Khi báo chí châm ngòi cho chiến tranh

18:17 | 21/06/2014

1,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ một trong những quốc gia hùng mạnh nhất Trung Cận Đông, Iraq ngày nay đang đứng trước nguy cơ của sự tan rã. Và không phải ai cũng biết rằng chính báo chí Mỹ và phương Tây giữ vai trò quan trọng việc “ dọn đường” “ châm ngòi” cho chính quyền Mỹ tiến hành can thiệp quân sự, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003.

Hàng nghìn người lính Mỹ và thường dân Iraq đã thiệt mạng trong cuộc chiến Iraq do Mỹ phát động, với "bằng chứng" là những bài báo của nữ phóng viên Judith Miller

Đó là vào tháng 9/2002, phóng viên tờ New York Times – một trong những tờ báo lớn và uy tín hàng đầu nước Mỹ Judith Miller đã dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ khẳng định Iraq nhập các ống kim loại để làm giàu uranium. Miller “tiên tri” rằng: “Iraq đang tăng cường nỗ lực sản xuất vũ khí hạt nhân và mở cuộc truy lùng nhiên liệu toàn cầu để chế tạo bom nguyên tử”.

Những bài báo và nguồn tài liệu của Miller sau đó đã được chính quyền George Bush sử dụng “làm bằng chứng” để phát động chiến tranh xâm lược Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein, bất chấp việc không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hiệp Quốc (do thiếu chứng cứ) và sự phản đối của thế giới.

Mặc dù Iraq đã tỏ ra hợp tác và đã phải rất “khổ sở” cố gắng chứng minh mình chẳng hề sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ vẫn chẳng đoái hoài và chiến tranh đã xảy đến. Điều trớ trêu là sau khi đã tiến quân vào Iraq và hạ bệ được ông Saddam Hussein, Mỹ và đồng minh của mình vẫn không tài nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây.

Vũ khí hạt nhân thì không thấy đâu, mà chỉ thấy một sự thật là hàng nghìn lính Mỹ và hàng trăm nghìn thường dân Iraq đã thiệt mạng vì một lý do bịa đặt.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ George W Bush từng tâm sự trong cuốn Hồi ký xuất bản năm 2010 rằng vẫn cảm thấy “day dứt” vì đã không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq, nguyên nhân chính khiến ông phát động cuộc tấn công lật đổ chính quyền Saddam Hussein.

Còn phóng viên Miller đã tự biện hộ: “Việc của tôi không phải là kiểm tra thông tin của chính phủ. Nhiệm vụ của tôi là nói cho độc giả tờ New York Times biết chính phủ nghĩ gì về kho vũ khí của Iraq”! Rất nhiều nhà báo Mỹ đã chỉ trích Miller vi phạm một nguyên tắc nghề nghiệp là đánh giá, phân tích thông tin.

Không chỉ Miller và tờ New York Times, mà một loạt tờ báo khác của Mỹ khi đó cũng tham gia vào chiến dịch truyền thông “lobby” cho cuộc phiêu lưu quân sự của chính phủ. Có thể kể đến những bình luận của nhà phân tích chính trị của tạp chí Times Thomas Fridedman. Fridedman khi đó nhận định rằng, can thiệp quân sự vào Iraq sẽ giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực rất quan trọng và giúp “mang lại dân chủ cho Trung Đông”. Trong khi đó, những tiếng nói phản đối chiến tranh như show truyền hình có rating hàng đầu của Phil Donahue trên kênh MSNBC thì bị hủy bỏ.

Thực tế thì hành động trên cũng chỉ là một chuỗi dài các hành động khiêu khích chiến tranh trong lịch sử của truyền thông Mỹ. Trong những năm 1890, các nhà báo đã dùng ngòi bút và thậm chí đôi khi còn “tự sản xuất” ra một loạt các sự cố trong hàng loạt các bài báo đăng trên tờ Hearst để kích động Mỹ lao vào cuộc chiến với Tây Ban Nha ở Cuba. Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ đôi khi được gọi là “nạn nhân” đầu tiên và không phải là “nạn nhân” cuối cùng của “chiến tranh phương tiện truyền thông”.

Nhưng một cuộc chiến như vậy là một sự thất bại của trí tưởng tượng, không suy nghĩ sáng tạo về các lựa chọn thay thế cho cuộc xung đột bạo lực, ví dụ như sử dụng giải pháp ngoại giao hòa bình. Đó là lập luận của “Báo chí Hòa bình”, một lĩnh vực nghiên cứu và thực hành lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970 từ những công trình nghiên cứu của nhà xã hội học và hoạt động hòa bình người Na Uy, Johan Galtung.

Phóng viên người Australia Jake Lynch viết: “Báo chí hòa bình là khi biên tập viên và phóng viên biết lựa chọn viết cái gì và viết như thế nào để tạo cơ hội cho xã hội nói chung xem xét và đánh giá giá trị của bất bạo động so với xung đột vũ trang”.

Người phóng viên không tạo ra chiến tranh nhưng ở vị trí người quan sát trung lập, họ có thể thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, tuyên truyền cho những mục đích không minh bạch của chính phủ với những thông tin, bình luận bất cẩn cũng như có thể hướng công chúng vào những câu chuyện đơn giản về bản chất của cuộc xung đột và đề ra những giải pháp.

Sự thực là chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin và báo chí, truyền thông có một sức mạnh ghê gớm, được coi là cơ quan quyền lực thứ 4 trong xã hội. Mỗi sản phẩm thông tin do nhà báo cung cấp cho bạn đọc có ảnh hưởng không chỉ với một cá nhân mà còn với cả cộng đồng, xã hội, quốc gia và thế giới. Vậy với quyền năng to lớn đó, mỗi nhà báo, xin hãy có trách nhiệm với thông tin!

Linh Phương