Tổng giám đốc Công ty Cổ phần PVI Bùi Vạn Thuận:

"Không mong dẫn đầu về doanh thu, chỉ mong dẫn đầu về hiệu quả"

09:19 | 19/08/2012

3,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đổi mới, tái cơ cấu đang là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận cũng cho rằng: “Tái cơ cấu, nên hiểu là làm mới mình, phát huy thêm khả năng và tìm kiếm các thị trường mới, cơ hội mới”.

Ông Bùi Vạn Thuận đã chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới/ Petrotimes như vậy khi bàn về vị thế dẫn đầu trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

PV: Thưa ông, người ta vẫn thường nghĩ tái cấu trúc doanh nghiệp là sắp xếp, thu hẹp lại, tiết giảm chi phí… Điều này có vẻ như đang khác với xu hướng mở rộng, quốc tế hóa của PVI?

Ông Bùi Vạn Thuận: Đúng là có một số người quan niệm: Tái cơ cấu là thu gọn, tiết giảm nhưng chúng tôi lại quan niệm khác.

Đơn giản thôi, bạn có thấy, mặc dù khủng hoảng nhưng các công ty đa quốc gia vẫn trụ vững vì họ luôn phân tán rủi ro ở nhiều thị trường khác nhau trên toàn cầu. Nó rất khác với cách tư duy của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ bó gọn ở phạm vi trong nước, nên luôn bị động và không đủ sức chống đỡ khi có khủng hoảng.

Chúng tôi có khát vọng trở thành một công ty đa quốc gia và quan trọng là chúng tôi hiểu mình đang có những gì. Không phải vào lúc khó khăn khủng hoảng là co mình lại mà đó phải là lúc làm mới mình, vươn ra đi tìm các thị trường mới, các đối tác mới và các cơ hội mới.

Vẫn biết là vậy nhưng cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng mở rộng không phải dễ, trước tiên là phải có các đối tác chiến lược và có nguồn vốn lớn.

Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần PVI.

PV: Thưa ông, chúng ta lại nói về vốn - vấn đề được xem là “nóng” nhất hiện nay. Trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang suy giảm, các nhà đầu tư đều rất đắn đo, tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy, PVI làm thế nào để có được nguồn vốn đủ cho việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng mở rộng và quốc tế hóa?

Ông Bùi Vạn Thuận: Chính việc quốc tế hóa đã mang lại cho PVI nguồn vốn để thực hiện tái cơ cấu theo hướng mở rộng.

Tháng 7/2012, HDI-Gerling Industrie Versicherung AG, công ty do Tập đoàn Bảo hiểm Talanx sở hữu 100% vốn điều lệ, đã ký Hợp đồng mua bán cổ phần với PVI, để tăng tỷ lệ sở hữu của HDI-Gerling tại PVI từ 25% lên 31,82%. Tổng giá trị đợt phát hành riêng lẻ này lên tới 560 tỉ đồng (tương đương 27 triệu USD). Số vốn tăng thêm này sẽ được sử dụng để góp vốn điều lệ thành lập công ty thành viên của PVI hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và tăng cường năng lực tài chính cho các công ty thành viên khác là Công ty Tái bảo hiểm PVI và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI.

Sự hợp tác của họ đã giúp chúng tôi giải quyết thành công 2 vấn đề lớn: vốn và cổ đông chiến lược. Hai vấn đề cốt lõi nhất trong quá trình tái cấu trúc theo hướng mở rộng.

PV: Rất nhiều doanh nghiệp cũng có khát vọng mở rộng và quốc tế hóa nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công như PVI. Vậy, điều gì ở PVI đã thu hút được các nhà đầu tư quốc tế?

Ông Bùi Vạn Thuận: Đúng là không hề đơn giản để một nhà đầu tư tầm cỡ thế giới như Talanx trả giá 36.000 đồng/1 CP của PVI trong lần ký hợp đồng đầu tiên trong khi giá bán trên sàn vào thời điểm đó chỉ khoảng 16.000 đồng/CP (tháng 8/2011). Rõ ràng quyết định của Talanx trong thương vụ này vượt xa khái niệm đơn thuần về một giao dịch mua bán hàng hóa.

Nhưng chúng tôi lại nghĩ đây rõ ràng là một thương vụ đầu tư khôn ngoan của Talanx khi họ đã có thêm một “mắt xích” quan trọng tại khu vực Đông Nam Á trong chuỗi cung cấp giá trị dịch vụ toàn cầu của mình.

Chúng tôi hiểu, chúng tôi có những điều thu hút họ: Đó là giá trị thực của PVI, là chiến lược phát triển, là hệ thống quản trị, đội ngũ nhân sự và tiềm năng phát triển của chúng tôi. Tôi cho rằng, yếu tố họ mua là nền tảng và tiềm lực để thu được lợi nhuận từ giá trị tương lai của PVI và đó cũng là mục tiêu tối thượng của mọi nhà đầu tư tầm cỡ hướng đến. Vì thế, cần phải thấy rằng không chỉ là PVI có lợi mà với Talanx cũng có lợi.

PV: Hợp tác với PVI sẽ mang lại lợi ích gì cho tập đoàn đa quốc gia như Talanx, thưa ông?

Ông Bùi Vạn Thuận: Trước tiên là mạng lưới của Tập đoàn Talanx sẽ hỗ trợ PVI trong việc khẳng định vị trí dẫn đầu trên thị trường bảo hiểm trong nước và có bước tiến quan trọng trên thị trường khu vực và quốc tế. Cũng thông qua PVI, HDI-Gerling có thể gia nhập thị trường Việt Nam một cách thuận lợi và quan hệ hợp tác giúp cung cấp cho những khách hàng của HDI-Gerling tại Việt Nam một dịch vụ hoàn chỉnh.

Cùng với việc tăng vốn tại PVI, HDI-Gerling sẽ có thể đề cử 3 đại diện tham gia vào Hội đồng Quản trị PVI (hiện HDI-Gerling có 1 đại diện) và 2 đại diện vào Ban Kiểm soát PVI (hiện HDI-Gerling cũng có 1 đại diện) trong thời gian tới. Sau đợt phát hành riêng lẻ này, tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông nước ngoài tại PVI tăng lên xấp xỉ 48,9% vốn điều lệ.

PV: Ông có thể chia sẻ với độc giả của Báo Năng lượng Mới về những thành quả PVI đạt được sau gần một năm thực hiện tái cấu trúc theo hướng đột phá?

Ông Bùi Vạn Thuận: Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm thì kết quả sản xuất kinh doanh của PVI vẫn đi lên, thậm chí là đột phá. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao ở mọi lĩnh vực. Tổng doanh thu hợp nhất đạt: 3.653 tỉ đồng, bằng 59% kế hoạch năm 2012, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế: 317 tỉ đồng, bằng 62% kế hoạch năm, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Công ty Bảo hiểm PVI luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong hệ thống các đơn vị thành viên và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch PVI giao. Tổng doanh thu là 3.228 tỉ đồng, hoàn thành 113% kế hoạch 6 tháng, tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hoàn thành 130% kế hoạch 6 tháng. Đặc biệt tính riêng trong Quý I/2012, Bảo hiểm PVI là 2 trong top 5 công ty dẫn đầu về thị phần có lãi về nghiệp vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2012, PVI tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thị phần là 23,8%.

Công ty Tái bảo hiểm PVI, tuy là một công ty mới hoạt động, nhưng với nhiều nỗ lực đã đạt được những kết quả khả quan với lợi nhuận trước thuế hoàn thành 117% kế hoạch 6 tháng PVI giao.

Hiện nay, PVI đã góp 51% vốn điều lệ cùng với Tập đoàn Tài chính bảo hiểm Sun Life Financial của Canada để cho ra đời Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life vào tháng 10/2012. Sự ra đời của PVI Sun Life sẽ là dấu mốc quan trọng, hoàn chỉnh bộ máy kinh doanh khi PVI chuyên môn hóa trong cả 3 lĩnh vực bảo hiểm: nhân thọ, phi nhân thọ và tái bảo hiểm.

Đồng thời, PVI đang tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện mô hình tái cấu trúc đã được phê duyệt với việc triển khai xây dựng kế hoạch thành lập Công ty Quản lý quỹ PVI. Việc thành lập Công ty Quản lý quỹ là một chiến lược quan trọng trong năm nay để tăng tính hiệu quả, chuyên nghiệp hóa việc quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn vốn và dòng tiền trong toàn hệ thống PVI. 

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoàng Thắng (thực hiện)