Kinh hoàng rác thải y tế

07:00 | 20/07/2014

1,712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đáng ra phải ý thức hơn ai hết về việc bảo vệ môi trường bởi đây là mối nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người, thế nhưng thật mâu thuẫn khi chính nơi gìn giữ, duy trì sức khỏe cho con người là các bệnh viện lại đang xả rác thải y tế một cách bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường.

Năng lượng Mới số 339

Nhiều bệnh viện vi phạm

Theo Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (cảnh sát môi trường), Bộ Công an, thông qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện hàng loạt những vụ vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trong suốt thời gian qua tại các bệnh viện, trong đó không ít các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội.

Điển hình như vụ Nguyễn Ngọc Quân, cán bộ Khoa Giải phẫu, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã vận chuyển 30kg nội tạng người đựng trong trong 2 chiếc túi nilon đen tới khu tập kết rác của Bệnh viện Giao thông Vận tải để vứt. Khi đang thực hiện hành vi, Quân đã bị các chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội phát hiện. Tại Cơ quan công an, Quân khai do không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nên Khoa Giải phẫu, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội phải mang bệnh phẩm sang vứt tại… Bệnh viện Giao thông Vận tải. Và Quân là người đã nhiều lần phải thực hiện việc này.

Tương tự, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội cũng bắt quả tang Phòng khám Đa khoa ở Trương Định, Hoàng Mai có hành vi vi phạm nghiêm trọng về quản lý chất thải nguy hại khi thực hiện xong các ca nạo, hút thai, cơ sở này đã cho vào bồn cầu và xả xuống bể phốt. Đồng thời với các rác thải nguy hại như kim tiêm, bông băng dính máu, dịch truyền… Phòng khám đa khoa nói trên đã vứt ra ngoài môi trường mà không thực hiện đúng theo quy định của ngành y tế

.Kinh hoàng rác thải y tế

Đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Hà Nội và Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội kiểm tra tại một bãi rác Vĩnh Quỳnh, Hà Nội

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, Bộ Công an tại Tiền Giang, Bệnh viện Lao phổi Tiền Giang cũng vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Tiền Giang đã phát hiện bệnh viện này bán hơn 200kg chất thải y tế nguy hại cho đối tượng tái chế. Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cũng vậy khi chôn lấp trái phép 6 tấn rác thải y tế nguy hại và hành vi đó đã bị lực lượng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang.

Không chỉ các bệnh viện tuyến dưới, phòng khám mà ngay cả các bệnh viện lớn cũng vi phạm như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt - Đức, đã từng bị Cục Cảnh sát Môi trường phát hiện bán trái phép hàng tấn chất thải y tế nguy hại cho các đối tượng chuyên tái chế, không có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại.

Bên cạnh rác thải thì nước thải y tế cũng là vấn đề mà nhiều bệnh viện kể cả tuyến trên và tuyến dưới đều không thực hiện đúng theo quy định. Đơn cử như Bệnh viện Bạch Mai với tổng lưu lượng thải khoảng 2.000m3/ngày đêm, sau khi lấy nước thải ở điểm cuối cùng của hệ thống xử lý nước để kiểm tra thì có 2 chỉ tiêu là BOD5 và nitơ vượt tiêu chuẩn cho phép 3-5 lần. Hay xem các tồn tại được Cục Cảnh sát Môi trường từng nhận định tại các bệnh viện mới thấy hệ thống xử lý nước thải ở đây nghiêm trọng như thế nào.

Cụ thể Bệnh viện E: Chưa có đề án bảo vệ môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chưa điều chỉnh đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại khi lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá 15% so với đăng ký; tại khu vực thu gom nước thải vào hệ thống xử lý có 1 đường ống đường kính khoảng 30cm được đấu nối để xả nước thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý.

Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương: Chưa tiến hành điều chỉnh sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại khi lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh vượt quá 15% so với đăng ký; chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận về việc đã hoàn thành các công trình xử lý môi trường theo bản báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu của quyết định phê duyệt. Hay như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Chưa có đề án bảo vệ môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; chưa tiến hành quan trắc, giám sát môi trường đầy đủ…

Do người đứng đầu?   

Để xảy ra tình trạng trên đây, Đại tá Trần Trọng Bình phân tích với báo giới: Nguyên nhân đầu tiên là do yếu tố lịch sử để lại - nhiều bệnh viện đã xây dựng từ rất lâu, do trước đây công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ, ít được quan tâm nên không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải. Thứ hai là người đứng đầu một số cơ sở y tế công lập chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ môi trường, thường giao phó công tác này cho bộ phận cấp dưới, không thường xuyên kiểm tra, giám sát dẫn tới công tác quản lý chất thải y tế còn lỏng lẻo, tạo sơ hở để các đối tượng lợi dụng vi phạm.

Còn một điều nữa là chưa có quy định cơ chế trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người đứng đầu ở các cơ sở y tế công lập. Họ chủ yếu quản lý về chuyên môn, hưởng lương Nhà nước, kinh phí đầu tư thì trông chờ ngân sách cấp, trong khi bị phát hiện và xử phạt thì những cơ sở y tế công, nguồn kinh phí để xử phạt là nguồn kinh phí của tập thể. Đây cũng là điều ảnh hưởng rất lớn, gây ra sự lãng phí lớn, mặc dù trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm về mặt tinh thần và vật chất của họ chưa được xem xét một cách đầy đủ.

Ông Bình cũng nói thêm: Đối với một số cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tư nhân vì động cơ lợi ích đã trốn tránh nghĩa vụ xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động. Họ không đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại mà chuyển giao cùng với chất thải sinh hoạt để tiết kiệm chi phí chi cho công tác bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, ông Bình còn nhấn mạnh: “Ở những cơ sở khám chữa bệnh như tôi phân tích, mặc dù ký với các cơ sở lớn để thu gom chất thải y tế nhưng trên thực tế không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc thu gom và xử lý chất thải đó. Đối với các cơ sở y tế thì đó là món “hời”. Vì họ ký với khối lượng nhỏ hơn rất nhiều số lượng thực tế mà họ thải ra môi trường”.

Phải phối hợp đồng bộ

Để khắc phục và hạn chế tình trạng trên đây, Đại tá Trần Trọng Bình khẳng định, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa đấu tranh. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng của ngành y tế mà lực lượng cảnh sát môi trường, các lực lượng khác như tài nguyên môi trường, ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền các cấp, sự giám sát của xã hội... Thứ hai là chúng ta cần tăng cường hơn nữa hệ thống pháp luật để tạo nên một hành lang pháp lý để xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm và đặc biệt sớm ban hành những văn bản, thông tư hướng dẫn để xử lý tội phạm về môi trường. Chẳng hạn như những quy định như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù có quy định trong luật hình sự thế nhưng để định lượng thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng để làm cơ sở pháp lý, yếu tố cấu thành tội phạm, yếu tố vật chất cấu thành tội phạm thì cần phải có thông tư hướng dẫn. Về vấn đề này, Cục Cảnh sát môi trường được giao nhiệm vụ đã có văn bản kiến nghị, tham mưu đề xuất.

Vấn đề thứ ba là cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan chức năng chủ quản, của chính quyền địa phương cần phải xem xét và tăng cường quy chế phối hợp, thậm chí xem xét trách nhiệm khi để xảy ra các vi phạm.

Điều cuối cùng: “Chúng tôi thấy rằng cần phải làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ của các lực lượng thực thi pháp luật về phẩm chất đạo đức cũng như trách nhiệm nghề nghiệp” - ông Bình kết thúc.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc