Khi cấp dưới không thích cấp trên?

09:40 | 09/01/2014

5,531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xem ra, việc PetroTimes tổ chức bình chọn “Bộ trưởng trong lòng dân” cũng nên coi là một cuộc thi trắc nghiệm đơn giản để đo lòng tin, lòng yêu của cấp dưới với “tư lệnh” ngành mình.

>> Độc giả bình chọn danh hiệu "Bộ trưởng trong lòng dân"

Từ sáng ngày 8/1, trang Tin nhanh điện tử PetroTimes mở cuộc bình chọn “Bộ trưởng trong lòng dân”. Thực sự, cuộc bình chọn này chẳng có ý nghĩa gì lớn lao và chỉ là một thứ “vui vui” cho độc giả. Và chắc chắn rằng, nhiều Bộ trưởng cũng chẳng coi cuộc bình chọn là cái gì to tát, cho nên không quan tâm. Mà có khi, người được bình chọn cũng chẳng biết PetroTimes là cái báo nào và tiếng nói của nó có tí ti nào ý nghĩa đối với dư luận hay không.

Qua lượng truy cập thì thấy bạn đọc cũng có vẻ thích thú. Và qua số phiếu bầu thì mới thấy ngay ra một điều: Hóa ra dân ta tinh lắm! Ai làm được nhiều, chỉ đạo ngành mình có hiệu quả, người dân biết ngay.

Đây là cuộc bình chọn mở và mang tính chất tùy hứng cho nên cũng chẳng có Bộ nào “chỉ đạo” nhân viên bỏ phiếu bầu.

Cuộc bình chọn này khác hoàn toàn với cuộc chạy đua bình chọn cho Vịnh Hạ Long giật giải kỳ quan thế giới mới do một tổ chức trời ơi đất hỡi tổ chức hồi nào. Ngày đấy, không ít tổ chức chính trị, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp đã biến cuộc bình chọn qua mạng đó thành phong trào, có tính thi đua hẳn hoi. Và việc Vịnh Hạ Long “vinh dự” lọt Top 7 kỳ quan thế giới mới cũng là một thứ vớ vẩn, một trò hề và chẳng có ý nghĩa gì.

Còn cuộc bình chọn của PetroTimes thì cũng chủ yếu là để “dò xem lòng dân đối với các “tư lệnh” ngành” như thế nào. Những người có phiếu cao thì chẳng nói làm gì, nhưng việc một số Bộ trưởng có số phiếu cực thấp lại cho thấy một điều là: chính cán bộ dưới quyền của các vị “tư lệnh” này cũng chẳng yêu quý gì lãnh đạo của mình. Bởi nếu họ yêu, họ thích, họ trọng, họ cảm thấy người đó xứng đáng là cấp trên của mình thì mất công, mất sức gì mà họ không nhấn chuột một cái cho vui.

Người dân thì có khi không hiểu biết nhiều về công việc, về khả năng lãnh đạo của Bộ trưởng, nhưng cấp dưới thì họ biết quá rõ về tài năng, đức độ cấp trên của mình. Biết cả đấy, vấn đề là họ có nói hay không mà thôi. Hiện nay, hầu hết các cuộc họp kiểm điểm cấp trên thường diễn ra hết sức hình thức, chiếu lệ và cũng chẳng ai dại gì bới móc khuyết điểm cấp trên làm gì - nếu như đồng chí “chưa bị lộ”.

Thế mới có chuyện rằng, có một gã cơ hội khi phê bình cấp trên, gã nói rất gay gắt: “Tôi thấy cách làm việc của đồng chí là không được. Tôi phản đối (im lặng một hồi rồi gã dõng dạc nói tiếp) - Đồng chí đã làm việc quá sức mình, không biết giữ gìn sức khỏe, không chăm lo được cho vợ con. Đồng chí làm việc như thế nếu ốm thì chúng tôi biết dựa vào ai?”.

Những loại cơ hội như vậy bây giờ vẫn nhan nhản.

Chưa bao giờ người ta lại truyền tụng nhau câu nói của người xưa vào lúc thời buổi này là: “Vạn lời vạn đúng. Chẳng bằng lặng im”.

Xem ra, việc PetroTimes tổ chức bình chọn “Bộ trưởng trong lòng dân” cũng nên coi là một cuộc thi trắc nghiệm đơn giản để đo lòng tin, lòng yêu của cấp dưới với “tư lệnh” ngành mình.

Kim Triêu