Hàng Việt “gặp khó” trên thị trường nội địa
Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trong 6 tháng đầu năm, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Hiện nay, hàng Việt đang gặp khó khăn trên thị trường nội địa bởi sự cạnh tranh khốc liệt trên tất cả các kênh phân phối.
Để giải quyết hàng tồn kho, một số doanh nghiệp chọn phương án mở rộng thị trường đến khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thị trường nông thôn ngày càng khó tiêu thụ hàng hóa vì nông dân thất thu, giá nông sản giảm, người dân thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, hiện nay đã qua thời kỳ tổ chức “phong trào” đưa hàng Việt về nông thôn nên nhiều địa phương chỉ tổ chức lấy lệ, không hợp tác nhiệt tình với các đơn vị tổ chức. Các chuyến hàng về nông thôn ngày càng kém hiệu quả, dẫn đến doanh nghiệp cũng không mặn mà với thị trường này.
Đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng khó khăn
Kênh siêu thị, lâu nay vẫn được “tung hô” rằng hàng Việt chiếm từ 80 – 90% ở kênh phân phối này. Tuy nhiên, theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt bán ở các siêu thị cũng đang gặp khó khăn bởi hiện nay ở các siêu thị chủ yếu là hàng hóa của các công ty đa quốc gia và hàng nhãn riêng của siêu thị, doanh nghiệp Việt muốn bán hàng bằng thương hiệu của mình thì hết sức khó khăn do không cạnh tranh nổi với hai đối tượng này. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận làm gia công cho các công ty đa quốc gia và siêu thị.
Về phân khúc chợ truyền thống, tưởng là kênh gần gũi và phát huy hiệu quả cho việc phân phối cho sản phẩm Việt, song hiện nay ở kênh này, hàng hóa của các công ty đa quốc gia cũng phủ kín không gian trưng bày. Còn ở phân khúc thấp hơn thi hàng Trung Quốc, hàng không xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan. Do đó, hàng Việt rất khó khăn để tranh giành thị trường.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng: Hiện nay, khi đầu ra còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải chống chọi bằng cách cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, đổi mới công nghệ và quản trị để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. Tuy nhiên, bài toán này đang hết sức nan giải với các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực còn nhiều hạn chế.
Mai Phương
-
Bộ Công Thương công bố Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
-
Tiêu thụ vàng của Trung Quốc giảm gần 6% trong quý I/2025
-
Liên minh Trung Quốc - EU bù đắp khoảng trống của Mỹ trong cuộc chiến về khí hậu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 29/4: Ấn Độ mua lượng kỷ lục dầu pha trộn ESPO của Nga
-
Tin tức kinh tế ngày 28/4: Xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4/2025 tăng 16,5%