Hành trình khởi nghiệp tôn vinh phụ nữ Việt Nam

09:22 | 20/10/2018

441 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với khát vọng vươn lên, nỗ lực vượt qua những khó khăn và rào cản để khởi nghiệp và đạt được thành công ban đầu trên các lĩnh vực giáo dục trẻ em; du lịch cộng đồng; dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe người khuyết tật... đó là những câu chuyện về một số gương mặt phụ nữ Việt Nam được phóng viên PetroTimes lược ghi tại triển lãm “Hành trình khởi nghiệp” diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội).  
hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet nam
Bà Đỗ Thúy Lan cùng nhóm trẻ đầu tiên của Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ, năm 1992

Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật Sao Mai, Hà Nội “Người đầu tiên gieo mầm hy vọng cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam”: Năm 1992, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở Hà Lan, tôi về nước bắt tay thí điểm mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam. Khó khăn lớn nhất lúc đó chính là nguồn lực bởi trong cả nước chưa có giáo viên nào được đào tạo về lĩnh vực này. Khoa giáo dục đặc biệt của Trường Sư phạm ra đời nhưng không đào tạo can thiệp cho trẻ tự kỷ.

Ý tưởng xây dựng Trung tâm Sao Mai vấp phải muôn vàn khó khăn về địa điểm xây dựng, kinh phí để trả lương cho giáo viên... Đặc biệt nhận thức của phụ huynh, của cộng đồng về trẻ tự kỷ cũng là một rào cản lớn. "Khi đó, tự kỷ vẫn được cho là một dạng bệnh tâm thần, và không có cha mẹ nào muốn trong lớp con mình có một bạn như vậy. Lúc ấy, tôi mới thấu hiểu tự kỷ không phải là thảm họa, thiếu hiểu biết mới là thảm họa".

hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet nam
Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nam Trần Thị Thanh Thoan

Chị Trần Thị Thanh Thoan “Làm giàu trên quê hương”: Xuất thân từ một gia đình nông dân, từ nhỏ tôi đã có ước mơ xây dựng một trang trại tự cung, tự cấp các sản phẩm thiết yếu hằng ngày. Năm 2013, thấy nghề chăn nuôi bò sữa rất phát triển nên vợ chồng tôi quyết định trở về quê lập nghiệp. Sau một năm, gia đình tôi đã có 30 con bò sữa với sản lượng sữa 700 kg/ngày mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Năm 2014, tôi thành lập Công ty cổ phần Sữa Hà Nam nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm được chế biến từ nguồn sữa tươi thanh trùng: sữa tươi, sữa chua, các loại bánh kẹo từ sữa với 10 công nhân, mức lương khoảng 3,5 triệu đ/tháng. Đầu năm 2018, chúng tôi đã nghiên cứu thành công quy trình chăn nuôi bò sữa sạch với tiêu chí: không sử dụng cám công nghiệp, không hoóc-môn tăng trưởng, không thức ăn biến đổi gen, không chất bảo quản, hương liệu, không tồn dư kháng sinh, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Số lượng công nhân cũng tăng lên hơn 30 người với mức lương trung bình 5,8 triệu đồng/tháng.

hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet nam
Chủ Cơ sở Mầm non Tư thục Bình Minh, Bắc Ninh Đỗ Thị Nhị

Chị Đỗ Thị Nhị “Gieo mầm yêu thương để chắp cánh cho những ước mơ xanh”: Từ khi là sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), Nhị đã mở lớp dạy ở nhà cho các bé chậm nói. Năm 2017, Cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh ra đời. Đây là môi trường giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt ưu tiên cho con công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như một cách chia sẻ với các gia đình có con bị khuyết tật trí tuệ.

Hiện nay, cơ sở có 50 trẻ theo học, lúc cao điểm có 70 trẻ. Nhiều trường hợp, Nhị tự nguyện dạy thêm, đề nghị tách trẻ khỏi gia đình để dạy và đã mang đến niềm vui, những giọt nước mắt hạnh phúc cho các gia đình khi thấy các bé dần biết nói, có thể giao tiếp, tự bước cầu thang, biết viết những nét chữ đầu tiên... Trong số 200 trẻ theo học đã có gần 50 bé "tốt nghiệp", có thể hòa nhập tốt với cuộc sống, là động lực to lớn giúp Nhị vượt mọi khó khăn để mang lại niềm tin và hy vọng cho những trẻ em khuyết tật trí tuệ.

hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet nam

Chị Sùng Thị Sy, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp thôn Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) “Giúp phụ nữ Mông thoát nghèo từ nghệ dệt lanh truyền thống”: Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp (hợp tác xã Lanh Trắng) được thành lập ngày 23/11/2017 với 15 thành viên, số vốn ban đầu là 500 triệu đồng. Tham gia hợp tác xã, các thành viên được tập huấn, nâng cao tay nghề, được phân công nhiệm vụ theo các khâu: dệt, may, thêu, nhuộm... Sản phẩm chủ yếu là thổ cẩm từ cây lanh có màu sắc đẹp, đường nét tinh xảo và độ bền cao, trải qua trên 40 công đoạn, đặc biệt việc nhuộm sợi vải hoàn toàn bằng các loại lá cây, củ quả và sáp ong. Các sản phẩm được cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ bằng song ngữ.

Đến nay, hợp tác xã đã giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là chị em bị bạo lực, bị mua bán trở về, phụ nữ tàn tật với khoảng 50 chị có việc làm thêm tăng thu nhập, trong đó 20 thành viên hợp tác xã có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, hơn 30 chị thành viên liên kết có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet nam

Giám đốc Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương Nguyễn Thị Thu Thương “Gieo niềm tin cho những người đồng cảnh”: Tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày dài với những giọt nước mắt đau đớn khi hết lần này đến lần khác bị gãy xương và không thể đến trường. Nhìn bố mẹ vất vả, tôi vẫn ước mơ làm được cái gì đó để phụ giúp gia đình.

Tình cờ biết đến Trung tâm dạy nghề "Vì ngày mai", tôi xin bố mẹ cho đi học nghề. Sau 3 tháng, tôi đã tự mình hoàn thiện được sản phẩm đầu tiên, rồi tự mày mò làm ra nhiều sản phẩm khác: đèn bàn, áo len, lọ hoa... Khi có một lượng khách ổn định, tôi mở lớp dạy nghề cho các bạn cùng hoàn cảnh vì nghĩ sẽ giúp các em tìm lại niềm vui và ý nghĩa cuộc sống bằng chính sức lao động sáng tạo của bản thân. Ban đầu các em mang đồ về nhà làm, sau đó gửi sản phẩm cho tôi bán. Một thời gian sau đủ tiền tích góp, tôi xây Trung tâm đón các em về sinh hoạt, học nghề tại chỗ.

hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet nam

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, sáng lập thương hiệu Ingo với sản phẩm tranh in gỗ dành cho trẻ em, TP Hồ Chí Minh “Khi chặng đường nhiều chướng ngại vật”: Việc tiếp cận với nghệ nhân để tìm hiểu về quá trình làm tranh Đông Hồ cũng là một thách thức. Do họ muốn giữ bí kíp gia truyền nên khi mình hỏi chi tiết quá thì đều nhận được câu trả lời là "không thể chia sẻ được". Tôi phải tự mày mò nhiều thứ, đơn giản như cách khuấy hồ để dùng trước khi in tranh.

Việc làm các bản khắc cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Ban đầu chúng tôi cho các bé in tranh "Bé ôm gà" và "Nhảy dây" bởi nó gắn với văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng khi mang ra cho các bé làm thì bản khắc của hai bức tranh này quá to và nặng so với tay của các bé nên các bản khắc đều phải điều chỉnh lại. Hay tâm lý trẻ em cũng khác với suy nghĩ của chúng ta bởi ai cũng nghĩ tranh trò chơi dân gian là phù hợp nhưng khi đưa ra các bé lại đều thích in tranh con vật".

Nguyễn Hoan

hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet namPV GAS tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam
hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet namCông đoàn PV Drilling kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam
hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet namGiật mình những món quà “khủng” ngày 20/10
hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet namTrưng bày “Báo chí Phụ nữ Việt Nam xưa và nay” tại Hội chợ sách cũ tháng 10
hanh trinh khoi nghiep ton vinh phu nu viet namTôn vinh 15 tập thể, cá nhân đạt giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc