“Kẻ ăn không hết…”

07:00 | 13/07/2013

501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua một đợt thanh tra việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới đây, tỉnh Yên Bái đã phát hiện có tới 20.000 thẻ cấp trùng. Cái sự trùng ở đây là nói về một người mà có nhiều thẻ BHYT.

Đức Tâm (NLM số 238)

Sở Tài chính tỉnh Yên Bái khẳng định, đó mới là con số của 50% số địa phương được thanh tra. Thực tế, số thẻ BHYT bị cấp trùng còn cao hơn rất nhiều. Trung bình giá trị mỗi thẻ BHYT là 450.000 đồng, một phép nhân đơn giản cũng sẽ ra số tiền lãng phí gần chục tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Theo quy định về sử dụng thẻ BHYT, mỗi người chỉ có 1 và chỉ được sử dụng 1 thẻ. Tuy nhiên, tại tỉnh Yên Bái có nhiều người được cấp tới 2, 3, thậm chí 4 chiếc thẻ BHYT. Chỉ riêng huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đã có 4.000 chiếc thẻ BHYT bị cấp trùng.

Tại sao lại có sự cấp trùng như vậy? Ông Nông Đình Sơn, Trưởng thôn Nà Quành, xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết: “Trước kia chỉ có hộ nghèo mới được nhận thẻ BHYT, giờ hộ dân tộc thiểu số cũng được cấp, trong đó có nhiều hộ nghèo cũng thuộc diện dân tộc thiểu số nên chúng tôi cứ việc lập theo danh sách thôi”. Cũng theo Sở Tài chính Yên Bái thì BHYT chỉ biết in thẻ, còn quy trình quản lý phôi như thế nào, mọi người cũng không nắm được. Sở chỉ biết, bao nhiêu thẻ BHYT được cấp ra thì sẽ chuyển tiền theo đó. Còn thất thoát thế nào, Sở cũng không biết được.

Ở phía nam, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận cũng vừa tổ chức đợt kiểm tra, trong 13 đối tượng được cấp thẻ BHYT chỉ có 3 đối tượng không cấp trùng, còn lại đã cấp trùng và chủ yếu tập trung ở đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc diện trợ cấp bảo trợ hằng tháng, người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi. Trong năm 2011-2012, Bảo hiểm xã hội Bình Thuận đã cấp trùng 4.893 thẻ BHYT, với tổng kinh phí phải thu hồi hơn 2,6 tỉ đồng.

Nguyên nhân của việc cấp trùng là do không kiểm soát đầu vào chặt chẽ, chuẩn hóa đầu vào không chính xác, dữ liệu vào nhiều lần cùng một đơn vị và khác đơn vị. Địa chỉ của các đối tượng được cấp thẻ lại chưa quy định thống nhất; đối tượng này thì ghi số nhà, tên đường; đối tượng khác lại ghi theo tổ, khóm, xã, phường hoặc ghi theo cơ quan công tác. Việc lập danh sách cấp thẻ cho từng đối tượng tại địa phương thực hiện từ nhiều đầu mối, cán bộ phụ trách mảng nào thì lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho đối tượng ở mảng đó. Việc duyệt danh sách thiếu sự phối hợp kiểm tra, rà soát giữa các đầu mối dẫn đến trùng thẻ giữa các nhóm đối tượng. Các đối tượng đã được phát thẻ nhưng chưa được nhận thẻ hoặc bị mất thẻ đều ghi danh sách cấp thẻ lần đầu nên phát hành thẻ 2-3 lần, dẫn đến trùng lặp.

Mới có 2 tỉnh thanh tra BHYT mà đã phát hiện ra hàng vạn tấm thẻ BHYT bị cấp phát trùng, thất thoát hàng chục tỉ đồng từ ngân sách. Nếu thanh tra cả nước thì chắc chắn con số thẻ bị cấp trùng sẽ lên đến hàng triệu. Và kèm theo đó số tiền thất thoát lên đến hàng trăm tỉ. Cấp thẻ BHYT cho các hộ nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách là chủ trương của Nhà nước hỗ trợ dân nghèo không có đủ khả năng chi trả viện phí mỗi khi có bệnh phải đi khám và điều trị. Những năm qua, các đối tượng hưởng chính sách này rất phấn khởi và các bệnh viện không còn cảnh “người nghèo trốn viện” như trước đây.

Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong quản lý, cách kê khai chồng chéo của địa phương cộng với sự thiếu tự giác của người dân nên đã xảy ra việc cấp trùng thẻ. Chỉ tính riêng địa bàn miền núi, dân tộc thì phần lớn dân số là hộ nghèo; họ lại thuộc dân tộc thiểu số nên đương nhiên mỗi người đã được hưởng cả hai tiêu chuẩn để được cấp thẻ BHYT và thực tế đã sở hữu 2 thẻ.

Có một đối tượng chiếm tỷ lệ khá cao được cấp thẻ BHYT nữa là thân nhân các cán bộ, sĩ quan và công nhân viên quốc phòng. Với chính sách ưu tiên cho quân nhân phục vụ trong quân đội, mỗi cán bộ, sĩ quan có 3 đối tượng là thân nhân được cấp thẻ BHYT. Đó là bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ (hoặc chồng), vợ (hoặc chồng) và các con. Như vậy, nếu quân nhân nào còn đủ bố mẹ và con cái dưới 18 tuổi thì tổng số thẻ được cấp là 7 cái. Nhưng lại có những trường hợp một gia đình có nhiều con (trai, gái, dâu, rể) đều phục vụ trong quân đội thì ai cũng khai danh sách của gia đình để được cấp thẻ. Còn một đối tượng nữa là bố mẹ thuộc diện cán bộ hưu trí, đã có thẻ BHYT nhưng con vẫn kê khai. Vì nơi cư trú và nơi đăng ký khám chữa bệnh khác nhau nên cũng không thể phát hiện được.

Những nguyên nhân nêu trên đã lý giải sự cấp trùng thẻ BHYT. Mong rằng, các địa phương nhanh chóng thanh tra như Yên Bái và Bình Thuận để sớm thu hồi số thẻ cấp trùng. Các đối tượng đã được cấp thẻ trùng cũng cần tự giác nộp trả lại cơ quan chức năng. Có như thế mới bảo đảm tính công bằng xã hội, không để ngân sách thất thoát lớn. Và như thế mới khắc phục được cái cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Đ.T