Hào quang vụt tắt với Jack Ma?

15:04 | 04/01/2021

116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều đồn đoán được thêu dệt xung quanh tình trạng hiện tại của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma khi ông "biến mất" trước công chúng suốt hai tháng qua.

Tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba, vốn được xem như một biểu tượng thành công ở Trung Quốc, nhưng nay dường như đã trở thành đối tượng nằm trong tầm ngắm của chính quyền nước này.

"Mất tích" bí ẩn

Theo lịch trình dự kiến, người sáng lập Alibaba sẽ xuất hiện trong tập cuối cùng của chương trình thực tế "Người hùng kinh doanh châu Phi". Đây là một game show theo phong cách "The Apprentice" (Người tập sự) dành cho các doanh nhân trẻ của châu Phi cơ hội nhận được những giải thưởng lớn trong quỹ giải thưởng lên tới cả triệu USD.

Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma. (Ảnh: Fresh News)
Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma. (Ảnh: Fresh News)

Ông Jack Ma thường là thành viên ban giám khảo sẽ đánh giá về các ý tưởng kinh doanh của thí sinh tham gia game show.

Jack Ma là giám khảo của chương trình nhưng bất ngờ bị thay thế bởi một giám đốc điều hành của Alibaba trong trận chung kết diễn ra vào tháng 11.

Hình ảnh của ông cũng bị gỡ khỏi trang web của chương trình. Lần cuối cùng Jack Ma đăng tweet trên Twitter là vào ngày 10/10 năm ngoái.

Tỉ phú Jack Ma bị nghi ngờ mất tích sau hai tháng không xuất hiện trước công chúng. Trong tháng 10, ông Jack Ma có bài phát biểu chỉ trích những bất cập trong hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc.

Theo báo Telegraph (Anh), tỉ phú Trung Quốc vốn đã không còn xuất hiện trước công chúng trong nhiều tuần sau khi công khai chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc, nay lại biến mất luôn khỏi chương trình truyền hình thực tế mà ông tạo nên và tham gia với tư cách một thành viên ban giám khảo.

Jack Ma bị quay lưng?

Ở Trung Quốc, Jack Ma đồng nghĩa với thành công. Từ một giáo viên tiếng Anh cho đến doanh nhân trong lĩnh vực internet, Jack Ma đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Ông thành lập Alibaba - một đối thủ ngang hàng với Amazon. Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Ma là người Trung Quốc cấp cao đầu tiên mà ông Trump gặp.

Thành công đó cũng đã chuyển sang cả đời sống cá nhân. Ông trở thành một ngôi sao với biệt danh "Daddy Ma". Năm 2017, Jack Ma còn vào vai một bậc thầy Kung fu trong một đoạn phim ngắn quy tụ nhiều ngôi sao điện ảnh hàng đầu Trung Quốc. Thậm chí, ông Ma còn hát song ca với Faye Wong - một diva nhạc Pop của Trung Quốc hay cùng với Zeng Fazhi - họa sĩ hàng đầu Trung Quốc - vẽ một bức tranh. Bức tranh đó đã được bán đấu giá ở sàn Sotheby's với giá 5,4 triệu USD.

Với những người trẻ và đầy tham vọng ở Trung Quốc, Daddy Ma là thần tượng đáng để học tập.

Nhưng gần đây, công chúng ở Trung Quốc đã quay lưng với ông. Từ chỗ được yêu mến, Daddy Ma đã bị công chúng ở Trung Quốc "ghét bỏ".

Ant Group hiện là
Ant Group hiện là "gã khổng lồ" trên thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc khi điều hành Alipay, một trong hai hệ thống thanh toán trực tuyến "thống trị" ở Trung Quốc.

Ông bị gọi là "kẻ xấu", "gã tư bản độc ác" và "con ma hút máu". Một nhà văn đã liệt kê "10 tội lỗi chết người" của ông. Và thay vì gọi là "bố" như trước đây, một số người đã bắt đầu gọi ông là "con trai" hoặc "cháu trai".

Việc hình ảnh của tỷ phú Jack Ma trong mắt công chúng trở nên xấu hơn xảy ra khi ông đang phải đối mặt với những rắc rối ngày càng tăng với chính phủ Trung Quốc.

Hồi tháng 10/2020, ông Ma đã có những động thái không được chính quyền sở tại hài lòng khi công khai chỉ trích những bất cập trong hệ thống quản lý tài chính và các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Khi đó, trong bài phát biểu tại Thượng Hải, ông Ma kêu gọi cải tổ hệ thống quản lý tài chính, một hệ thống mà những bất cập hiện tại của nó theo ông là bóp nghẹt đổi mới, sáng tạo.

Khoảng một tuần sau đó, sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải ra lệnh tạm dừng phiên phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng (IPO) được kỳ vọng đạt giá trị 37 tỉ USD của Ant Group, một hãng công nghệ tài chính do ông Jack Ma là đồng sáng lập.

Cũng kể từ thời điểm đó, truyền thông ghi nhận ông Ma không còn xuất hiện trước công chúng nữa.

Cuối tháng 12, chính quyền Trung Quốc đã công bố mở cuộc điều tra với Alibaba về các hành vi bị nghi ngờ độc quyền và lệnh cho Ant Group phải tái cấu trúc các hoạt động để tuân thủ các quy định về quản lý. Ant Group hiện là "gã khổng lồ" trên thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc khi điều hành Alipay, một trong hai hệ thống thanh toán trực tuyến "thống trị" ở Trung Quốc.

Như vậy, cả hai sản phẩm của tỷ phú Jack Ma (Mã Vân) đều nằm trong tầm ngắm của nhà cầm quyền.

Sáng lập Alibaba năm 1999, ông Jack Ma đã đưa công ty này trở thành gã khổng lồ về thương mại điện tử của Trung Quốc cũng như thế giới nói chung. Trong chiến lược đầy tham vọng, ông Jack Ma mở rộng hoạt động của Alibaba sang dịch vụ tài chính, thanh toán không tiền mặt, làm tiền đề cho sự ra đời của Ant Group.

Diễn biến mới nhất trên phản ánh tình hình siết chặt quy định của chính quyền Trung Quốc đối với các công ty công nghệ đình đám ở quốc gia Đông Á này.

Từng được xem là động lực trong sự phát triển kinh tế, đặc biệt tiến bộ về công nghệ tại Trung Quốc, Alibaba và các đối thủ khác như Tencent đều đang gặp áp lực lớn từ chính phủ sau khi đạt lượng người dùng lên tới hàng trăm triệu, với tầm ảnh hưởng bao phủ gần như mọi ngõ ngách trong cuộc sống thường nhật ở Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, các nhà đầu tư đang hoang mang về mức độ nghiêm trọng của cuộc điều tra nhắm vào các công ty công nghệ lần này.

Chính quyền Trung Quốc tính tới nay ít khi hé lộ về kế hoạch siết chặt quy định với các công ty này, cũng như lý do họ lựa chọn thời điểm này để hành động.

Nhà đầu tư kỳ cựu của Mỹ Mark Mobius tin các động thái này được thiết kế để để hạn chế các tổ chức tài chính trở nên quá lớn.

"Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc vì họ nhận ra rằng họ phải điều tiết những công ty này, để chúng không trở nên quá lớn. Chính phủ Trung Quốc đang thức tỉnh trước thực tế rằng họ không thể cho phép các công ty này thống trị một lĩnh vực cụ thể và đặc biệt là lĩnh vực tài chính", ông này khẳng định.

Vẫn còn quá sớm để biết liệu chính quyền Trung Quốc sẽ kiểm soát ông Ma và các tập đoàn công nghệ lớn đến đâu. Nhưng một số người lo ngại rằng, nước này đang quay về với những khó khăn trong thập niên 1950.

Theo enternews.vn