Đổi mới quản lý dịch vụ đòi nợ thuê:

Hết thời đòi nợ thuê bằng “luật rừng”?

07:02 | 16/08/2015

3,255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa được Bộ Công an và Bộ Tài chính công bố, Doanh nghiệp phải thông báo cho công an phường trước khi đi đòi nợ thuê. Ngoài ra, phải báo cáo cả danh sách người đi đòi nợ, các phương tiện dùng trong việc đi đòi nợ… Liệu rằng những quy định mới này có ngăn chặn được các kiểu biến tướng đòi nợ như “xã hội đen” đang diễn ra phức tạp trong thời gian vừa qua?

Vờ đòi nợ thuê để kiếm cớ trấn tiền

Vờ đòi nợ thuê để kiếm cớ trấn tiền

Ngày 20/5, Công an quận 10 (TP HCM) đã ra quyết định tạm giữ hình sự Hà Ngọc Thanh Trà và Nguyễn Thanh Liêm để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Biến tướng dịch vụ thu hồi nợ

Dù các ngành chức năng đã có những quy định rất chặt chẽ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng thời gian gần đây hoạt động này đang trở nên bát nháo, khiến những người làm ăn khó khăn càng bị dồn đến bước đường cùng.

Trong không ít sự việc, khi rơi vào vòng nợ nần, nhiều chủ nợ đã cầu cạnh đến công ty thu hồi nợ để họ được danh chính ngôn thuận đi thu hồi. Thế nhưng, bản thân các công ty này cũng đang bộc lộ không ít biến tướng. Có những công ty thậm chí dùng cả đối tượng “ngoài xã hội” để phục vụ cho mục đích của mình.

Hết thời đòi nợ thuê bằng “luật rừng”?
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an)

Theo nguồn tin phóng viên ghi nhận, giá mỗi phi vụ đòi nợ thuê thường dao động từ 20 đến 30% trên tổng số nợ mà chủ nợ đòi được. Đối với những con nợ khó đòi, tỷ lệ này sẽ được nâng lên kịch khung là 50%. Ngoài mức phí dịch vụ đòi nợ thuê gần như được “chốt cứng”, chủ nợ còn phải hỗ trợ cho công ty đòi nợ phí thẩm định thông tin về hồ sơ chứng từ, cũng như năng lực tài chính, xác minh nhân thân của “con nợ”.

Thông thường, chủ nợ muốn mướn giang hồ chuyên nghiệp thực hiện phi vụ đòi nợ thuê đều phải trình bày giấy tờ chứng minh con nợ đang vay tiền của mình và cố tình chây ỳ không trả. Sau khi có được thông tin, vệ tinh sẽ nhanh chóng xác minh con nợ mình sắp đòi thuộc dạng nào, số má ra sao để có thể đưa ra tỉ lệ ăn chia với chủ nợ.

Còn theo thống kê của các ngành chức năng, các công ty hoạt động dịch vụ thu nợ ở nước ta ngày một nhiều. Dịch vụ này đặc biệt “nở rộ” trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây khi tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp ngày càng lớn, nợ khó đòi gia tăng. Không khó để tìm thấy trên mạng các công ty dịch vụ thu nợ với những lời quảng cáo hấp dẫn về khả năng thu nợ uy tín, hấp dẫn của mình. Thế nhưng, không phải công ty nào cũng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích.

Dư luận từng bức xúc về hiện tượng “nhân viên thu hồi nợ” của một số công ty mang dáng vẻ bặm trợn đứng trước trụ sở của các doanh nghiệp la lối, khủng bố tinh thần nhân viên. Các đối tượng thậm chí còn tìm đến tận nhà riêng của một số tổng giám đốc nhằm đe dọa vợ con gây áp lực yêu cầu trả nợ cho chủ nợ.

Từng có trường hợp, vừa bước ra khỏi cổng, vị giám đốc bất ngờ bị 4 nhân viên của một công ty đòi nợ thuê khống chế lên taxi đưa về văn phòng đánh đập, đe dọa để đòi 900 triệu đồng cho chủ nợ. Mỗi lần bị đòi nợ “kiểu” này, họ chỉ biết gọi điện cầu cứu công an hoặc cảnh sát 113 để can thiệp.

Hết thời đòi nợ thuê bằng “luật rừng”?
Trong thời gian qua, không ít công ty đã biến tướng tịch vụ đòi nợ thuê thành các kiểu đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen”. Ảnh minh họa

Vay “nóng” trả “nguội” và hệ lụy

Dù được cấp phép hoạt động hợp pháp nhưng chính sự nhập nhằng “chính” - “tà” mà không ít công ty đã lợi dụng dịch vụ hợp pháp trên để bóp méo, kiếm lợi. Không ít công ty bị biến tướng thành các kiểu đòi nợ thuê mang tính chất “xã hội đen” côn đồ, hành hung, đánh đập con nợ.

Cách đây không lâu, dư luận hãi hùng khi biết về vụ tra tấn một con nợ tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bằng cách bắt úp mặt vào xô phân, đấm đá... khi anh này không đủ khả năng chi trả khoản vay 200 triệu đồng của một người tại quận Đống Đa. Trước đó, vào những ngày cuối năm 2012, đã xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng bằng mìn tại Yên Phụ (Hà Nội).

Mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ việc vay nợ. Nạn nhân thiệt mạng cũng là “tội đồ” của trò vay “nóng” trả “nguội”. Do bị thúc ép trả nợ đã cùng quẫn mang súng và mìn tự chế đến nhà con nợ “xử lý”, thế nhưng chính mình lại lãnh hậu quả. Thực tế, rất nhiều vụ án hình sự về “cướp tài sản”, “cưỡng đoạt tài sản”, “giam giữ người trái pháp luật”... có liên quan đến chuyện đòi nợ.

Theo các chuyên gia, việc cho phép dịch vụ thu nợ hoạt động là phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp nên phải xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ, tránh những bất cập dẫn đến tình trạng đòi nợ theo hình thức xã hội đen như thời gian qua. Từ thực tế đó, việc đề xuất Cơ quan Công an thay bộ Tài chính giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ này như nội dung trong dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Công an và Bộ Tài chính vừa công bố là cần thiết.

Theo đó, Cơ quan Công an được quyền kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nội dung kinh doanh ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở kinh doanh với thực tế của cơ sở đang hoạt động.

Bên cạnh đó, trách nhiệm và quyền hạn của các doanh nghiệp đòi nợ thuê cũng được quy định rõ ràng. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ. Không cho thuê, mượn, chuyển nhượng hoặc sửa chữa giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Đặc biệt, khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh và người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan công an. Khi thực hiện hợp đồng đòi nợ thuê cũng phải thông báo bằng văn bản cho công an phường sở tại nơi thực hiện hợp đồng đòi nợ biết trước khi thực hiện…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải cung cấp cho cơ quan công an có thẩm quyền danh sách và thông tin có liên quan đến người làm trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

So với quy định hiện hành, Bộ Công an đã thay thế vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý (kiểm tra, giám sát, xử phạt) hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Như vậy, các quy định mới của pháp luật cũng sẽ siết chặt hơn đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê khi Bộ Công an tiếp nhận công việc này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho biết: “Thực tế trong thời gian qua, nhiều công ty đòi nợ thuê không còn thực hiện hình thức “đòi nợ thuê” mà thực hiện theo kiểu hình thức nhận “gán nợ”. Sau đó, tiến hành những thỏa thuận về dân sự, ‘trói” dần con nợ, gây sức ép bằng nhiều cách khác không đến mức để bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Chủ nợ do không muốn dùng “luật rừng” vào việc đòi nợ bởi sẽ rất dễ dính đến pháp luật, vô tình biến mình thành kẻ phạm pháp.

Các ngành chức năng cần thiết phải đưa ra những nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm, từ đó đúc rút lại thành các quy định thật chuyên nghiệp, cụ thể, rõ ràng hơn nữa về việc đòi nợ thuê”.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 448

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc