Hàng hóa Việt Nam sẵn sàng với các vụ kiện phòng vệ thương mại
Giữ môi trường cạnh tranh bình đẳng
Quy mô xuất khẩu, nhập khẩu tăng nhiều lần trong hơn 10 năm qua của Việt Nam cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của ta đã cao hơn, hàng hóa của ta đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Phía ngược lại, hàng hóa nhập khẩu cũng vào nước ta nhiều hơn và cạnh tranh khá quyết liệt với hàng của chúng ta. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam đã và đang đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
(![]() |
Hàng Việt Nam đang tạo dựng uy tín tốt tại thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản. |
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho hay, bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh, khả năng đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM là không tránh khỏi.
Theo đó, các vụ việc PVTM của nước ngoài với hàng xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Trước giai đoạn 2005 chỉ có 52 vụ, nhưng từ 2005 đến nay, tổng cộng đã có 208 vụ việc liên quan PVTM được các nước khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng xuất khẩu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi một số nước có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lại sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ một số khu vực đang bị áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm...
Phát biểu tại Hội nghị cung cấp thông tin về PVTM cho các cơ quan báo chí, tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM (như thép, nhôm, thậm chí là tôm).
Cũng theo Thứ trưởng Khánh, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua - nhờ tác động tích cực của tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
Cùng doanh nghiệp PVTM
Ở chiều ngược lại, mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới với Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.
![]() |
Là nền kinh tế mới nổi nên hàng Việt đang là tâm điểm của các vụ kiện PVTM. |
Tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. Đối tượng là các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân DAP, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi và gần đây nhất là đường.
Các biện pháp này đã góp phần "lập lại môi trường cạnh tranh công bằng" và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, với vai trò của các biện pháp PVTM trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương nhất quán, xuyên suối đối với công tác PVTM. Gần đây nhất, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”.
Về phía doanh nghiệp, việc chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu, hồ sơ và phối hợp cùng cơ quan điều tra PVTM sẽ giúp họ giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, sau những vấp váp ban đầu, một số hiệp hội doanh nghiệp đã thành thục trong công tác ứng phó, có thể kể đến như các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, thép, dệt may, da giày…
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc doanh nghiệp chủ động trong việc PVTM cũng có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của nhà nhập khẩu vì chính quyền lợi của họ. Qua những sự việc cụ thể, trình độ hiểu biết về PVTM và cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện. Trên thực tế thực tế, khoảng 20-22% vụ điều tra chống bán phá giá không đi tới kết quả áp thuế.
Có thể thấy rằng, để bước ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp vẫn cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị khởi kiện. Mặt khác, cần luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, tuyệt đối không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM.
P.V
-
Tin tức kinh tế ngày 12/11: Hàng Việt chiếm tỷ lệ 80% tại các siêu thị
-
Tin tức kinh tế ngày 11/9: Huy động trái phiếu chính phủ đạt gần 60% kế hoạch
-
Tin tức kinh tế ngày 20/7: Xuất khẩu trứng cá tăng trưởng đột biến
-
Tin tức kinh tế ngày 4/7: Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu sang thị trường Australia
-
Tin tức kinh tế ngày 27/6: Giá USD tự do lập đỉnh mới
-
Tin tức kinh tế ngày 11/4: Thu nhập bình quân của người lao động tăng 9,5%
-
Nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước
-
Hội đồng Vàng thế giới: Dòng tiền đầu tư đang chảy mạnh vào vàng
-
Phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tiếp tục giữ sắc đỏ