Đấu thầu thuốc tập trung

Khắc phục sớm những bất cập

08:08 | 18/12/2017

599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị Triển khai kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, định hướng 2018-2020 để đánh giá hình thức đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia theo Nghị quyết số 112/NQ-CP của Chính phủ. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến phản ánh những khó khăn, bất cập của hình thức mua sắm thuốc này.

Khó đáp ứng yêu cầu chữa bệnh

Ngày 2-8-2017, tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, lần đầu tiên Bộ Y tế mở 5 gói thầu tập trung cấp quốc gia gồm: Gói thầu 1: Mua biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị; Gói thầu 2: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh miền Bắc (trừ vùng Trung du và miền núi phía Bắc); Gói thầu 3: mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Gói thầu 4: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên; Gói thầu 5: Mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cho các tỉnh miền Nam.

Đã có 28 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu với 82 hồ sơ dự thầu nộp đúng thời gian và địa điểm. Thời gian thực hiện hợp đồng đều được các nhà thầu đề xuất 150 ngày trở lên.

Đánh giá cuộc đấu thầu thuốc tập trung lần đầu tiên này, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2017, chỉ riêng với 5 gói thầu đã tiết kiệm được trên 477 tỉ đồng. Đây là một biểu hiện tích cực bởi trước đây, giá thuốc tăng dần nhưng từ khi tổ chức đấu thầu tập trung thì giá thuốc đã có giảm.

khac phuc som nhung bat cap
Kiểm tra hồ sơ thầu lần đầu tiên đấu thầu tập trung ở Trung tâm Mua sắm thuốc quốc gia

Tham luận tại hội nghị, đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và đã tổ chức thành công khi trị giá trúng thầu giảm 12% so với giá gói thầu, chất lượng thuốc đảm bảo, không xảy ra tai biến sử dụng thuốc. Tuy nhiên, việc đấu thầu thuốc tập trung, theo Sở Y tế Hà Nội, còn nhiều bất cập như: một số bệnh viện Trung ương tham gia đấu thầu tập trung nhưng khi thực hiện hợp đồng, có một số mặt hàng lấy ít hơn với dự trù rất nhiều, gây khó khăn cho nhà thầu; một số hoạt chất chỉ có một số đơn vị nhỏ dùng với số lượng rất ít (chỉ vài trăm nghìn đồng) nên nhà thầu không ký hợp đồng.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay các đơn vị mua thuốc phải theo 4 danh mục đấu thầu tập trung: một là cấp quốc gia của Bộ Y tế; hai là của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ba là của cấp địa phương và bốn là của đơn vị. “Mỗi danh mục lại ký hợp đồng với nhiều nhà thầu, với thời gian thực hiện hợp đồng khác nhau, sẽ rất khó khăn cho các đơn vị trong việc chủ động nguồn thuốc, thanh toán kinh phí”, đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, do bệnh tật có nhiều thay đổi, lại do thay đổi chính sách, một số đơn vị mới được phê duyệt thành lập khoa, phòng mới, một số thuốc cấp cứu, một số nhà thầu trúng thầu không có khả năng cung ứng tiếp… nên thường xuyên phát sinh thuốc ngoài kết quả đấu thầu. Trong khi, Thông tư 11 quy định đều phải trình UBND thành phố phê duyệt, vì vậy rất khó đáp ứng kịp thời phục vụ bệnh nhân. Sở Y tế Hà Nội đề nghị xem xét tổ chức 2 cấp độ đấu thầu, trong đó Bộ Y tế đấu thầu tập trung toàn bộ thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, còn cấp địa phương thì các sở y tế tự đấu thầu những mặt hàng còn lại.

Thuốc hết mua ở đâu?

Cũng tại hội nghị, đại diện Bệnh viện K đã nêu lên việc nhà thầu không cung ứng đủ thuốc trong giai đoạn ngắn, chưa có quy cách đặc biệt để sử dụng cho truyền hóa chất ung thư; tỷ lệ sử dụng thuốc trong danh mục chưa cao do năm 2016 bắt đầu mua thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung, tại thời điểm đó vẫn còn các hợp đồng cung ứng theo kết quả đấu thầu trước đó tại bệnh viện; danh mục đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc điều trị ung thư chỉ có một hàm lượng, dẫn đến khó khăn khi phối hợp liều cho bệnh nhân; thuốc trong kế hoạch đấu thầu tập trung khi sử dụng hết không biết mua bổ sung bằng hình thức nào, trong khi không được điều chuyển giữa các cơ sở y tế; thời gian từ khi lập kế hoạch đấu thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài, dẫn đến số lượng kế hoạch và sử dụng có thay đổi; chưa có quy định cho việc mua thuốc bổ sung với những loại không lựa chọn được nhà thầu…

Một vấn đề không kém phần quan trọng mà Bệnh viện K phản ánh, đó là thuốc hóa chất ung thư, thuốc điều trị đích hiện nay có nhiều thuốc biệt dược gốc, chưa có thuốc Generic (thuốc đã hết bản quyền) nhóm 1. Đại diện Bệnh viện K đề nghị, cần có kế hoạch dự trữ thuốc, đồng thời, cần có quy định về tỷ lệ thuốc biệt dược gốc, thuốc Generic nhóm 1 đối với từng hạng bệnh viện và bệnh viện chuyên khoa.

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, công tác đấu thầu thuốc vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Kết quả đấu thầu đã tốt, nhưng quan trọng hơn là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh như thế nào. Ông Sơn nhấn mạnh: “Đấu thầu tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Đây là những tiêu chí mà đấu thầu tập trung quốc gia phải thực hiện được”.

Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Nhưng với những khó khăn, bất cập trên, Bộ Y tế phải khắc phục được thì mới bảo đảm những mục tiêu mà hình thức đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia đặt ra.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-12-2016 thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế để khắc phục các bất cập khi tổ chức các gói thầu riêng lẻ như thời gian, chi phí tổ chức đấu thầu, giảm giá thuốc trúng thầu do gói thầu có số lượng lớn… Có 5 hoạt chất tương ứng 22 mặt hàng thuốc được quy định đấu thầu tập trung quốc gia.

Nguyễn Anh