Học sinh Thủ đô học trong "nhà kho", trường to "thả vịt"

08:56 | 03/05/2015

928 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, có những điểm trường mầm non phải học trong nhà kho cũ kỹ, dột nát, vừa học vừa lo sập. Trong khi đó, các dự án tiền tỷ xây trường kiên cố để thay thế khởi công từ nhiều năm nay vẫn dang dở, nằm phơi mưa nắng.

Lớp học là nhà kho

Tại thôn Yên Nội (Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) có 3 điểm trường cho học sinh mầm non. Điểm trường mẫu giáo Yên Nội được cải tạo từ nhà kho cũ của hợp tác xã và nhà di tích, là lớp học của hơn 200 cháu (từ 3 - 5 tuổi). Điểm trường nhà trẻ đội 1 có hơn 80 cháu học chung trong căn phòng rộng chưa đến 60m2. Do lớp học chật chội nên dù có bàn ghế cũng không đủ chỗ kê, giáo viên phải xếp miếng xốp xuống nền nhà. Vào ngày mưa nền ướt, đành trải chiếu để các cháu ngồi học.

Giáo viên phải dùng phên để ngăn khu nhà thành nhiều phòng học khác nhau

Tại điểm trường khu nhà trẻ 5 gian có hơn 53 học sinh. Diện tích lớp học rộng chừng gần 30m2. Điểm trường này được cải tạo từ ngôi nhà kho chứa lúa của làng trước đó. Trên tường, từng mảng vôi vữa bong tróc, có chỗ lõm vào nhìn thấy cả gạch đỏ vỡ vụn. Khoảnh sân nhỏ phía trước chỉ đặt vừa một chiếc đu quay đã gỉ sét đen quạch và một chiếc cầu chui cho trẻ.

Các em nhỏ thôn Yên Nội đang phải học thì khá lụp xụp, có thể sập bất cứ lúc nào

Cô Vũ Thị Chủng, Tổ trưởng điểm trường mầm non thôn Yên Nội cho hay, từ năm 2000 nhà kho chứa thóc của tập thể trước kia và khu di tích của xã được cải tạo thành trường mầm non. “Do diện tích phòng học, số phòng và điều kiện không đáp ứng được, nên những tiết học ứng dụng, thể dục trẻ các lớp phải thay đổi học ngoài sân, theo tiêu chuẩn các cháu phải học trong phòng. Lớp này học 30 phút, ra sân chơi để lớp còn lại học và ngược lại. Khô nhất là những ngày mưa gió, mái ngói của trường cũ dột nước, mỗi khi mưa xuống phải gọi phụ huynh đến đón học sinh về”. Cô Chủng chia sẻ.

Cách đó 300 m là dự án xây dựng trường mầm non kiên cố cho thôn Yên Nội (được khởi công từ tháng11/2010), vốn đầu tư 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 5 năm xây dựng, hiện ngôi trường mới hoàn thành phần xây thô.

Ngày nắng cũng như ngày mưa các em phải ăn trưa ở ngoài sân

Một điểm trường mầm non khác tương tự, điểm trường mầm non thôn Lương Xá (Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội) với hơn 70 em nhỏ cũng đang phải học tạm bợ nhà kho cũ của hợp tác xã trước kia. Điểm trường có 4 phòng học nhưng do 2 phòng xuống cấp, dột nát, có nguy cơ đổ sập nên toàn bộ học sinh phải học dồn ở 2 phòng còn lại. Một phần sân chơi được lợp mái tôn và đặt bàn ghế để các cháu ăn uống.

Trường to bỏ hoang làm nơi nuôi gà, thả vịt

Trong khi các cháu thiếu nhi đang trong độ tuổi mầm non trên địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) phải học tại nhiều điểm trường khác nhau trong thôn thì công trình xây dựng trường mầm non cấp xã được đầu tư hàng tỷ đồng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay và trở thành nơi nuôi vịt, thả gà… của người dân.

Trường bị bỏ hoang đã 4 năm nên cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Trường mầm non cấp xã thuộc xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) bắt đầu được khởi công từ 4 năm trước với mong ước sẽ là môi trường học tập tốt nhất cho toàn bộ các cháu trong độ tuổi mẫu giáo trong địa bàn xã. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, công trình mới hoàn thành được một dãy nhà hiệu bộ còn lại tất cả các hạng mục khác đều chưa được xây dựng.

Lối lên cầu thang bẩn thỉu, hôi thối mùi phân thỏ

Địa điểm được chọn xây dựng công trình là khu đất nằm ngay đằng sau trụ sở UBND xã, đối diện với trạm y tế xã. Theo khảo sát của phóng viên , khu trường có 4 mặt thì 2 mặt được bao bọc bởi tường rào, một mặt là công ty TNHH Thành Phát án ngữ, còn một mặt là một xưởng gỗ. Để vào được bên trong ngôi trường, phóng viên phải xin đi nhờ qua xưởng gỗ.

Dãy nhà  kiên cố 2 tầng được sơn màu vàng mọc lên giữa những bụi cỏ um tùm. Bên ngoài ngôi nhà, nhiều chỗ sơn đã bị bong tróc. Cửa các phòng đều được khóa trái, một số kính cửa sổ đã vỡ nát.  Bên trong các phòng đều chưa có thiết bị học tập nào.

Ngoài hành lang còn được người dân tận dụng làm nơi để rơm rạ.

Nhà vệ sinh tầng 1 trở thành kho chứa đồ của người dân

Dưới hành lang ngôi nhà, nhiều viên gạch đã bị bong bóc, cong vênh hẳn lên và bụi phủ bám một lớp khá dày. Nhiều chỗ phân thỏ vương vãi, bốc mùi xú uế hôi thôi do trước đó người dân có nuôi nhốt thỏ ở đây nhưng sau khi di chuyển không được quét dọn. Phòng vệ sinh tầng một đã bị biến thành nơi chứa các thứ linh tinh như chai lọ, bao tải, thang, xe cải tiến...

Xưởng gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Cúc

Theo ông Nguyễn Văn Cúc, chủ xưởng sản xuất gỗ nằm trong khu đất của trường mầm non cho biết, năm 2013, bác thuê đất của xã ở gần đình chùa để sản xuất nhưng từ khi dân làng tiến hành tu sửa đình chùa nên ông được xã phân về mở xưởng tạm ở đây. Khi mới về mở xưởng, ngôi nhà hiệu bộ 2 tầng đã xây xong.

“Lúc mới chuyển về, cỏ cao ngập đầu người. Tôi và gia đình đã phải vất vả dọn dẹp nhiều ngày để làm xưởng. Xã phân về thì tôi về làm thôi. Khi nào công trình tiếp tục được xây dựng  thì tôi sẽ lại chuyển xưởng đi chỗ khác”, ông Cúc cho biết.

Khoảng đất trống được ông quây làm nơi thả gà, trồng cây ăn quả như chuối, ổi...

Trước mặt tòa nhà là một khu đất trũng đầy nước được làm nơi thả vịt.

Hiện tại, ngoài diện tích nhà xưởng, ông Cúc vẫn sử dụng những diện tích đất còn lại để nuôi thỏ, thả gà, vịt, trồng cây ăn quả… “Đất để không chưa xây dựng thì phí nên tôi tận dụng để trồng cây, thả gà, vịt… cải thiện thêm cuộc sống”, ông Cúc nói.

Người dân các địa phương đang hết sức mong mỏi, các cấp chính quyền có liên quan sớm hoàn thiện các công trình để các cháu nhỏ được học ở một ngôi trường mới khang trang hơn tránh lãng phí.

Nguyễn Hoan (Năng lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc