Khi trâu hóa... bò (?!)

14:44 | 22/04/2015

978 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, nhiều người ngỡ ngàng khi đại diện Tổng cục Hải quan công bố, trong năm 2014 có đến 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu vào Việt Nam rồi bỗng nhiên “biến mất”. Nghi vấn được đặt ra, toàn bộ số thịt trâu giá rẻ đã “phù phép” thành thịt bò và tuồn vào bữa ăn của hàng triệu gia đình.

Năng lượng Mới số 315

Treo đầu bò bán thịt trâu

Thông tin trên được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Nguyễn Văn Cẩn đưa ra tại tọa đàm trực tuyến về chống hàng giả trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo tờ khai hải quan, riêng năm 2014 có tới 26.000 tấn thịt trâu từ Ấn Độ và một số nước khác được thông quan vào Việt Nam.

“Nhưng người tiêu dùng không biết số thịt trâu này bán ở đâu, hay đã được biến thành thịt bò để đưa đi tiêu thụ”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nghi vấn.

Khi trâu hóa... bò (?!)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Theo lãnh đạo hải quan, việc này liên quan đến giấy phép kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Hiện nay giá thịt trâu thậm chí rẻ bằng một nửa so với thịt bò, nên không loại trừ khả năng việc làm giả, nhằm kiếm lời.

“Trâu tỏi, bò gừng” là cách chế biến khác nhau, cho thấy không thể đánh đồng 2 loại thịt này làm một. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt làm rõ”, ông Cẩn nói.

Còn nhớ, đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã bóc mẽ một doanh nghiệp “phù phép” 47 tấn thịt trâu nhập khẩu thành thịt bò tại Hà Nội cũng khiến dư luận phẫn nộ. Để trục lợi về giá, doanh nghiệp này đã tự ý in nhãn phụ tiếng Việt biến thịt trâu thành thịt bò rồi dán vào sản phẩm, thậm chí còn chỉnh sửa cả giấy chứng nhận kiểm dịch từ thịt trâu sang... thịt bò. Số lượng 47 tấn là con số bị bắt tại trận của doanh nghiệp này.

Ai có thể biết được từ trước đó doanh nghiệp này đã đưa ra thị trường bao nhiêu tấn “trâu đội lốt bò” và bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân của chúng. Bị lừa tiền là một chuyện nhưng do chế độ bảo quản của thịt trâu và bò hoàn toàn khác nhau. Ai biết được rằng nhiều người sẽ ảnh hưởng về sức khỏe như thế nào khi bảo quan không đúng.

Trước đó, Cơ quan Thú y vùng VI (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cũng cho hay, lượng thịt trâu nhập khẩu qua kiểm tra của đơn vị này (chiếm phần lớn lượng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu của Việt Nam) đạt khoảng 24.000 tấn, tăng khoảng 2.000 tấn so với năm 2013. Tất cả các lô hàng đều có xuất xứ từ Ấn Độ, nhập về Việt Nam thông qua 20 doanh nghiệp.

Khi trâu hóa... bò (?!)

Không ai biết được 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ đã được tiêu thụ như thế nào

Cơ quan Thú y Việt Nam đã sang Ấn Độ kiểm tra tình hình nuôi, giết mổ và chế biến nhận thấy, Ấn Độ đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm mới cho nhập.

Đáng chú ý, dù khối lượng thịt trâu nhập khẩu về tương đối lớn nhưng thời gian qua người tiêu dùng trong nước hầu như không thấy thịt trâu được bán ngoài thị trường. Ngay tại các siêu thị hay cửa hàng bán lẻ chủ yếu vẫn là thịt bò nội địa hoặc nhập khẩu.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, hai loại thực phẩm này khác nhau về giấy phép kinh doanh, thành phần chất lượng và giá cả. Thịt trâu có mức giá khá “hấp dẫn”: nạc đùi 105.000 đồng/kg, nạm 95.000-96.000 đồng/kg, cổ từ 95.000-99.000 đồng/kg, riêng thịt bắp cao hơn, giá từ
120.000-130.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt bò hiện có giá cao hơn, dao động 200.000-220.000 đồng/kg.

Còn theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường  Hà Nội) cho biết, toàn bộ số thịt trâu trên nhập khẩu vào Việt Nam có giấy phép và được thông quan một cách hợp pháp, nên việc được mua - bán trên thị trường không có gì sai. Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, không nơi nào trên thị trường ghi nhận có sự hiện diện của các lô sản phẩm thịt trâu nhập khẩu.

Ông nhấn mạnh đây chỉ là một trong số những vụ “biến hóa” tinh vi để tiêu thụ trên thị trường thời gian qua.

Khi trâu hóa... bò (?!)

Nhiều lô hàng thịt trâu ban đầu được tẩy xóa và dán mác thịt bò để bán cho người tiêu dùng

“Cha chung không ai khóc”

Tạm chưa bàn về đường đi cũng như nghi vấn 26.000 tấn thịt trâu Ấn Độ bị biến thành thịt bò, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra việc số lượng thực phẩm kia biến mất.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội cho biết: “Ở nước ngoài, việc quản lý thực phẩm nhập khẩu chỉ giao cho duy nhất một cơ quan là Bộ Y tế. Tuy nhiên ở Việt Nam, thực phẩm được giao cho 3 bộ là Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Y tế cùng “xắn tay” dẫn đến tình trạng nhiều khi cách quản lý giẫm chân lẫn nhau, có khi lại xảy ra việc “cha chung không ai khóc”. Việc thực phẩm nhập khẩu qua quá nhiều cơ quan, nhiều khâu dẫn đến việc sau khi qua cửa của mình, đơn vị này chộp giấu rồi “mặc kệ” để cơ quan tiếp theo giám sát. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc 26.000 tấn thịt trâu mất tích mà không cơ quan nào biết”.

Theo ông Phú, không phải thời điểm này mà từ trước đến nay, các cơ quan đều tỏ ra “vô can” trong các vụ việc liên quan trực tiếp đến mình. Điều này dẫn đến trách nhiệm luôn trong tình trạng chạy theo kiểu “vòng tròn”.

 “Theo tôi, để điều tra ra 26.000 tấn thịt trâu kia đã “mất tích” thế nào rất đơn giản. Hãy “gõ” đơn vị nhập khẩu là có thể tìm ra đường đi của nó. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thực phẩm có muốn đi tìm đến tận cùng của sự việc. Bởi họ lo rằng, càng đi sâu tìm hiểu thì lộ ra điểm liên lụy đến mình và xảy ra việc các cơ quan tự “bóc mẽ” lẫn nhau. Trong vụ việc này, theo tôi trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường. Trách nhiệm của họ là chủ động tìm ra hàng giả, hàng nhái”, ông Vinh nhấn mạnh.

Ở góc độ quyền lợi người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Để tránh được việc gian lận này, hóa đơn cần phải được ghi chép một cách minh bạch, không để tình trạng mạo danh đơn vị mua hoặc bán thì mới kiểm soát được. Trong khi đó, chúng ta lại không có quy định cụ thể về vấn đề này và việc ghi hóa đơn không được quản lý.

“Rõ ràng cần xác minh ai là người mua lô hàng để từ đó tìm ra đường dây nằm ở đâu. Người nhập khẩu hàng hóa đơn vẫn ghi là thịt trâu, xuất bán cho đại lý cấp 1, cấp 2 vẫn là thịt trâu, nhưng đến tay người tiêu dùng lại là thịt bò. Nếu ghi chép minh bạch, chính xác sẽ giúp cho cơ quan quản lý minh bạch ra khâu nào là khâu chịu trách nhiệm về việc thịt trâu biến thành thịt bò”, ông Hùng đề xuất.

Bởi vậy, để đối phó với hành vi gian lận khá phổ biến này, dù không muốn, hay muốn mà không thể làm được, người tiêu dùng lại vẫn phải… thông thái.

“Theo chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm của các chuyên gia, người nội trợ phân biệt thịt trâu, thịt bò không quá khó. Thịt bò đỏ tươi hơn, thịt trâu mầu sậm hơn, thịt trâu có thớ thịt thô hơn, thịt bò có mùi tanh nhiều hơn, còn nấu chín rồi mùi gây nhiều hơn…”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên.

Thảo Phượng