Không có chuyện "vẽ ra đề án 34.000 tỷ"!

16:47 | 11/06/2014

1,147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều nay (11/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề kinh phí đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đạo đức của học sinh và “chống trượt” cao học.

ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nêu ý kiến: “Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa với kinh phí 34.000 tỷ đồng”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Hà Minh Huệ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày: Khi đưa đề án trình ra không có kinh phí. Năm 2010, Quốc hội ra nghị quyết số 40 về đổi mới, chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Chúng tôi nghiên cứu thấy không có văn bản pháp luật nào nói về vấn đề này. Lần này, chúng tôi cũng xây dựng, thiết kế một hồ sơ để trình ra Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi trả lời chất vấn chiều 11/6

Theo cách làm tương tự của cách làm năm 2010, nội dung của nghị quyết chúng tôi chuẩn bị có Mục tiêu của chương trình SGK, tiến độ chương trình SGK, triển khai chương trình SGK… do vậy trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có vấn đề kinh phí. Mỗi đề án đó sẽ có kinh phí và trong só những đề án đấy sẽ có đề án về sách giáo khoa, còn phê duyệt là theo pháp luật hiện hành. Nếu vượt thẩm quyền của Chính phủ, thì Thủ tướng sẽ báo cáo Quốc hội để Quốc hội thẩm định. Vì thế trong hồ sơ trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội không có con số 34 nghìn tỷ đồng. Sau khi xin ý kiến của Thủ tướng, căn cứ vào UBTVQH chúng tôi có văn bản rút đề án khỏi kỳ họp này của Quốc hội, chúng tôi sẽ khẩn trương trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Vậy con số 34 nghìn tỷ đồng xuất hiện lúc nào? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích: “Khi thường vụ thảo luận, chất vấn,  đồng chí Trương Thị Mai có hỏi về vấn đề kinh phí, tính toán của chính phủ về khả năng xã hội hóa nguồn kinh phí để triển khai, trong tay đồng chí Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, một đồng chí cấp vụ trao lên một tờ giấy và anh em họp một cuôc họp trang nghiêm ấy đã bị khớp nên đã trình bày con số trên. Sau đó tổ chức cuộc họp báo nhưng trình bày không khéo nên để xảy ra sai sót khiến dư luận hiểu lầm, lo lắng về con số đó. Trong đó, tôi có hiểu rằng có lo lắng của nhân dân là mấy anh này vẽ ra để tiêu tiền. Tôi xin trình bày là không có vấn đề đó”.

“Học kém không thể có đạo đức tốt”

ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) đặt câu hỏi “Hạnh kiểm tốt của học sinh càng ở lớp cao càng giảm. Hiện tượng đánh nhau, đánh thầy, tung clip lên mạng rất bức xúc trong dư luận. Bộ GD-ĐT đã và sẽ có giải pháp gì khắc phục?”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời việc giáo dục toàn diện học sinh sinh viên là vấn đề đang được tập trung chú ý, đã có thay đổi trong chỉ đạo. Cụ thể là hướng học sinh có hoạt động trải nghiệm, gắn nhà trường với xã hội. Ngoài việc thầy cô dạy còn có các chủ thể khác như cựu chiến binh, hội phụ nữ…, gắn hoạt động địa phương cơ sở với nhà trường để giáo dục lòng yêu nước, tình quê hương, ý thức trách niệm của học sinh. Bộ GD-DT cũng đang chỉ đạo đổi mới dạy các môn liên quan đạo đức như Giáo dục công dân, Chính trị.

Bộ trưởng cũng lưu ý cách đánh giá đạo đức học sinh hiện nay là ở bậc học trên, kết quả học tập phải giỏi, xuất sắc hoặc khá mới được xếp loại đạo đức đức tốt. Học kém không thể có đạo đức tốt nên không có nghĩa là cấp học càng cao đạo đức càng thấp, vì 50% để đánh giá đạo đức là phụ thuộc vào kết quả học tập.

 

Bạo lực học đường (ảnh minh họa)

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận có tình trạng học sinh không đọc thông viết thạo mà vẫn được lên lớp, được xếp loại khá. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nắm được. Nó liên quan đến bệnh thành tích, liên quan đến việc đánh giá thầy cô và cơ sở giáo dục.

Vừa rồi chúng tôi đã rà soát lại để loại bỏ quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa theo thành tích học tập của học sinh. Ngoài ra, đã có giải pháp về mặt chuyên môn kỹ thuật. Với bậc tiểu học, đã triển khai dạy chương trình tiếng Việt mới, đảm bảo các cháu học hết lớp 1 có thể viết đúng chính tả, hết lớp 3 viết đúng câu và không bị tái mù chữ.

Liệu đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có giải quyết được những vấn đề này? Chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng, tình trạng yếu kém về chất lượng, những bức xúc của xã hội và của chính anh em trong ngành chúng tôi sẽ được giải quyết”.

Cũng liên quan đến vụ 40 người “góp” hơn 1 tỷ đồng để “chống trượt” cao học tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh Thanh Hóa, Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với Sở GD-ĐT Thanh Hóa trong quá trình xử lý vụ việc.

Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Đào tạc thạc sỹ, tiến sỹ chất lượng chưa tương xứng. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang chấn chỉnh việc đào tạo cao học ngoài cơ sở chính của nhà trường, không cho mang đi địa phương, doanh nghiệp, trừ một số trường hợp đặc biệt hoặc ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa”.

Khánh An (ghi)