Không vay tiền vẫn bị đòi nợ
Đòi nợ kiểu “khủng bố”
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (Hà Nội) cho biết, liên tục từ cuối năm 2017, anh bị số điện thoại lạ xưng là nhân viên của một công ty tài chính gọi nhắc nộp tiền nợ cho một người ở quận 12, TP HCM. Trong khi anh đã giải thích họ nhầm người bởi anh đang sống ở Hà Nội và không vay tiền ở bất cứ ngân hàng nào. Anh Tuấn đã yêu cầu họ kiểm tra lại thông tin. Tuy nhiên, họ vẫn liên tục gọi điện đòi nợ bằng những lời lẽ rất khó nghe, khiến anh vô cùng bức xúc.
Tương tự, chị Trương Mộng Điệp (ngụ ở quận Thủ Đức, TP HCM) kể: “Gần đây, tôi liên tục bị người nói là bên công ty tài chính đòi nợ 30 triệu đồng. Họ hỏi có quen với người tên Huân không, tôi trả lời không biết, không quen nhưng họ vẫn liên tục gọi điện kiểu tra tấn, gần như ngày nào cũng gọi, bất kể giờ nào, lời nói hăm dọa như “xã hội đen”. Tôi chặn số này lại tiếp tục thấy số khác gọi đến đòi nợ. Mong cơ quan chức năng có biện pháp xử lý để tôi thoát khỏi tình cảnh này”.
Nhiều người tiêu dùng phản ánh dù không vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện nhắc nợ |
Đó không phải là những trường hợp cá biệt. Trong những tháng đầu năm 2018, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) của Cục CT&BVNTD - 18006838 - đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh của NTD với nội dung không vay nợ nhưng vẫn bị gọi điện đòi nợ, hăm dọa. Những trường hợp bị đòi nợ “nhầm” được giải thích là nằm trong số điện thoại tham chiếu mà người vay nợ đưa ra khi vay tiền của ngân hàng hoặc của các công ty tài chính trong trường hợp bên cho vay không thể liên hệ được với bên vay. Các trường hợp này thường là vay tín chấp, vay tiêu dùng phục vụ đời sống.
Trên cơ sở các thông tin đã tiếp nhận, Cục CT&BVNTD đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xem xét, giải quyết phản ánh, khiếu nại của NTD. Thống kê cho thấy, NTD (chủ yếu dùng thuê bao của mạng Vinaphone) liên tục nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn với nội dung đề nghị trả nợ. NTD đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng tiếp tục gọi điện nhầm. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.
Trước tình trạng này, Cục CT&BVNTD lưu ý NTD, trong trường hợp nhân viên liên hệ đòi nợ không cung cấp hoặc không nói rõ tên của đơn vị chủ nợ, NTD cần tìm cách nói chuyện, trao đổi để có thể xác định được tên của đơn vị liên quan tới vay nợ. Chỉ khi có được thông tin của đơn vị này, NTD mới có cơ sở để khiếu nại tới các cơ quan quản lý, từ đó các cơ quan quản lý có cơ sở để liên hệ và hỗ trợ NTD.
Trong quá trình trao đổi với nhân viên liên hệ đòi nợ, NTD cần chủ động đề nghị nhân viên xác nhận lại thông tin về việc thu hồi nợ nhầm đối tượng. Đồng thời, trên cơ sở xác định chính xác tên của đơn vị chủ nợ, NTD có thể tiếp tục liên hệ (thông qua điện thoại hoặc qua email) để đề nghị đơn vị này tiếp nhận và giải quyết vấn đề của NTD.
Trường hợp đã thông báo, đề nghị nhưng vẫn tiếp tục bị gọi điện quấy rối, NTD có thể thực hiện khiếu nại về hành vi nêu trên tới Cục CT&BVNTD. Nội dung khiếu nại cần cung cấp số điện thoại, họ tên của NTD; tên của đơn vị liên quan và tóm tắt nội dung vụ việc.
Chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng
Các chuyên gia cho rằng, do lỏng lẻo trong quá trình cho vay, dưới áp lực thu hồi nợ nên nhân viên của một số ngân hàng, công ty tài chính đã có hành vi đòi nợ phản cảm. Bên cạnh việc chấn chỉnh những hành vi đó, các ngân hàng cũng phải rà soát quy trình, thủ tục cho vay để bảo đảm sự chặt chẽ, tránh phát sinh nợ xấu. Với các số điện thoại tham chiếu, ngân hàng phải liên hệ xem có đúng là người thân của người vay hay không và họ có đồng ý cho phép liên hệ trong trường hợp ngân hàng không liên hệ được với người vay hay không.
Hoạt động cho vay tiêu dùng ngày càng phát triển |
Để chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.
Theo đó, để ngăn ngừa hành vi gian lận, vi phạm các quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, bảo đảm quyền lợi của các khách hàng và an toàn trong hoạt động cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng, Thống đốc NHNNVN yêu cầu các ngân hàng rà soát các quy định nội bộ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ về cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay, phát hành và cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của ngân hàng; phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, nhân viên của ngân hàng để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất, phí liên quan đến hoạt động cho vay; thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch hóa hoạt động cho vay; cung cấp các thông tin về lãi suất cho vay, nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất trong trường hợp áp dụng lãi suất có điều chỉnh, lãi suất quá hạn, loại phí và mức phí đầy đủ cho khách hàng trước khi xác lập thỏa thuận cho vay.
Các công ty tài chính tiêu dùng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm lãi suất cho vay cao nhất, lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Cùng với đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của NHNN và pháp luật về hoạt động cấp tín dụng nói chung, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng nói riêng ở tất cả các chi nhánh, đơn vị kinh doanh trong mạng lưới của ngân hàng; bảo đảm cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ và quy định của pháp luật (trong đó bao gồm minh bạch thông tin hợp đồng, bảo mật thông tin khách hàng, sử dụng biện pháp thu hồi nợ phù hợp...).
Trong những tháng đầu năm 2018, tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục CT&BVNTD - 18006838 - đã tiếp nhận 90 cuộc gọi phản ánh của NTD với nội dung không vay nợ nhưng vẫn bị gọi điện đòi nợ, hăm dọa. |
Mai Phương
-
Hội thảo CLB Ca cao ASEAN (ACC) lần thứ 24 diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
-
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện
-
Giá dầu hôm nay (9/10): Tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Giá vàng hôm nay (9/10): Thị trường thế giới quay đầu giảm