Hội nghị SEAPAVAA về công tác lưu trữ hình ảnh động

20:46 | 16/04/2012

1,096 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 15 – 21/4/2012, tại TP. HCM diễn ra kỳ họp thường niên lần 16 của Hội nghị SEAPAVAA (Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á – Thái Bình Dương) do Viện phim Việt Nam đăng cai tổ chức. Năm nay, Hội nghị có sự tham gia của khoảng 65 đại biểu quốc tế, 55 đại biểu trong nước.

Đây là năm thứ 3 Việt Nam vinh dự trở thành đơn vị đăng cai tổ chức sau hai kỳ Hội nghị thành công năm 1998, 2004. Năm 2012, các thành viên của Hiệp hội sẽ cùng đề xuất các vần đề quan trọng, đưa ra các phương pháp tiếp cận và giải quyết hữu hiệu khi ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo quản, lưu trữ, phát huy giá trị tư liệu hình ảnh động. Các vấn đề này nằm trong chủ đề của Hội nghị SEAPAVAA 16: “Thiết lập, đầu tư, bảo toàn một cơ quan lưu trữ nghe nhìn kỹ thuật số”.

Có thể xem đây là một vấn đề có tính thời sự cấp bách, một chủ đề lớn thu hút sự quan tâm của các cơ quan lưu trữ trên thế giới, trong thời đại phát triển và tác động mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đối với công tác lưu trữ hình ảnh động của mỗi quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Lan (Đứng) và bà Tuenjai Sinthuvnik, chủ tịch SEAPAVAA (thứ ba từ trái sang)

Hội nghị SEAPAVAA đã nhận được sự ủng hộ, khuyến khích kịp thời của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng như các cơ quan ban ngành khác. Hội nghị được xem như một sự kiện quan trọng không chỉ của ngành lưu trữ hình ảnh động Việt Nam mà còn là một hoạt động văn hóa ý nghĩa, có tác động xã hội tích cực, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của quốc gia.

Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á – Thái Bình Dương (SEAPAVAA) được thành lập hợp pháp và chính thức đặt trụ sở tại Manila, Philippines tháng 2/1996. Thành viên của Hiệp hội là các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước Australia, New Zealand, Polynesia, Melanesia… với mục tiêu thúc đẩy công tác lưu trữ nghe nhìn và bảo quản cũng như khai thác di sản nghe nhìn của khu vực.

Bà Belina Capul, nguyên Chủ tịch SEAPAVAA: “Viện phim Việt Nam đã có những đóng góp hết mình vào sự trưởng thành và phát triển của SEAPAVAA. Viện đã đăng cai tổ chức Hội nghị và hội thảo đào tạo; chia sẻ những công trình nghiên cứu và đặc biệt là trong việc xử lý hội chứng chua, cũng như hợp tác sản xuất với SEAPAVAA cuốn sách “Điện ảnh Đông Nam Á: Cái nhìn từ khu vực”, cung cấp cho công tác lưu trữ nghe nhìn về bối cảnh điện ảnh của khu vực”.

Các nước thành viên sẽ lần lượt đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên, cùng kết hợp với các cuộc họp thường niên của Ban điều hành và Đại hội đồng. Hiện nay, ngoài các nước thành viên, còn có nhiều tổ chức, các đơn vị cơ quan lưu trữ thế giới quan tâm tới hoạt động và các vấn đề của SEAPAVAA đã rất hưởng ứng và tích cực góp mặt trong các kỳ họp thường niên.

Sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng của SEAPAVAA đối với việc thúc đẩy công tác lưu trữ nghe nhìn và bảo quản cũng như khai thác di sản này của các nước thành viên đã khiến SEAPAVAA được UNESCO chính thức công nhận là Tổ chức phi chính phủ với mục tiêu vì sự phát triển và hợp tác mang tính quốc tế năm 2001.

Lưu trữ hình ảnh động là công tác rất quan trọng

Từ khi ý tưởng thành lập Hiệp hội SEAPAVAA được khởi xướng, Viện phim Việt Nam đã nhiệt tình hưởng ứng và trở thành thành viên sáng lập ra Hiệp hội. Cho đến nay, Viện phim Việt Nam luôn là một thành viên tích cực tham gia vào các hoạt động và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển, liên kết, hợp tác giữa các nước thành viên của Hiệp hội.

Bà Nguyễn Thị Lan, Viện trưởng Viện phim Việt Nam cho biết: “Hiện nay, tại Viện phim Việt Nam đang lưu trữ và bảo quản khoảng gần 10.000 tên phim và hơn 80.000 cuốn phim nhựa theo phương thức truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo quản số phim trên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, hệ thống về thiết bị công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát huy cao nhất việc bảo quản tư liệu gốc, sử dụng khai thác và phổ biến các bản copy được lưu ở dạng băng đĩa, ổ cứng và các phần mềm ứng dụng”.

Viện phim Việt Nam là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Bộ VHTT&DL, có chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ lưu trữ điện ảnh, khai thác và phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật.

Được thành lập vào tháng 9/1979, tiền thân từ phòng tư liệu thuộc Cục điện ảnh, Viện phim Việt Nam có tên gọi ban đầu là Viện tư liệu phim Việt Nam, có trụ sở chính ở Hà Nội và hai đơn vị trực thuộc tại TP. HCM.

Nguyễn Hiển