Khí đốt bước vào kỷ nguyên vàng

09:39 | 12/06/2011

510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiêu thụ khí đốt tự nhiên trên toàn cầu có thể tăng hơn 50% trong vòng 25 năm tới, chiếm hơn 1/4 nhu cầu năng lượng thế giới.

Đầu tuần qua, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã đưa ra nhận định, nguồn cung khí đốt giá rẻ khổng lồ kết hợp với nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc tăng và nguy cơ thảm họa hạt nhân từ Fukushima tại Nhật có thể mở ra cánh cửa bước vào kỷ nguyên vàng của khí đối tự nhiên.

Theo như viễn cảnh IEA đề ra, tiêu thụ khí đốt tự nhiên trên toàn cầu có thể tăng hơn 50% từ mức 21% hiện tại, trong vòng 25 năm tới, chiếm hơn 1/4 nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2035.

Trong kỷ nguyên vàng của khí đốt tự nhiên, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng từ mức bằng với nhu cầu của Đức vào năm 2010 đến bằng mức bằng nhu cầu của cả châu Âu vào năm 2035. Để đáp ứng nhu cầu, sản lượng khí sẽ phải tăng 1,8 triệu mét khối vào năm 2035 – gấp 3 lần sản lượng của Nga hiện tại.

Sản lượng khí đốt sẽ biến động cùng chiều với giá.

Mới đây, Đức cũng cho thấy triển vọng sử dụng khí đối tự nhiên sẽ tăng mạnh khi đóng cửa 17 lò phản ứng hạt nhân.

Ước tính của IEA cho thấy dự trữ khí đủ để duy trì mức sản xuất hiện tại trong hơn 250 năm. Không giống như dầu, vốn tập trung nhiều tại khu vực dễ bị tổn thương chính trị như Trung Đông, lượng khí được phân bổ rộng khắp nơi đã tạo nên ưu thế nhờ triển vọng an ninh năng lượng.

Thị trường khí đốt tự nhiên đang ở giữa cuộc cách mạng năng lượng cho tương lai. Tại Mỹ, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng để tăng sản lượng khai thác tại những mỏ khí đá phiến khổng lồ trải dài từ Texas đến Pennsylvania. Những kỹ thuật mới cũng được ứng dụng tại những nước khác, nơi có dự trữ khí đá phiến khổng lồ như Trung Quốc. Theo IEA, trong vòng 25 năm tới, 40% tăng trưởng sản lượng khí sẽ đến từ những loại khí không thông thường.

Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo, dù tương đối sạch hơn so với than đá, khí đốt thiên nhiên vẫn là năng lượng hóa thạch. Việc sử dụng nhiên liệu này sẽ dẫn đến tăng lượng khí nhà kính thải ra – nguyên nhân của sự ấm lên toàn cầu.

Theo Gafin