Hội phụ huynh: “Cánh tay nối dài” cho lạm thu?!

11:10 | 16/10/2013

924 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều người cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh với những quy định rõ ràng về hành lang pháp lý đã khiến xã hội thất vọng không những vì sự hoạt động không hiệu quả mà còn trở thành “cánh tay nối dài” của nhà trường, giúp lãnh đạo nhà trường dễ dàng hơn trong việc “gợi ý” các khoản thu.

Hội phụ huynh hay hội … thu tiền?

Theo điều lệ Ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011, BĐD có trách nhiệm phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục HS; tham gia giáo dục đạo đức; bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi, giúp đỡ HS yếu kém, nghèo, khuyết tật…  Nhưng, tiếc rằng, hiện nay, rất hiếm khi BĐD đứng ra thảo luận với lớp về những vấn đề mang tính GD mà chủ yếu là hô hào đóng tiền.

Chị Thanh, có con vừa vào học lớp 1 tại trường tiểu học Quang Trung năm học 2013-2014 kể: Buổi họp đầu năm, sau khi cô giáo trao đổi sơ qua về tình hình trường, lớp (màn phụ) là tới phiên BĐD lớp đứng ra thu tiền (màn chính).

Mặc dù quy định của Sở GD-ĐT đã ghi rõ, quỹ hội không được thu quá 300.000 đồng/năm học, nhưng BĐD vẫn nói vì bão giá nên dự kiến tạm thu trước là 1 triệu đồng. Để “lách luật”, mỗi phụ huynh được yêu cầu ký vào hai bản, một bản đóng đúng với số tiền quy định và một bản khác chỉ “lớp biết với nhau”. Một vị trong BĐD còn đề xuất mỗi tháng trích quỹ  từ 300-500.000 đồng gọi là… hỗ trợ cô giáo “tiền điện thoại” để cô liên lạc với gia đình HS khi cần.

Hội phụ huynh đại diện cho nhà trường ... thu tiền.

Nhiều PHHS khác xác nhận: Họ chỉ biết đóng tiền để ban BĐD chi tiêu nhưng tiêu thì mập mờ và chi thì… không đúng “mục đích”. Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội đã thành lập 20 đoàn thanh tra để kiểm tra việc thu-chi đầu năm của các trường học đã phát hiện hàng loạt trường học có dấu hiệu lạm thu. Điển hình như tiểu học thị trấn Xuân Mai A-Chương Mỹ, tiểu học Đức Giang, tiểu học Bích Hòa và THCS Bình Minh-Thanh Oai… vẫn dự kiến chi quỹ Cha mẹ HS chưa đúng quy định của Bộ GD-ĐT, thu với mức thu cào bằng, thu khi chưa dự toán chi và dự kiến dùng quỹ để khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường, bồi dưỡng ngày lễ, Tết cho cán bộ giáo viên.

 Về lý, BĐD do PHHS tự bầu ra nhưng thực tế nhiều trường, thành viên BĐD lại thường do cô giáo “chọn giúp” trên cơ sở người thân quen với cô, hoặc có thế lực và thiện chí “giúp việc” cho nhà trường. TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng khẳng định: “Trước đây đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu chi, Bộ GDĐT còn ban hành cả Điều lệ cha mẹ học sinh để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này. Tuy nhiên, Ban này lại bị “biến tướng” trở thành cánh tay đắc lực của trường, “đứng mũi chịu sào” trong việc thu tiền cho trường. Lý do là vì, con em họ đều nằm trong tay trường, họ bị yếu thế và không có tiếng nói...”

Bỏ hội phụ huynh để hạn chế lạm thu

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, việc lạm thu ở một số trường học công lập là do đa phần phụ huynh phải chạy theo đề xuất của một số nhóm phụ huynh có điều kiện về kinh tế.

Để khắc phục tình trạng này, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là nên bỏ Ban đại diện cha mẹ HS vì thực tế, đây chỉ là bộ phận nối dài cánh tay giữa một nhóm lợi ích của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp học trong việc đưa ra các khoản thu vô lý. Thứ hai, nếu Bộ GD-ĐT vẫn để Ban đại diện cha mẹ HS tồn tại thì phải có cơ chế kiểm soát hoạt động của họ. Cần có cơ chế giám sát và sử dụng các khoản thu chi rõ ràng…

Ngoài việc phải kiểm soát hoạt động của Ban đại diện cha mẹ, nếu xét thấy các trường phải thu thêm tiền đầu tư xây dựng trường, lớp thì Hội đồng nhân dân tỉnh, thành cần quy định rõ ràng, cụ thể, chỉ thu 1 lần và có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Kèm theo đó, cần có quy định cụ thể trong việc xử phạt tổ chức, cá nhân tự ý đặt ra các khoản thu hoặc ấn định mức thu ngoài học phí không đúng quy định. Các cơ sở giáo dục địa phương phải mạnh tay trong việc quản lý những khoản thu sai và giao trách nhiệm đó cho những người đứng đầu cơ sở trường và lớp học.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng BĐD bị "yếu thế và không có tiếng nói..."

Còn ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ Sở GD-ĐT Hà Nội lại nêu quan điểm: Đối với khoản thu thỏa thuận, các trường phải tổ chức họp bàn với cha mẹ học sinh để trình bày dự toán chi và dự kiến mức thu, các khoản thu, chi phải công khai, minh bạch. Để kiểm tra việc thu, chi tại các trường học, Sở GD-ĐT tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất xuống kiểm tra các đơn vị. Nếu phát hiện trường nào thu không đúng quy định và không được sự đồng tình của phụ huynh, thì sẽ bị xử lý.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, Sở đã có văn bản hưởng dẫn thực hiện các khoản thu-chi trong trường học. Trong đó nêu rõ, các trường học không tự đặt ra các khoản thu. Đối với những khoản thu tự nguyện thì phải đảm bảo nguyên tắc thực sự đóng góp tự nguyện của các bậc cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ tổ chức họp tất cả phụ huynh trong trường và lớp để thống nhất về những khoản thu một cách hợp lý. Còn đóng hay không là quyền của phụ huynh học sinh. Nếu phụ huynh nào không đồng tình với những yêu cầu, khoản thu nào đó thì được quyền từ chối.

“Trong những năm gần đây, tình trạng lạm thu đã gây nên bức xúc trong xã hội. Trong các đợt thanh tra, chúng tôi đều nhận được lời giải thích của nhiều trường học và Ban đại diện cha mẹ học sinh đối với các khoản thu là muốn chia sẻ những khó khăn đối với trường học như: mắc thêm quạt trần hay những vật dụng khác phục vụ cho trường, lớp học…” – ông Thống bức xúc.

Để khắc phục tình trạng lạm thu, năm nay, tất cả lực lượng thanh tra của Bộ, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với những khoản thu ở tất cả đơn vị trường học. Nơi nào có sai phạm thu, chi thì sẽ bị xử lý. Vào đợt xét thi đua năm học, nếu cơ sở giáo dục nào mắc sai phạm thì Sở GD-ĐT sẽ cắt thi đua của đơn vị đó.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học không được thu tất các khoản tiền từ đầu năm. Việc làm này nhằm giảm sức ép đối với phụ huynh, đặc biệt là những gia đình khó khăn. Phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện và đứng lên phản ánh những sai phạm tại trường, lớp học. 
Cùng với đó, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã đề xuất và được ngành GD-ĐT Hà Nội chấp thuận cho thí điểm Hội đồng giám sát cộng đồng nhằm kiểm soát việc thu – chi trong nhà trường với nòng cốt là Hội khuyến học và các đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa phương.

Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần nắm rõ các khoản thu đầu năm và chung tay kiểm soát việc thu – chi của nhà trường để việc lạm thu không còn “nóng” vào mỗi năm học.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.