Khi châu Âu phát hoảng vì… xe đạp

06:50 | 18/08/2013

1,335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Châu Âu từ lâu vốn được coi là mảnh đất thiên đường của xe đạp bởi không chỉ có tỷ lệ người dùng phương tiện đi lại này rất cao mà cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích sử dụng xe đạp của các nước bản xứ cũng rất lý tưởng. Tuy nhiên, sự quá phổ biến của những chiếc xe hai bánh không động cơ này lại đang gây ra nhiều vấn đề nan giải ở một số thành phố của Hà Lan và Đan Mạch - nơi ùn tắc giao thông và thiếu bãi đậu xe đang diễn ra như cơm bữa.

Xe đạp là một hình ảnh cực kỳ quen thuộc tại các thành phố châu Âu, đặc biệt là các nước Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển… Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích của việc sử dụng loại phương tiện 2 bánh không động cơ này: bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe, tiết kiệm, giảm tai nạn giao thông… Từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chính phủ nhiều nước châu Âu đã tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe đạp và việc quy hoạch đô thị từ đó đều hướng tới xe đạp. Thậm chí, như ở Hà Lan, để thực hiện phong trào đi xe đạp một cách an toàn hơn và tiện lợi hơn, chính quyền đã thiết kế một mạng lưới rộng lớn các con đường dành riêng cho xe đạp. Những con đường này được đánh dấu rõ ràng, có bề mặt nhẵn, có ký hiệu riêng và ánh sáng cho những người đi xe đạp, với chiều ngang đủ rộng để họ có thể vượt lên.

Xe đạp dựng chật cứng trong các bãi đậu xe

Xe đạp phổ biến tới mức - ở Hà Lan người ta không nhắc đến cụm từ “người đi xe đạp” mà chỉ nhắc đến người Hà Lan và tại xứ sở hoa tulip còn có không ít các con đường với tấm biển đề: “Đường dành cho xe đạp, ôtô chỉ là khách”. Xe đạp luôn luôn được ưu tiên di chuyển trên các vòng xoay trong khi xe ôtô phải kiên nhẫn chờ đợi người đi xe đạp có thể vượt qua. Học đi xe đạp là một trong những bài học bắt buộc ở các trường lớp ở Hà Lan. Tất cả các trường học đều có nơi để xe riêng ở công viên và tại một số trường học có tới 90% học sinh đạp xe đi học.

Tuy nhiên, sự bùng nổ sử dụng xe đạp - vốn được xem là giải pháp phổ biến với những con đường chật cứng bãi đậu xe hơn, những thành phố chật cứng và những căn bệnh đô thị khác như tiếng ồn, khói bụi… đang có nguy cơ bóp nghẹt những thành công mà nó đã tạo dựng được.

Lấy ví dụ về Groningen, một thành phố ở phía bắc Hà Lan. Trong khi dân số chỉ vỏn vẹn dưới 200.000 người thì thành phố lại có tới 375.000 xe đạp và 50% tổng hành trình được thực hiện bằng xe đạp. Mặc dù rất tự hào về tỷ lệ người dùng xe đạp nhưng chính quyền thành phố cũng đang đau đầu trước mặt trái của vấn đề - đó là khi các con đường dành cho xe đạp ngày càng trở nên chật hẹp và không gian dành cho một chiếc xe đạp, dù nhỏ hơn nhiều so với một chiếc xe hơi cũng trở nên khó kiếm trong trung tâm thành phố.

Thực ra, quy hoạch đô thị của Groningen đã từng phải đối phó với vấn đề này cách đây 35 năm. Đó là khi chính quyền thành phố phải cát đứt tất cả lưu lượng ôtô qua trung tâm thành phố, đưa xe đạp “lên ngôi”, trở thành phương tiện giao thông linh hoạt nhất và phổ biến nhất. Nhưng có lẽ, lúc đó, chưa ai nghĩ đến lượng xe đạp sẽ lại lớn hơn số dân như bây giờ.

Để kiểm soát các bãi đậu xe đạp đang hỗn loạn hiện nay, thành phố đã phải trải thảm đỏ, quy định nơi nào xe đạp không được phép đỗ. Các bãi đậu xe cũng lần lượt được xác định ranh giới. “Mười năm trước, chỉ có 3.000 xe đạp đậu ở nhà ga xe lửa chính. Ngày nay, có đến 10.000 chiếc, chủ yếu là do gia tăng số sinh viên học tại Groningen. Chẳng bao lâu nữa, số xe đạp dựng tại đây sẽ lên tới 15.000, thậm chí 17.000 chiếc”, Jaap Valkema - một quan chức thành phố cho biết. Một bãi đậu xe đã được xây dựng ở nhà ga để giữ lượng xe “nhiều như lũ” này và chính quyền thành phố có lẽ phải nghĩ đến chuyện tính phí đậu xe đạp. Để đạt mục tiêu tăng tỷ trọng giao thông bằng xe đạp lên 65% vào năm 2040, Groningen đã quy hoạch một bãi đỗ xe mới với không gian cho 1.200 xe. Ngoài ra, thay vì mở rộng đường xe đạp, các nhà hoạch định giao thông sẽ sớm tái phân loại đường phố và biến chúng thành các đường dành riêng cho xe đạp.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch. Thành phố được mệnh danh là “thân thiện với xe đạp” nhất thế giới này cũng đang phải vật lộn giải bài toán mang tên “sự bùng nổ của xe đạp”. Các đường dẫn tới trung tâm thành phố dành cho các chú “ngựa sắt” này thường rộng khoảng 3-4m. Khi đèn giao thông nhấp nháy tín hiệu xanh, dòng người đạp xe ùn ra với tốc độ khoảng 20km/giờ. Nhưng khi đèn đỏ báo dừng ở một số nút giao thông, một người đi xe đạp có khi phải đợi tới 2, 3 lần đèn chuyển tín hiệu mới có thể vượt qua một giao lộ. Một đoạn video được tung lên Youtube mới đây đã phần nào cho thấy thảm cảnh ùn tắc giao thông vì quá nhiều xe đạp ở một thành phố có đến 1/3 người sử dụng xe đạp thường xuyên, từ chính trị gia cho đến nhân viên công sở, học sinh, sinh viên như ở Copenhagen.

Riêng trong năm nay, thủ đô Đan Mạch đã đầu tư 22 triệu euro (30 triệu USD) để thích ứng và mở rộng cơ sở hạ tầng hiện đại”. Thành phố đã bắt đầu chuyển mạng lưới các tuyến đường dành cho xe đạp hiện tại thành hệ thống đường cao tốc, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy người dân hạn chế sử dụng ôtô.

Linh Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc