Kalashnikov và “huyền thoại” AK-47

13:37 | 28/12/2013

1,844 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được tôn vinh là người hùng Liên Xô với việc thiết kế khẩu súng trường huyền thoại, tên tuổi Mikhail Kalashnikov đã đồng nghĩa với khẩu AK-47 mà ông tạo ra. Sau cơn bệnh kéo dài, cựu Trung tướng Kalashnikov đã từ trần vào ngày 23/12/2013…

Năng lượng Mới số 286

Súng trường tự động 47

Mikhail Kalashnikov sinh tại Altai Krai (Nga) ngày 10/11/1919 trong gia đình nông dân nghèo. Thập niên 30 của thế kỷ trước, bố ông - Timofey Aleksandrovich Kalashnikov, bị chế độ Stalin cướp đất và gia đình bị tống đến làng Nizhnyaya Mokhovaya (Siberia). Nhà Timofey có đến 19 người con (Kalashnikov là người thứ 17) nhưng chỉ 8 người là sống đến tuổi trưởng thành. Năm 1930, Timofey chết. Vợ ông tái giá với Efrem Kosach vốn cũng là người góa vợ… Hồi nhỏ, Kalashnikov èo uột, bệnh liên miên và có lần suýt chết năm lên 6. Thời niên thiếu, Kalashnikov thích làm thơ và ôm mộng thành thi sĩ. Sau khi học hết lớp 7, Kalashnikov rời gia đình lên Kurya kiếm sống bằng nghề cơ khí. Bắt đầu từ đó, ông mê vũ khí. Năm 1938, Kalashnikov gia nhập quân đội. Do tướng nhỏ con và lại có kỹ năng cơ khí máy móc, Kalashnikov được đưa vào bộ phận kỹ thuật xe tăng.

Trong nhà máy sản xuất AK-47

Cũng từ lúc này, Kalashnikov mày mò chế tạo một số loại vũ khí và có lần được đích thân tướng Georgy Zhukov thưởng khích lệ bằng một chiếc đồng hồ đeo tay. Tháng 10/1941, sau trận đánh khốc liệt Bryansk, Kalashnikov bị thương. Chính trong giai đoạn này, Kalashnikov dồn hết tâm trí cho việc thiết kế một thế hệ súng trường chưa từng có trước đó trong quân đội Liên Xô. Năm 1945, phiên bản thử nghiệm của khẩu Автомат Калашниковаâ (Avtomat Kalashnikov) 7.62×39mm ra đời. Đến năm 1947 nó bắt đầu được cung cấp cho một số đơn vị quân đội. Dù thiết kế AK-47 lấy từ mẫu Sturmgewehr 44 của Đức và M1 của Mỹ nhưng Kalashnikov cải tiến rất nhiều. Nó đơn giản nhưng “lỳ đòn”, có thể chịu được trong hầu hết môi trường. Rớt xuống bùn nhặt lên vẫn có thể khạc đạn tành tạch! Vớt lên từ đất ruộng nhão nhoẹt, tạt nước rửa sơ, nó vẫn khạc tiếp! Nó trở thành loại vũ khí được ưa chuộng nhất suốt thời Chiến tranh lạnh và đến mãi thời của khủng bố toàn cầu (tính đến nay, ít nhất 100 triệu khẩu AK-47 đã được sản xuất)…

Hình ảnh AK-47 từng được in đậm nét thời chiến tranh Việt Nam. Trong quyển “The Gun” (viết về lịch sử AK-47) của nhà báo Mỹ C. J. Chivers (từng đoạt Pulitzer) do Nhà xuất bản Simon & Schuster ấn hành năm 2010 có thuật chi tiết rằng, tay thủy quân lục chiến Mỹ Claude Elrod hồi ở chiến trường Việt Nam chỉ đeo AK-47 ra trận thay vì vác M-16. Trong bài viết về AK-47 trên Der Spiegel (5/9/2012), tác giả Christian Neef cũng nhắc lại rằng, cựu thủy quân lục chiến Mỹ Josh Laura từng nói với tờ New York Times rằng “Không khẩu súng trường nào trên thế giới cho đến thời điểm hiện nay có thể đáng tin bằng khẩu này (AK-47)”!

Vũ khí của các cuộc xung đột nội chiến

AK-47 đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong các cuộc xung đột suốt thập niên 90 đến đầu thế kỷ XXI, đến mức nó trở thành biểu tượng của nội chiến. Nguyên Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Louise Frechette cho biết AK-47 được xem là “vũ khí tối thượng” tại 46 cuộc xung đột trong 49 cuộc xung đột lớn trong thập niên 1990. Năm 1967, những người chăn gia súc thuộc sắc tộc Pokot ở Tây Bắc Kenya bắt đầu mua những khẩu súng trường đầu tiên cho họ. Đó là những khẩu súng cũ và nặng hiệu Lee-Enfield Mark IV được dùng từ hồi Thế chiến thứ nhất. Một khẩu Lee-Enfield Mark IV được bán với “giá” 60 con bò. Đến năm 1986, giá hạ xuống còn 15 con bò và không phải loại Lee-Enfield Mark IV cũ kỹ mà là AK-47. Sau đó, một khẩu AK-47 được giảm đến mức chỉ bằng với giá 5 đầu gia súc…

Giá rẻ, sức hủy diệt cao và dễ sử dụng khiến AK-47 trở thành cỗ máy giết người di động. Ảnh hưởng của nó còn vượt khỏi vai trò chiến trường. Khi được mang vào những cộng đồng thiểu số châu Phi, súng nhỏ tạo ra một bộ mặt mới đầy sát khí cho đời sống xã hội. AK-47 tạo ra một thứ mà người ta gọi là “nền văn hóa súng đạn”, khi nó trở thành phương tiện duy nhất dùng giải quyết chóng vánh những cuộc xung đột nội bộ nhỏ mang tính bản làng. Người ta có thể giết người chỉ vì một con gà. Một ví dụ: ngày 12/3/2001, một nhóm thanh niên sắc tộc Pokot (Kenya) mang AK-47 đã tấn công bộ tộc láng giềng Marakwet. Trước khi những kẻ sát thủ rút về bờ bên này sông Kerio của họ, phía bên kia đầy những xác người. Trường học, nhà cửa, tiệm buôn… đều bị đốt và hầu hết 47 người chết là phụ nữ và trẻ con. Súng còn làm văn hóa truyền thống thay đổi. Và “ở cái xứ này, nếu không có súng thì coi như một nấm mộ đang chờ bạn” – một thanh niên Pokot tên Jackson Kirop phát biểu.

Mặt trái của sự lan tràn AK-47 còn là sự xuất hiện của một thế hệ mà tờ The Economist gọi là “Kalashnikov Kids” (Những em bé mang khẩu AK) - nạn nhân trực tiếp của các cuộc chiến đang xảy ra tại nhiều nước, bị lôi kéo vào các cuộc giết chóc nhẫn tâm mà chúng không hề biết rõ mục đích và ý nghĩa thật sự là gì. Tính đến năm 2003, hơn ½ các cuộc xung đột khắp thế giới đều chứng kiến sự có mặt của những chiến binh dưới 15 tuổi. Một ví dụ: Samuel Bull (15 tuổi) từng cố quên đi giai đoạn khủng khiếp trong đời. Từ năm 8 tuổi, Bull đã chiến đấu trong hàng ngũ Mặt trận Ái quốc Liberia (NPFL), sử dụng thành thục AK-47 và nổi tiếng là kẻ giết người không run tay. Bull thừa nhận đã giết một phụ nữ chỉ bởi… không đưa bánh cho nó. “Tôi thích tiếng súng. Nghe cứ như tiếng nhạc” - Bull nói!

AK-47 cũng là vũ khí quen thuộc của giang hồ Mỹ Latinh. Tại các khu ổ chuột ở Medellin, bọn sát thủ nhãi con vác AK-47 nghênh ngang ngoài phố là hình ảnh thường gặp. Sicario - sát thủ chuyên nghiệp - tồn tại từ thời trùm ma túy Pablo Escobar. Một thập niên qua, giá thuê lẫn tuổi đời kẻ giết mướn đều giảm. Luật Vị thành niên ra đời năm 1989 nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị tù đã tạo cơ hội cho nạn thuê sicario vị thành niên bùng nổ. Nhiều tên trong đó chưa ăn sinh nhật lần thứ 17 đã chui xuống mồ sau khi thực hiện hơn 30 phi vụ giết mướn. Tại hai trung tâm giáo huấn La Floresta (tạm giam 15 ngày) và La Pola (giam dài hạn) ở Medellin, người ta có thể gặp vô số bọn giết mướn chuyên nghiệp tuổi đời chưa quá 18…

Dù chưa nhận được một kopek cho phát minh khẩu súng trường tự động AK-47 nhưng Mikhail Kalashnikov đã bị gián tiếp trách cứ khi “vũ khí tối thượng” AK-47 của ông được sử dụng như một công cụ giết người tàn khốc mang lại số thương vong nhiều nhất trong các cuộc nội chiến từ Phi sang Á. Năm 82 tuổi, trong một cuộc phỏng vấn, Kalashnikov nói rằng ông ước gì chế tạo một thứ gì đó hữu ích, chẳng hạn máy cắt cỏ, hơn là khẩu AK-47. “Tôi hãnh diện với sáng chế của tôi nhưng tôi buồn vì nó được bọn khủng bố sử dụng” - Kalashnikov thở dài (câu nói của ông khiến người ta liên tưởng đến lời than thở của Albert Einstein về vai trò mình trong sự ra đời bom nguyên tử, rằng: “Nếu biết thế, tôi đã làm anh chế tạo đồng hồ”)… 

Cần nói thêm, kể từ mùa thu 2011, Bộ Quốc phòng Nga đã ngừng mua AK-47. Quân đội Nga chê nó lạc hậu. Với 4 triệu khẩu trong kho, người ta dự tính tiêu hủy tất cả vào trước năm 2015. Do đó, nhà máy sản xuất AK-47 tại Izhevsk, nơi trước đó hơn 200 năm từng được Sa hoàng Alexander I thành lập để sản xuất súng hỏa mai nhằm chuẩn bị cuộc chiến với Napoleon, nơi Joseph Stalin từng yêu cầu phải sản xuất cho bằng được một loại súng trường hỏa lực mạnh tương tự khẩu MKb 42 của Đức, đã lâm vào tình trạng phá sản (nợ đến hơn 186 triệu USD). Tình hình nghiêm trọng đến mức đích thân Mikhail Kalashnikov từng gửi thư kêu cứu lên Vladimir Putin. Tháng 8/2013, Putin đã cho sáp nhập hai hãng vũ khí, Izhmash (tại thành phố Izhevsk, nơi sản xuất AK-47) và Izhmekh (nơi sản xuất các loại súng ngắn nổi tiếng như Makarov và MP-443 Grach, cũng ở Izhevsk), thành một hãng dưới tên chung là “Kalashnikov Concern”. Ít nhất đó cũng là một tin an ủi đối với Mikhail Kalashnikov trước khi ông từ trần…

Mạnh Kim