Không phải lúc nào cũng “có bệnh thì vái tứ phương”

06:43 | 28/07/2013

1,794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những kiểu chữa bệnh… dở người không biết đã bao nhiêu lần được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ấy thế mà dường như chẳng đủ để cảnh tỉnh cho bộ phận người mà luôn lấy quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương” làm hàng đầu. Những người “chữa trị” bệnh đương nhiên là đáng trách vì lợi dụng tâm lý người bệnh để lừa gạt, “hành nghề” nhằm đạt mục đích cá nhân. Nhưng những bệnh nhân chạy theo cách chữa trị này còn đáng trách hơn bởi mê muội, để rồi đẩy mình vào cảnh có khi “tiền mất tật vẫn mang”.

Xuân Anh (NLM số 242)

Mới đây, dư luận xôn xao về cái gọi là chữa trị bằng cách… đào nhà tìm mộ. Thoạt nghe tưởng chuyện đùa, hóa ra có thật 100% ở xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Đáng thương nhất song cũng đáng trách nhất là trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Sỹ - Trần Thị Mầu. Nguyên do bắt đầu từ khi vợ chồng anh sinh được 4 người con, trong đó 3 gái, 1 trai thì cả 4 người con hay đau ốm, quặt quẹo đến nỗi để chữa trị cho chúng, bao nhiêu tài sản quý giá nhất trong nhà của vợ chồng anh đều phải “đội nón” ra đi. Nếu như sự “đội nón” ra đi của những tài sản đáng giá nhất ấy mà mang lại được sức khỏe cho 4 đứa con của anh chị thì không có gì đáng nói nhưng đằng này buồn là đâu vẫn đấy. Bởi vậy, gia đình anh lâm vào cảnh có gì bán nấy và gia đình đã nghèo càng nghèo hơn.

Đến khi nghe trong xã rộ lên phong trào chữa bệnh theo kiểu đào nhà tìm mộ - “sáng kiến” của một “thầy” tận Định Quán, Đồng Nai xa xôi, anh cũng hộc tốc làm theo. Tuy nhiên, cái khó là nếu tìm thấy, những người trong gia đình dẫu là bệnh gì cũng thuyên giảm hoặc khỏi. Còn không tìm thấy thì… Nhưng dẫu sao, “có bệnh phải vái tứ phương” thế là vợ chồng anh Sỹ - chị Mầu theo hướng dẫn của những người đi trước làm theo.

"Thầy" Huấn đang "chữa trị” cho một bệnh nhân tại nhà

Trước tiên vợ chồng anh gọi điện cho “thầy” và được “thầy” chỉ dẫn trước cửa buồng chính của gian nhà có mộ phần của 3 thi thể. Bây giờ vợ chồng anh phải đào được cái mộ đó và mang đi chôn cất thì gia đình mới yên ấm, các con anh mới khỏe mạnh. Vậy là đào lần thứ nhất vợ chồng anh không thấy mộ phần nào. Lần thứ hai cũng không thấy. Lần thứ 3 trước khi đào gọi điện cho “thầy” để hỏi. “Thầy” bảo cứ đào đi, sẽ thấy không phải là hài cốt mà chỉ đất thôi. Nhưng đáng tiếc là chưa kịp đào để thấy lớp đất là “cốt” thì ngôi nhà - tài sản đáng giá nhất còn lại của vợ chồng anh Sỹ - Mầu, nơi che nắng, mưa duy nhất cho cả gia đình anh đã sập xuống trở thành đống vôi vữa, gạch vụn. Vậy là vợ chồng, con cái anh Sỹ lâm vào cảnh “tiền mất tật vẫn mang”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huyền, ở Long Hưng, Hưng Yên, sau khi trở thành “nạn nhân” của “trò” trị bệnh… dâm loạn, nghĩa là chỉ bấm huyệt vào… chỗ kín là chủ yếu mà chữa được bách bệnh, chị đã làm đơn tố cáo người “hành nghề” này là “thầy” Huấn ở thị trấn Bần Yên Nhân. Chị kể, chị bị méo mồm từ nhỏ, đã chữa trị ở bao nhiêu bệnh viện lớn, nhỏ, từ Trung ương đến địa phương kể cả Đông y và Tây y nhưng không khỏi. Đến khi nghe tin có “thầy” Huấn có thể chữa bệnh này bằng cách bấm huyệt, vậy là gia đình chị  tức tốc đưa chị đến gặp “thầy”.

“Thầy” Huấn đã ở tuổi “thất thập lai hy” nhưng dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn cường tráng. Mỗi khi chữa trị cho bệnh nhân, bao giờ “thầy” cũng ngồi chờ sẵn trong một căn phòng nhỏ kín đáo sau ngôi nhà chính của thầy và câu đầu nói thường trực thầy “chỉ định” với bệnh nhân nhân là: “Thay váy đi” (nghĩa là thay quần áo đang mặc bằng một chiếc váy rộng mà người nhà thầy đã chuẩn bị sẵn). Với chị Huyền cũng vậy. Sau khi thay váy xong, chị Huyền được “thầy” hướng dẫn nằm xuống giường rồi dùng tay “khởi động” bằng cách day huyệt ở 2 thái dương, đỉnh đầu, cổ, vai.

Chưa đầy 5 phút sau, thầy luồn tay vào áo và vừa bấm huyệt ở… ngực vừa giải thích: “Vùng ngực tập trung nhiều dây thần kinh nên phải xoa bóp cho lưu thông các mạch máu, làm hệ thần kinh thông suốt”. Được khoảng 5 phút xoa bóp, bấm huyệt ở… ngực, thầy tiếp tục bấm huyệt ở… vùng kín khi đã đề nghị chị Huyền đổi tư thế từ nằm ngửa sang nằm sấp.

Thầy nói: “Vùng kín là nơi tập trung nhiều dây thần kinh trên mặt nhất nên muốn chữa bệnh méo mồm phải bấm chủ đạo ở huyệt này”. Nhưng với cách “bấm huyệt” của “thầy”, chị Huyền lờ mờ nhận ra hình như chị đang bị lừa đảo bởi trò dâm loạn hơn là chữa trị bệnh. Điều đó, càng được khẳng định khi chị tìm hiểu và được biết, xuất thân “thầy Huấn” vốn là “đồ tể” mổ lợn chứ không phải “từng học y thuật từ năm 20 tuổi ở Trung Quốc” như ông đã khoác lác. Thế là chị công khai phản ứng “thầy” dù “thầy” đã cho 2 gói thuốc gồm mấy viên B1 và thuốc thần kinh D3.

Như chị Huyền, có rất nhiều phụ nữ được “thầy” Huấn chữa trị như vậy. Nhưng ở nơi, chuyện “cơm, áo, gạo tiền” choán hết cả tâm trí đã khiến cho nhiều chị em ở đây tiếp tục mù quáng chữa trị theo cách bấm huyệt vùng kín” của “thầy” Huấn.

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhận định: “Người Việt có một thói quen sử dụng thuốc cũng như điều trị bệnh, đặc biệt theo phương pháp Đông y là “truyền khẩu”. Nếu trước đây, khi y học chưa phát triển và giới y học, “lương y như từ mẫu” là tinh thần chủ đạo của bất kể thầy thuốc nào thì sự “truyền khẩu” là phù hợp. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có sự tìm hiểu, tham khảo. Nhưng trong sự phát triển vượt bậc của y học hiện nay và đặc biệt y đức có chiều hướng đi xuống ở một số người nhân danh “thầy thuốc” thì “truyền khẩu” trong y học lại trở nên vô cùng tai hại. Và những bệnh nhân trên đây là một ví dụ cho hình thức chữa trị theo “truyền khẩu”.

Cho nên, vẫn biết mặc dù có bệnh “phải vái tứ phương” nhưng phải biết cái “phương” mình theo ấy như thế nào - thầy thuốc là người có uy tín hay không, nguồn gốc ra sao, hình thức chữa trị như thế nào, khoa học hay không… Chứ không thể tùy tiện nghe theo để chữa trị để rồi dẫn đến “tiền mất tật mang”…

Xuân Anh