Khi Nokia không đến từ Phần Lan

19:00 | 07/09/2013

3,360 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện Nokia - thương hiệu điện thoại di động từng được xem là biểu tượng quốc gia của Phần Lan rơi vào tay nhà sản xuất phần mềm Microsoft (Mỹ) đang tác động sâu sắc đến tình cảm, làm tổn thương lòng tự trọng của người dân xứ sở Bắc Âu.

Trước đây, cô Liisa Hannula, 26 tuổi, một người sắp trở thành giáo viên ở Helsinki, luôn có một chiếc điện thoại Nokia. Tuy nhiên, bây giờ, cô có thể lựa chọn một chiếc điện thoại thông minh Samsung để thay thế: “Nokia là một trong những thương hiệu chính của Phần Lan và những gì tôi nói với bạn bè ở nước ngoài là - điện thoại Nokia đến từ Phần Lan. Nhưng bây giờ, tôi không thể nói đến điều đó nữa”. Tâm trạng của Hannula có lẽ cũng giống như bao người Phần Lan hiện tại - sốc - hẫng hụt - như vừa mất đi một cái gì đó đã thuộc về cuộc sống của họ.

Nokia đã trở thành biểu tượng quốc gia của Phần Lan

Việc Nokia bán mảng kinh doanh thiết bị cầm tay cho Microsoft đã dấy lên làn sóng phản đối của người dân Phần Lan, nơi mà điện thoại từng là niềm tự hào quốc gia và đã có thời điểm chiếm tới hơn 90% thị phần ở đất nước Bắc Âu. Sau khi ra mắt điện thoại di động đầu tiên 3 thập niên trước đây, Nokia nổi lên như là công ty toàn cầu lớn đầu tiên của Phần Lan, biểu tượng cho sự thay đổi của một đất nước đang chuyển sang nền kinh tế công nghệ điều khiển.

Khởi đầu là một công ty gỗ và bột giấy thành lập năm 1865, sau đó hãng mở rộng sang cao su, điện tử và cuối cùng là viễn thông, Nokia đã bắt đầu con đường trở thành hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới từ những năm 1990. Đỉnh cao của Nokia vào khoảng năm 2000, khi thương hiệu này chiếm 4% tổng sản phẩm quốc nội của Phần Lan. Đã có thời điểm, Nokia đứng đầu mảng smartphone với hơn 50% thị phần, trước khi Apple iPhone và Google với Android được giới thiệu 6 năm trước. Nokia đã mất 80% giá thị trường và không đứng trong top 5 nhà sản xuất smartphone. Theo Jyrki Ali-Yrkkoe, một nhà kinh tế tại Helsinki, “sẽ mất một thời gian để Phần Lan phục hồi sau cú sốc và làm quen với thay đổi mới của Nokia”.

“Nokia là công ty Phần Lan thành công nhất mọi thời đại. Trong thời kỳ hoàng kim, hãng mang lại một lượng lớn phúc lợi và uy tín quốc tế, nâng cao lòng tự trọng của Phần Lan”, Bộ trưởng Kinh tế Jan Vapaavuori tuyên bố. Theo ông Vapaavuori, “tác động của việc Nokia bán mảng thiết bị di động cho Micrsoft vượt trên mức độ tình cảm. Đó là sự kết thúc một kỷ nguyên trong lịch sử kinh tế của Phần Lan”.

Nhiều báo lớn ở Phần Lan nhắc nhở mối liên quan giữa việc Giám đốc điều hành Stephen Elop, người cũ của Microsoft gia nhập công ty 3 năm trước và việc Nokia rơi vào tay hãng phần mềm của Mỹ. Thậm chí, Ilta-Sanomat - tờ báo lá cải lớn nhất nước này còn gọi Elop là “Trojan Horse” (con ngựa thành Trojan). Tờ này mô tả Stephen Elop - người nước ngoài đầu tiên điều hành Nokia, là người đứng phía sau quá trình chuyển đổi này. Cũng như Ilta-Sanomat, nhiều người Phần Lan đã nghĩ, Elop chính là gián điệp của Microsoft, đến Nokia, đưa Nokia đi xuống và sau đó mua rẻ nó.

Trong khi đó, ông Jyrki Alkio, Tổng biên tập của Tekniikka và Tạp chí Talous chia sẻ: “Người Phần Lan nên giảm cảm xúc của mình trong vài năm tới”. Theo ông Jyrki Alkio, ông đã sốc từ 3 năm trước khi Nokia liên tục thua lỗ, nhưng cuối cùng ông chấp nhận sự thật phũ phàng này. Sự huy hoàng và lụi bại của Nokia dường như cũng gắn với những thăng trầm của nền kinh tế Phần Lan. Nếu như hồi năm 1980, sự phát triển mạnh mẽ của Nokia đã giúp nước này thoát khỏi cuộc suy thoái do khủng hoảng ngân hàng và mất thị trường xuất khẩu chính khi Liên Xô sụp đổ thì bây giờ, sự đi xuống của cựu vương làng di động thế giới lại rơi vào thời điểm Phần Lan đang trải qua đợt suy giảm của nền kinh tế khi xuất khẩu yếu bởi ngành công nghiệp rừng.

Tuy nhiên, Antti Rine, thủ lĩnh Công đoàn ở Nokia bày tỏ, lựa chọn hợp tác với Microsoft an toàn và thoải mái hơn so với Samsung hay Hoa Nghị.

Linh Linh (theo Bloomberg)