Không thể để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"

07:00 | 24/03/2013

739 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc vi phạm của một số ấn phẩm vừa được phát hiện thực sự là hồi chuông gióng lên về thực trạng biên soạn sách cần phải chấn chỉnh.

Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 3/2013, các cuốn sách dạy trẻ em Việt Nam có in cờ Trung Quốc được phát hiện: Đó là cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1” của NXB Dân trí, tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” của NXB Mỹ thuật và “Bé làm quen với chữ cái” của NXB Đại học Sư phạm.

Vì thế, có thể nói đây là những sai phạm nghiêm trọng từ khâu biên tập đến biên soạn. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về NXB, đối tác liên kết, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc này cũng không thể chối bỏ.

Theo Quyết định Ban hành Quy chế Lưu chiểu xuất bản phẩm số: 102/2006/QĐ-BVHTT, thì các đơn vị quản lý Nhà nước, như Cục Xuất bản, hoặc Sở Thông tin & Truyền thông sẽ được nhận nộp lưu chiểu “Ít nhất 10 ngày trước khi phát hành”. Thế nhưng, có vẻ như Cục Xuất bản (Bộ Thông tin & Truyền thông) vẫn tỏ ra bị động và lúng túng trước vấn đề không mới này. Bởi khi sự việc xảy ra đã mấy ngày, mà theo bà Phan Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng Quản lý xuất bản (Cục Xuất bản) cho báo chí biết, thì mới đang yêu cầu NXB Đại học Sư phạm đưa sách lên để báo cáo, thay vì chủ động tìm hiểu sự việc.

Một trong những cuốn sách cho trẻ có sử dụng cờ Trung Quốc

Còn liên lạc với ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản thì được biết, chỉ trong 2 ngày sau khi các cuốn sách vi phạm được phát hiện, ông đã nhận được khoảng 200 cuộc điện thoại của phóng viên các báo hỏi về việc này. Nhưng tìm một ý kiến chính thức từ Cục Xuất bản là “không đơn giản” và Cục cho biết, vẫn đang chờ Thanh tra Bộ làm việc. Ông Hòa cũng chỉ nhấn mạnh: Nếu đúng như báo chí thông tin, thì rõ ràng đó là một lỗi nặng và Thanh tra Bộ sẽ xử lý việc này, Cục Xuất bản chưa có chức năng đó. Quan điểm của Cục Xuất bản là phải xử lý nghiêm khắc, nhất là những lỗi có thể liên quan tới quốc gia, dân tộc.

Một cuốn sách đã được phát hành trên thị trường, được đưa lên báo chí với đầy đủ hình ảnh, mười mươi rõ như ban ngày, lẽ nào người đứng đầu Cục Xuất bản vẫn còn chưa biết chắc chắn, mà còn phải là “Nếu đúng…”? Lại nữa, trên báo chí, bà Tuyết Nga cho biết, việc kiểm tra từ phía NXB Dân trí còn phát hiện cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” chưa nộp lưu chiểu mà đã phát hành, là vi phạm quy định về xuất bản, cũng càng cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý xuất bản, mới dẫn đến sự “qua mặt” này.

Trong khi đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, sai phạm trong những cuốn sách in cờ Trung Quốc là “nghiêm trọng, là bài học xương máu trong công tác biên soạn sách” và Bộ GD&ĐT cũng kết luận bộ sách đó không phù hợp với chương trình giáo dục mầm non, nên đã có công văn kiến nghị thu hồi và yêu cầu các đơn vị giáo dục không mua và sử dụng bộ sách này, đồng thời yêu cầu các NXB không xuất bản, phát hành các loại xuất bản phẩm không đúng với pháp luật, với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy cũng thừa nhận, đây là thiếu sót trong quá trình ký kết hợp đồng mua bản quyền và cả quá trình biên tập, in ấn, nên đã chỉ đạo thu hồi các cuốn sách trên và để những người đã mua phải sách đó được đổi sách khác hoặc hoàn lại tiền. Thế nhưng, thật lạ là, trong khi dư luận đang bức xúc trước sự việc vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính giáo dục như thế, thì bà Bùi Thị Hương, Giám đốc NXB Dân trí lại cho rằng: “Hình ảnh trong sách là hình ảnh trường của Trung Quốc thì phải treo cờ Trung Quốc chứ không thể treo cờ Việt Nam được. Tôi thấy nội dung và hình ảnh rất bình thường, không có gì nặng nề”.

Rõ ràng, với người làm sách, ngoài vững về nghiệp vụ, đòi hỏi còn phải có sự hiểu biết và nhạy cảm về chính trị. Đó là chưa nói tới việc NXB Dân trí không trao đổi hay hỏi ý kiến của Bộ GD&ĐT khi làm cuốn sách trên, theo như ý kiến của bà Ngô Thị Hợp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), đồng thời, cách làm của NXB là không minh bạch, khi lời giới thiệu đúng ra cần phải nói rõ biên soạn theo chương trình của Trung Quốc hay của Việt Nam.

Việc vi phạm của một số ấn phẩm vừa được phát hiện thực sự là hồi chuông gióng lên về thực trạng biên soạn sách cần phải chấn chỉnh. Từ vi phạm này, nhiều người băn khoăn: Mỗi năm, Nhà nước đầu tư biết bao tỉ đồng cho công tác giáo dục, mà đến biên soạn sách cho trẻ, các nhà sư phạm Việt Nam, trong đó, nhiều người đủ các loại bằng cấp, lại không thể làm nổi, để phải đi nhập ngoại?

Vi phạm này còn cho thấy công tác quản lý xuất bản phần nào đang có kẽ hở. Vì thế, cần phải sớm có những giải pháp tích cực, khắc phục kịp thời, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn nếu có tính toán, về vấn đề chủ quyền đất nước, dân tộc. Nếu cứ để xảy ra rồi mới lại “thu hồi, tiêu hủy, kiểm soát và chấn chỉnh” như đang diễn ra thì khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”?

Thanh Hằng