ trước 2020. Tuy nhiên, cạnh tranh địa chính trị trong lĩnh vực công nghệ và các dè dặt về lợi ích-chi phí, khả năng quản lý ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc các quốc gia tiếp cận KTS.

Theo ông Dương, hiện nay đã có rất nhiều văn bản pháp lý và chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển KTS. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rào cản đối với phát triển KTS ở Việt Nam cần được khắc phục bao gồm: Hạ tầng cho KTS chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp; Hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển KTS; Nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển KTS còn thiếu và yếu; Khu vực tư nhân chưa thực sự đổi mới sáng tạo; Thiếu quy định về bảo vệ người dùng.

Theo báo cáo của WEF GCI (2019), về tăng trưởng của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), điểm số của Việt Nam xếp thứ 15 trên tổng số 20 quốc gia; về khả năng thích ứng của khung pháp lý đối với các mô hình kinh doanh số, Việt Nam xếp thứ 17 trên tổng số 20 quốc gia.

Do đó, để hoàn thiện chính sách đối với kinh tế số, ông Dương đề xuất cần nhanh chóng hoàn thiện các vấn đề liên quan đến an toàn an ninh mạng; các chính sách cạnh tranh; thuế với nền tảng số; quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cần phát huy trách nhiệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trên nền tảng thương mại số (VD: Phòng chống buôn bán động vật hoang dã trên nền tảng số). Bên cạnh đó, cần tư duy hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò và trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi của người mua, xử lý nhanh chóng các tranh chấp thương mại trực tuyến hướng tới một nền KTS phát triển bền vững.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Bàn về thương mại điện tử trong phát triển bền vững nền kinh tế số, bà Lại Việt Anh cho biết, 5 năm trở lại đây thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, đứng thứ 3 ĐNA.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn tồn tại những thách thức cần đuợc giải quyết nhanh chóng để đảm bảo tăng trưởng bền vững KTS như các vấn đề chính sách, pháp lý; phát triển TMĐT xanh; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển TMĐT và KTS; vấn đề cạnh tranh lành mạnh trên sàn TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, bảo vệ môi trường và bình đẳng giới là 2 vấn đề đang còn rất mới.

Trong vấn đề Phát triển TMĐT xanh - TMĐT gắn liền với bảo vệ môi trường, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh, rác thải bỏ đi khi mua sắm trực tuyến gấp 7 lần so với rác thải bỏ đi khi mua sắm tại cửa hàng.

Theo thống kê của Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr, 86% người tiêu dùng được hỏi có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững, 77% người tiêu dùng được hỏi mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai. Có thể thấy rõ nhu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì bền vững là hiện hữu do đó tính bền vững và bao bì ít chất thải phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế và tâm lý của người tiêu dùng, Lazada đã phát hành nhiều sản phẩm và chương trình góp phần bảo vệ mội trường, phát triển TMĐT xanh.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững
Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam.

Chia sẻ về những kinh nghiệm của Lazada trong thúc đẩy phát triển bền vững thương mại điện tử, bà Vũ Thị Minh Tú cho biết, trong hoạt động quản trị cần ưu tiên đảm bảo an ninh mạng và dữ liệu cá nhân; quản trị bằng công nghệ đồng thời hợp tác với các bên liên quan (cơ quan thực thi pháp luật và thương hiệu) trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trong năm 2023, Lazada Logistics sẽ đưa 100 chiếc xe máy điện đầu tiên vào giao hàng tại thị trường Việt Nam, góp phần giảm phát thải. Lazada còn hợp tác với các thương hiệu nhằm tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng cho các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát hành cẩm nang “đóng gói hàng hiệu quả, thân thiện với môi trường” thể hiện tinh thần trách nhiệm của Lazada trong việc đồng hành và hỗ trợ nhà bán hàng thương mại điện tử cùng giảm thiểu rác thải và kinh doanh hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Lazada cũng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn.

Kinh tế số Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững
Toạ đàm trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững KTS, và TMĐT.

Tại hội thảo, đã diễn ra toạ đàm với sự góp mặt của các diễn giả, chuyên gia kinh tế trao đổi về các vấn đề liên quan đến phát triển KTS, và TMĐT trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được coi là chìa khóa thúc đẩy phát triển KTS.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển KTS, trong đó, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn nhất đối với sự phát triển KTS của Việt Nam cần được khắc phục để xây dựng hệ sinh thái bền vững.

Ngoài ra, vấn đề về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế cũng được rất nhiều diễn giả và chuyên gia đặc biệt lưu ý. Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek, và Bain Company quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ đô-la Mỹ năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 - 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế. Để làm được vậy, một trong số các biện pháp được khuyến cáo chính là giảm thiểu và tái chế các vật liệu đóng gói hàng hóa.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục tiên phong, thúc đẩy chuyển đổi số quốc giaDoanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục tiên phong, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt NamGiải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam

Minh Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc