Khi sự vô cảm đã chế ngự đám đông

07:00 | 13/05/2015

1,693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa nguội chuyện đàn ông đàn bà, gái trai trẻ già đua nhau trèo rào để vào tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây, lại nóng những hình ảnh đám đông xô đẩy để tiếp cận một vài nghệ sĩ mình yêu thích trong đám tang nghệ sĩ Duy Nhân. Nó cười ra nước mắt đến nỗi, một người bạn Nhật xem hình ảnh trên mạng xong thì hỏi một người Việt: Ở nước các anh, người ta không chịu nổi một trật tự có hàng có lối nào thì phải. Hỏi đùa trên mạng thôi, mà nghe chua chát, cay đắng vô cùng.

Thông thường, người ta đến một đám tang là để chia buồn với mất mát của tang quyến. Dầu cho người ta trình độ học vấn, hiểu biết ở mức nào, đều phải hiểu rằng, đây là nơi không thể ầm ĩ như cái chợ, không thể chen lấn xô đẩy, không thể nói cười nhốn nháo vô tổ chức được. Nhưng mà người Việt chúng ta thì có thể áp cái văn hóa đó vào bất cứ đâu, từ nơi công cộng đến nơi trang nghiêm cần phải có những nghi thức.

Người ta biến đám tang thành một nơi như thể là sân khấu, và chỉ có một chú ý duy nhất đến người nghệ sĩ mà người ta hâm mộ, bất kể gia đình người vừa nằm xuống đang buồn đau thế nào. Họ "quây" những người nghệ sĩ mình ái mộ, "làm khó" những người nghệ sĩ, dù cho người nghệ sĩ đó xuất hiện ở nơi này để chia buồn, không phải để biểu diễn hay sẵn sàng cho việc cho chữ ký.

Khi sự vô cảm đã chế ngự đám đông

Fan cuồng hăm hở tiếp cận nghệ sĩ mình hâm mộ trong đám tang ca sĩ Wanbi Tuấn Anh.

Một bộ phận trong giới trẻ Việt mình bây giờ lạ lùng lắm. Họ sẵn sàng hôn ghế thần tượng, gào khóc giữa sân bay vì không được gặp thần tượng, hoặc khi có chút lợi ích miễn phí nào ở đâu, họ không còn biết phép tắc là gì, cứ phải vượt lên xí phần, dù có là phải làm tổn thương người khác. Đến một đám tang người ta cũng không còn muốn giữ một phép ứng xử tối thiểu là im lặng chia buồn với gia đình người quá cố nữa. Họ chỉ chú ý đến mục đích là được thỏa mãn trí tò mò hiếu kỳ của mình, được nhìn thấy thần tượng. Thật là bất nhẫn.

Chúng ta đã nhìn thấy một đám đông vô cảm, không còn biết xúc động trước một mất mát. Họ dường như có quá ít lòng tự trọng, cũng không còn biết xấu hổ về những hành vi kỳ quặc, lạ lẫm, thiếu văn hóa của chính mình. Điều đó thật đáng buồn cho văn hóa ứng xử của người Việt. Cứ sau một đám tang có những nghệ sĩ được ái mộ xuất hiện, thì sẽ có một đám đông nhốn nháo, sẽ có một vài nghệ sĩ và một số người khác bị mất mát tài sản. Kẻ xấu thì lợi dụng trà trộn vào đám đông hâm mộ để trộm cắp.

Nhớ lại đám tang của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh gần hai năm về trước mà xem, cảnh tượng cũng ồn ào kỳ dị y hệt. Ca sĩ H từng nói với người viết bài, cô thường phải có tinh thần cảnh giác rất cao khi đến viếng đám tang các nghệ sĩ, vì mấy lần bị mất điện thoại với ví bóp rồi. Không ít nghệ sĩ buộc phải mang vệ sĩ đi kèm, vì những chen huých, đụng chạm cơ thể, những hành vi sàm sỡ im lặng của một vài kẻ xấu phía sau hay bên cạnh. Đi viếng đám tang mà tinh thần căng thẳng thế, ngẫm ra làm nghệ sĩ cũng trăm nỗi khổ bà rằn.

Cái xấu xí và cái cái ác thực tế là cách nhau không xa lắm. Khi người ta đã tạo dựng hình ảnh mình xấu xí đến mức vô cảm như vậy, thì nói không quá, cái ác cũng đang ở rất gần. Giáo dục con người của chúng ta nếu không đề cao những thứ thuộc về văn hóa ứng xử, ngay từ trong ghế nhà trường, từ trong mỗi gia đình, thì những đám đông tắm trèo rào, chen lấn trong siêu thị, bát nháo trong đám tang như vừa rồi sẽ còn phình to ra mãi.

Một xã hội không có trật tự, kỷ cương trong chấp hành luật pháp, không tôn trọng những quy tắc ứng xử thì sẽ tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy. Câu chuyện xảy ra trong một đám tang không lớn, nhưng vấn đề nó đặt ra không hề nhỏ. Chúng ta không thể nào cứ nói suông mãi, mà đã đến lúc cần phải có chế tài cho những hành vi như vậy.

Khi sự vô cảm đã chế ngự đám đông

NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh và ca sĩ Phương Anh.

 

Ca sĩ Phương Anh:

Thực sự là tôi thấy buồn khi nhìn cảnh chen lấn xô đẩy, láo nháo của đám đông trong đám tang Duy Nhân. Người ta không còn biết họ đang xấu xí đến mức nào. Họ lợi dụng đám tang của nghệ sĩ này để gặp mặt, xin chữ ký của nghệ sĩ kia. Họ làm khó những người nghệ sĩ đi dự đám tang, chia buồn với mất mát của gia đình người vừa nằm xuống. Tôi thấy rằng, làm người nghệ sĩ có nỗi khổ riêng. Ở những nơi như vậy, làm sao có thể cho chữ ký, chào hỏi, cười nói với fan hâm mộ được. Nhưng những người hâm mộ đâu có hiểu cho. Họ chen lấn hiếu kỳ tò mò. Nếu người nghệ sĩ không thân thiện thì họ lại nói là sang chảnh. Mà cư xử cho hài hòa thân thiện thì người nghệ sĩ có khi lại “ăn đòn” của... truyền thông. Người ta nhìn vào một vài bức ảnh đăng tải đâu đó và phê phán, kết luận về việc người nghệ sĩ không nghiêm túc trong hoàn cảnh như vậy. Thực sự là ái ngại.

NSND Đoàn Dũng:

Tôi thì chưa gặp câu chuyện đi viếng đám tang bị khán giả "quây" như anh Hoài Linh, nhưng tôi trộm nghĩ thế này, khi con người ta có hiểu biết, có văn hóa, có lòng tự trọng cao thì họ sẽ không làm khó các nghệ sĩ trong các hoàn cảnh đặc biệt. Xin chữ ký nghệ sĩ phải tùy từng nơi chốn. Giữa đám tang mà láo nháo đua chen, gây một cảnh tượng nực cười như thế thì sự văn hóa ứng xử của đám đông xem ra đang ở mức báo động rồi. Nếu tôi là nghệ sĩ trong hoàn cảnh này, tôi sẽ không cho chữ ký. Cho chữ ký cũng phải tùy nơi, không thể chỗ nào cũng ký, dù biết thế có thể là có chút gì đó không hài lòng đám đông.

Câu chuyện trong đám tang nghệ sĩ Duy Nhân chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ chúng ta chứng kiến hàng ngày, để thực sự gióng một hồi chuông về sự xuống cấp của người Việt ta trong văn hóa ứng xử. Ở đây phải đặc biệt nhấn mạnh là văn hóa ứng xử của giới trẻ. Tôi xem những thông tin, những clip trên mạng xã hội, về các học sinh sinh viên đối xử nhau trong vài xích mích, bằng cách đánh nhau không thương tiếc, đến nỗi có thể gây ra cái chết cho bạn, thì thấy buồn trĩu nặng. Vì tôi không chỉ là nghệ sĩ, tôi còn là một người thầy giáo.

Chúng ta cần phải nhìn lại xem, sự giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội đang ở mức độ nào, để tạo ra những đám đông đáng sợ về văn hóa ứng xử như vậy. Và cũng đừng nói suông nữa, phải có hành động và giải pháp. Để những câu chuyện tương tự như vừa rồi không còn diễn ra. Thật sự đây là một nỗi xấu hổ của người Việt, nhất là khi có người nước ngoài nhìn vào những cảnh này.

Khi sự vô cảm đã chế ngự đám đông

Trèo tường để nhìn nghệ sĩ mình hâm mộ trong đám tang nghệ sĩ Duy Nhân.

NSND Thế Anh:

Đã từ lâu tôi không còn quan tâm đến những câu chuyện đám đông nữa. Tôi là nghệ sĩ già rồi, tôi chọn cách sống khác, im lặng với những gì là thú vui, sở thích của mình. Tôi nói thật là tôi đã quá chán những đám đông kiểu như vừa rồi, tắm trèo rào hay nhốn nháo trong đám tang một nghệ sĩ trẻ. Tôi sợ cái văn hóa ứng xử của đám đông bây giờ lắm. Đôi lúc nó kệch cỡm, thiếu văn hóa đến đáng ngại. Nó xuống cấp đến mức báo động, mà chả thấy ai có ý kiến, có giải pháp để bớt những cái nhố nhăng đi.

Đám đông thiếu hiểu biết thì đã đành rồi, nhưng ngay cả các nghệ sĩ có khi cũng cần phải rút kinh nghiệm. Một số nghệ sĩ trẻ bây giờ sa vào chủ nghĩa hình thức quá. Họ xuất hiện ở đâu cũng rầm rộ, nổi bật quá, thậm chí ngay cả đến đám tang cũng xe nọ xe kia, trang điểm như vũ hội. Chính họ cũng là tác nhân gây hiếu kỳ tò mò cho đám đông ít hiểu biết kia. Rồi báo chí truyền thông có lúc nhân chuyện như vậy cũng nói quá lên, bình phẩm ảnh này ảnh khác. Tóm lại là rất nhốn nháo. Tôi nghĩ muốn xã hội nền nếp hơn, ngoài giáo dục, phải có những chế tài cụ thể trong những chuyện như vậy.

Theo Đinh Nhung/ Cảnh sát toàn cầu