50 năm sau vụ ám sát hai tổng thống Kennedy và Ngô Đình Diệm:

John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 1)

06:55 | 30/11/2013

4,430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong nhiều tài liệu viết về cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt giai đoạn đầu, quyển “Death Of A Generation - How The Assassinations Of Diem And JFK Prolonged The Vietnam War” của tác giả Howard Jones (Giáo sư sử Đại học Alabama) là một trong những tư liệu đáng tin cậy nhất. Nói đến John F. Kennedy, người ta thường nhắc vụ khủng hoảng chính trị Vịnh Con Heo giữa Mỹ và Liên Xô nhưng Howard Jones đã tiếp cận vấn đề từ góc độ quan trọng hơn gấp nhiều lần, xảy ra vào giai đoạn đầy kịch tính thập niên 60 của thế kỷ trước…

Kỳ 1: John F. Kennedy và Việt Nam

Bản báo cáo Lansdale

Trong gần hai tuần đầu tháng 1/1961, Thiếu tướng không quân Mỹ Edward Lansdale đã bí mật tiến hành nghiên cứu tình hình chính trị Nam Việt Nam theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng. Tay cựu viên chức CIA này đệ trình báo cáo 12 trang cho Washington ngay trong tuần đầu tiên John F. Kennedy bước vào Nhà Trắng. Bản báo cáo đến chỉ huy sở CIA, Bộ trưởng Quốc phòng và cuối cùng tới cố vấn Nhà Trắng Walt Rostow. “Thưa Tổng thống, tôi nghĩ ngài nên đọc báo cáo này” - Rostow nói, khi hối hả mang báo cáo vào Phòng Oval. “Xem nào, tôi chỉ có nửa giờ nghỉ hôm nay và còn chuẩn bị bổ nhiệm nội các. Tôi phải xem ngay bây giờ sao? Ông có thể tóm tắt được không?” - Kennedy trả lời. “Không, thưa ngài. Tôi cho rằng ngài buộc phải đọc”.

Lướt vội bản báo cáo, Kennedy ngẩng lên, vẻ thảng thốt, nói: “Walt, đây có thể chưa là điều tệ nhất”. Một khoảnh khắc im lặng, Kennedy nói tiếp: “Tôi phải cho ông biết điều này. Eisenhower chưa bao giờ nhắc vụ Việt Nam với tôi”. Lại im lặng. Cuối cùng, Kennedy ra lệnh: “Giải quyết việc này ngay, Walt”… Báo cáo của Lansdale xuất hiện đúng thời điểm xảy ra nhiều sự kiện có thể ảnh hưởng thế cờ ngoại giao nước Mỹ. Chỉ hai tháng trước, tháng 11/1960, một vụ đảo chính đã thất bại vào phút cuối cùng trong kế hoạch lật đổ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Ngô Đình Diệm. Tháng 12/1960, Hà Nội ủng hộ thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Rồi, tháng 1/1961, Nikita Khrushchev đưa ra bài diễn văn thách thức Washington…

Robert McNamara và John F. Kennedy

Sáng thứ Bảy ngày 28/1/1961, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara điện đến nhà Lansdale tại Virginia, yêu cầu tới Nhà Trắng trong vòng một giờ. Chuyện gì mà khẩn cấp vậy? Lansdale tự hỏi. Đến Nhà Trắng, Lansdale được dẫn tới khu vực đợi bên ngoài Phòng Nội các, nơi Tổng thống đang chủ trì cuộc họp với hơn 12 cố vấn, trong đó Ngoại trưởng Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, Phó tổng thống Lyndon B. Johnson, tướng Tổng tham mưu trưởng Lyman L. Lemnitzer, Giám đốc CIA Allen Dulles, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách an ninh quốc tế Paul Nitze và trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Graham Parsons. Cuối cùng, Lansdale được đưa vào, ngồi tại chiếc bàn dài, đối diện Tổng thống.

Những người có mặt trong phòng tỏ vẻ ngạc nhiên. Hầu hết chưa từng gặp Lansdale, họ tự hỏi gã trung niên vận quân phục này vào đây làm gì. Kennedy trình bày vắn tắt báo cáo của Lansdale. “Lần đầu tiên” - Kennedy nói - “Tôi nhận ra mối nguy hiểm và tính cấp bách của tình hình Việt Nam”. Và rồi, trước khi người nào kịp lên tiếng, Kennedy yêu cầu Graham Parsons chuẩn bị thực hiện thêm một báo cáo nữa. Ngày 1/2/1961, chỉ hai ngày sau phiên họp quan trọng trên, Kennedy chuẩn y chi 28,4 triệu USD giúp tăng quân số VNCH và 12,7 triệu USD cho chương trình huấn luyện…

Soạn kế hoạch đảo chính

Tháng 10/1961, cùng Maxwell Taylor, Edward Lansdale sang Nam Việt Nam. Trong cuộc gặp Lansdale tại Dinh Tổng thống, Tổng thống Diệm đã hứng đòn giáo huấn đầu tiên từ Mỹ. Khi nghe Tổng thống Diệm trình bày sự phân vân không biết nên yêu cầu Washington cung cấp quân đội Mỹ hay không, Lansdale tỏ vẻ kinh ngạc và “nạt” ngay: “Ông cần quân đội Mỹ làm gì? Mọi việc đang xấu đi? Liệu đến mức cần quân đội Mỹ thì ông mới có thể sống sao?”. “Tôi hỏi ông mà” - Tổng thống Diệm trả lời. Lansdale phản ứng: “Tôi đang chất vấn ông một vấn đề cực kỳ nghiêm túc. Ông thừa nhận rằng mình đang mất thế kiểm soát và bởi vậy “nhất thiết cần đến quân đội Mỹ?”. “Tôi hỏi vậy không được sao?” - Tổng thống Diệm lên tiếng. “Trả lời câu hỏi tôi ngay lập tức!” - Lansdale gằn giọng. Im lặng một lúc, Tổng thống Diệm thốt ra: “Chúng tôi vẫn có thể kiểm soát tình hình”.

Tuy nhiên, báo cáo từ chuyến đi thực tế của Maxwell Taylor đã ghi rằng VNCH đúng là cần được quân đội Mỹ hỗ trợ. Ngày 11/12/1961, gần hai tháng sau khi Kennedy gửi lá thư cho Tổng thống Diệm, viết rằng: “Mỹ quyết định giúp Việt Nam giành độc lập…”. Hai nhóm quân đội và thiết bị quân sự gồm 33 trực thăng bắt đầu đến Sài Gòn, cùng bốn máy bay một động cơ dùng huấn luyện và 400 viên chức - nhân viên quân đội Mỹ. Hôm sau, tờ New York Times viết: “Sự ủng hộ quân sự trực tiếp đầu tiên của Mỹ dành cho cuộc chiến Nam Việt Nam chống du kích cộng sản đã được tiến hành”. 10 ngày sau, 22/12/1961, chuyên gia quân sự James Davis đã trở thành người lính Mỹ đầu tiên bị du kích cộng sản giết. Davis bị bắn xuyên sọ, chết tức thì. Cuộc chiến “Mỹ hóa” tại Việt Nam thật sự mở màn…

Chỉ nửa năm sau, thái độ của Tổng thống Diệm đối với Mỹ (cũng như ngược lại) bắt đầu thay đổi và mỗi lúc một xấu. Tháng 6/1962, trong buổi nói chuyện với Đại sứ VNCH Trần Văn Chương, Thượng nghị sĩ Mỹ Mike Mansfield được thông báo rằng Tổng thống Diệm đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Với Bộ Ngoại giao Mỹ, nguồn tin trên chẳng có gì mới và họ đã chỉ thị Đại sứ Mỹ tại VNCH Frederick Nolting tìm người thay Tổng thống Diệm. Kế hoạch Bộ Ngoại giao Mỹ xuất phát từ báo cáo tuyệt mật của cố vấn Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Joseph Mendenhall.

Giữa tháng 8/1962, Mendenhall giục Nhà Trắng: “Khử ông Diệm, ông Nhu, bà Nhu và phần còn lại của gia đình Ngô”. Theo Mendenhall, kế hoạch đảo chính có khả năng thành công khi ông Diệm và vợ chồng ông Nhu không có mặt trong Dinh Gia Long và Tổng giám mục Ngô Đình Thục lẫn Đại sứ VNCH tại Anh, ông Ngô Đình Luyện, cũng không hiện diện trong nước.

Ngô Đình Diệm tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 17 Trường võ bị Đà Lạt vào tháng 3/1963 (vài tháng trước khi bị giết)

Để vẹn toàn mưu sự, nhóm đảo chính nên bắt giam Nguyễn Đình Thuần (Ngoại trưởng) và bác sĩ Trần Kim Tuyến (sếp an ninh). Việc di tản viên chức trọng yếu Mỹ trước ngày đảo chính là điều tối cần thiết, phòng trường hợp Ngô Đình Diệm phản đòn và bắt họ làm con tin. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ phải được huy động nhằm ngăn cộng sản “thừa nước đục thả câu”.

Báo cáo Mendenhall là kế hoạch chi tiết đầu tiên phác họa cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm với sự nhúng tay của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch Mendenhall có nhiều chi tiết bất ổn tiềm tàng. Hơn nữa, một vụ đảo chính có lẽ cũng không cần thiết: giữa tháng 8/1962, McNamara công bố kế hoạch rút lui khỏi Việt Nam thực hiện trong ba năm đồng thời chấm dứt chương trình viện trợ quân sự Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Diệm cũng muốn bứt khỏi sự cưỡng chế Washington. Trên trang nhất tờ Washington Post số ra ngày 12/5/1963, ông Ngô Đình Nhu thẳng thắn trả lời phóng viên Warren Unna rằng mình muốn phân nửa trong 13.000 quân đội Mỹ biến khỏi Nam Việt Nam.

Ông Nhu “chơi phản”như thế nào?

Chủ nhật 25/8/1963, tướng Nguyễn Khánh hối hả đến gặp Chánh văn phòng CIA tại Sài Gòn, John Richardson, thông báo rằng, ông Nhu tính móc nối Hà Nội để thương lượng nhằm chấm dứt chiến tranh. Tất nhiên, Mỹ sẽ bị hất ra rìa sự dàn xếp nội bộ này. Liệu Ngô Đình Nhu thật sự tìm cách giải quyết cuộc chiến với Bắc Việt mà không cần thông qua Mỹ? Bán tín bán nghi, nội các Kennedy cho rằng nếu điều đó xảy ra, Ngô Đình Nhu hẳn là kẻ phản thùng, cho dù chính Washington từng bí mật ra lệnh Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông W. Averell Harriman đánh tiếng khả năng tương tự với đại diện Bắc Việt tại Geneva. Dù thế nào, thông tin của Nguyễn Khánh cũng gây mối quan tâm tức thời cho Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi đánh giá Nguyễn Khánh là “một trong những tướng giỏi nhất quân đội VNCH, vừa gan dạ vừa tinh tế”.

Quan trọng hơn hết, tướng tá VNCH đều tin vụ trên. Nguyễn Khánh nói với một viên chức CIA rằng, tướng tá VNCH đều sợ mạng sống bị đe dọa và “sẵn sàng làm cách mạng” nếu Ngô Đình Nhu tìm kiếm  giải pháp với Hà Nội hay với Cộng sản Trung Quốc nhằm trung lập Nam Việt Nam. Khi tiến trình trên thực hiện, chắc chắn cố vấn Nhu sẽ nộp mạng tướng tá VNCH cho cộng sản. Do khác múi giờ, bức điện tín John Richardson gửi về Nhà Trắng đến Washington vào thứ Bảy, ngày 24/8/1963, lúc 9 giờ 30 sáng. Câu chuyện của tướng Khánh thật ra không gây kinh ngạc cho Washington. Đại sứ Frederick Nolting từng báo cáo rằng cố vấn Nhu đã liên tiếp móc nối Hà Nội và vụ này Ngô Đình Diệm cũng biết.

Đại biện ngoại giao tại Sài Gòn, William Trueheart, hoàn toàn không tin và cho rằng “có quá nhiều chuyện vớ vẩn”. Tuy nhiên, nhiều năm sau, Nolting kể rằng Ngô Đình Nhu từng tiếp “các thủ lĩnh cộng sản ngay trong văn phòng mình ở Dinh Tổng thống”, rằng tôi chẳng những biết rõ mà còn có thể hình dung cố vấn Nhu nói: “Đừng để Trung Cộng dính vào…”. Trong khi đó, Nolting kể thêm, Washington không thể tin hành động phản bội của anh em ông Diệm và các bức điện tín hồi âm từ Washington đến Sài Gòn (về tiết lộ của tướng Nguyễn Khánh) không rõ ai viết nhưng đều có chữ ký của Ngoại trưởng Dean Rusk.

Người Pháp tính gì?

Đánh giá của Đại sứ Frederick Nolting về bí mật móc nối giữa ông Nhu và Hà Nội dựa trên vài chi tiết. Theo Nolting, Mieczyslaw Maneli - đại diện Ba Lan trong Phái bộ kiểm soát quốc tế (ICC) - là nhân vật trung gian giữa cố vấn Nhu và Hà Nội. Từng thoát chết ở trại tập trung Đức Quốc xã Auschwitz trong Thế chiến thứ II và thời điểm 1963 là Giáo sư luật Đại học Warsaw, đảng viên cộng sản Maneli thừa nhận gặp ông Nhu hai lần.

Lần thứ nhất, ngày 25/8/1963 (ngày mà tướng Nguyễn Khánh thông báo cho Chánh văn phòng CIA Sài Gòn John Richardson) tại buổi chiêu đãi giới ngoại giao nước ngoài; Lần thứ hai ngày 2/9/1963, tại Dinh Gia Long, trong buổi gặp riêng. Ai đứng ra tổ chức cuộc gặp giữa cố vấn Nhu và Maneli? Đại sứ Pháp tại Sài Gòn Roger Lalouette đã sắp xếp cuộc gặp đầu tiên, với giúp đỡ của Đại sứ Ấn Độ kiêm Chủ tịch ICC Ramchundur Goburdhum; Đại sứ Ý Giovanni Orlandi và đại diện Vatican Salvatore dAsta. Theo Maneli, Lalouette từng bước tiến hành kịch bản đầy tham vọng của Tổng thống Pháp Charles De Gaulle, với chủ trương kết hợp Việt Nam với hai quốc gia trung lập Lào và Campuchia nhằm một lần nữa biến Đông Dương trở thành “viên ngọc của nước Đại Pháp”.

Edward Lansdale và Ngô Đình Diệm

Khi Maneli đệ trình kế hoạch hòa bình theo “công thức Pháp” lên Hà Nội vào mùa xuân 1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định không muốn đàm phán với chính quyền Sài Gòn chừng nào Nam Việt Nam còn sự hiện diện quân đội Mỹ. Tháng 7/1963, Maneli lại đến Hà Nội. Liệu có khả năng Hà Nội chấp nhận một chính phủ liên hiệp với Ngô Đình Diệm? - Maneli đặt câu hỏi. Thủ tướng Đồng nhắc lại rằng, không thể thương lượng gì, nếu không đặt trên cơ sở về độc lập và chủ quyền Việt Nam, rằng Hiệp định Geneva đã lập nền tảng chính trị và pháp lý cho vấn đề chính yếu: Không có căn cứ quân sự cũng như quân đội nước ngoài nào đóng trên lãnh thổ Việt Nam và “mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là đuổi Mỹ”.

Ngày 29/8/1963, Tổng thống De Gaulle đề xuất cuộc gặp tại Paris xung quanh vấn đề một chính phủ trung lập Việt Nam. Cố vấn An ninh quốc gia McGeorge Bundy cảnh báo Tổng thống Kennedy rằng, Pháp đã lộ rõ ý định can thiệp vào tình hình Việt Nam với dụng ý khôi phục ảnh hưởng thực dân tại khu vực. Cố vấn Nhà Trắng William Bundy cho rằng, đề nghị của Pháp “không những không thực tế mà còn ma mãnh”. Trước chiến thuật ngoại giao của Pháp về giải pháp trung lập Việt Nam, nội các Kennedy càng tiến gần đến biện pháp lật đổ ông Diệm. Nếu chần chừ, ông Nhu có thể móc nối Hà Nội, như vậy mọi việc trở nên “xôi hỏng bỏng không” và tất cả đầu tư của Mỹ đều đổ xuống sông biển.

Mưu tính hất Tổng thống Diệm của Mỹ, trong giới ngoại giao quốc tế, không phải là điều tuyệt mật. Paris cũng đánh hơi và họ có lần nói với Nhà Trắng rằng, việc lật Tổng thống Diệm không là ván cờ tối ưu và rằng Tổng thống Diệm có lẽ tốt hơn nếu còn Nhu bên cạnh. Trong một lần gặp, Lalouette nói với Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam Henry Cabot Lodge (thay Frederick Nolting từ hạ tuần tháng 8/1963) rằng, Tổng thống Diệm là “nguyên thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á”, rằng cuộc chiến du kích Việt Cộng có thể kết thúc trong hơn một năm nữa bởi tinh thần Bắc Việt đang xuống dốc. Một khi chiến tranh kết thúc, Nam Việt Nam có thể thiết lập quan hệ thương mại với Bắc Việt với gạo và than là sản phẩm chủ yếu và “điều này có thể dẫn đến một nước Việt Nam thống nhất mà miền Nam giữ thế thượng phong”. “Cho phép tôi nhấn mạnh hai ý” - Lalouette trình bày - “thứ nhất, hãy xoa dịu dư luận Mỹ và thứ hai, không đảo chính”.

Đêm 1/9/1963 (tức 31/8 tại Washington), Maneli nhận cú điện từ Tòa Đại sứ Pháp, mời đến gặp Lalouette để “dùng cà phê”. Hẳn là có việc quan trọng - Maneli nghĩ. Đến Tòa Đại sứ Pháp nửa giờ sau, Maneli thấy chiếc Mercedes đen của đại sứ Tây Đức đã có mặt từ lúc nào. Đưa Maneli vào thư viện, Chánh văn phòng tiếp tân Mademoiselle Sophie de Passavant nhắc: “Tất cả cuộc nói chuyện của các ngài, đặc biệt điện thoại, đều bị theo dõi từ ba phía: chính quyền Sài Gòn, người Mỹ và Việt Cộng”. Điều đó không có gì bất ngờ nhưng Maneli không hiểu tại sao Sophie de Passavant lại nói như vậy, vào lúc này. Vài phút sau, Maneli được đưa vào phòng. “Tôi biết ông gặp ông Nhu ngày mai. Liệu ông có thể gặp được không, bởi tối nay, Mỹ sẽ đảo chính ông Diệm” - Lalouette nói.

Cố giữ bình tĩnh, Maneli trả lời: “Chúng ta biết chuyện này cũng có ngày xảy ra. Từ khi Lodge đến, số phận chế độ ông Diệm chỉ còn đếm từng ngày”. “Tôi khẳng định rằng, việc lật ông Diệm bằng sức mạnh sẽ là sai lầm không thể sửa chữa và cơ hội cuối cùng, dù nhỏ, cho hòa bình sẽ bị mất. Nếu ông Diệm và ông Nhu bị lật, tất cả kế hoạch chúng ta thiết kế nhằm chấm dứt cuộc chiến và đem lại hiệp ước với Bắc Việt sẽ trở thành công cốc” - Lalouette nói tiếp. Tuy nhiên, thời điểm trên, tướng tá Sài Gòn bắt đầu hoang mang trong kế hoạch đảo chính, do vẫn chưa nhận được tín hiệu đèn xanh chính thức từ phía Mỹ. “Vụ đảo chính không thực hiện” - bức điện Văn phòng CIA Sài Gòn gửi về Washington sáng 31/8/1963 ghi. Ngay sau đó, Nhà Trắng ra lệnh hủy tất cả điện tín từ Sài Gòn về Washington mang nội dung liên quan đảo chính Tổng thống Diệm…

(Xem tiếp kỳ sau)

Cao minh