Hàng Châu bỗng biến thành “thành phố ma” trước giờ G20 khai mạc

17:13 | 03/09/2016

3,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc – nơi sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày (4 – 5/9), vào hôm nay (3/9) gây cảm giác giống như một “thành phố ma”, bởi sự vắng vẻ, im ắng, khác hẳn với không khí nhộn nhịp thường thấy ở thành phố 9 triệu dân này.
tin nhap 20160903165134
Những con phố vắng bóng người với hàng rào chắn dựng giữa đường là khung cảnh phổ biến ở Hàng Châu trước ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20

Theo ghi nhận của Reutes, vào đêm trước của Hội nghị thượng đỉnh G20 – sự kiện trọng đại mà Trung Quốc lần đầu đăng cai tổ chức, phần lớn đường giao thông và các trung tâm xung quanh các địa điểm chính ở trung tâm thành phố Hàng Châu trở nên trống vắng, chỉ lác đác một ít xe chạy trên đường, trong khi các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa và khóa trong khóa ngoài.

Các hoạt động xây dựng trên những công trình còn dang dở cũng ngừng lại – điều hiếm thấy ở một đất nước mà người lao động thường xuyên làm việc suốt ngày đêm.

Hơn 200 nhà máy thép ở các huyện lân cận đã bị đóng cửa, để hạn chế ô nhiễm trong những ngày diễn ra hội nghị.

Thậm chí, các nhà máy thép ở các tỉnh lân cận như Giang Tô, An Huy, Sơn Đông và Chiết Giang cũng đã được ra lệnh hạn chế, hoặc tạm ngưng sản xuất vì chất lượng không khí được coi là không đủ tốt.

Đến ngày hôm nay, chỉ số chất lượng không khí ở Hàng Châu là 76, thuộc loại “tốt”, nhưng vẫn thua xa chỉ số không khí ở Bắc Kinh, đang ở mức “xuất sắc” với chỉ số 25.

Chính quyền Hàng Châu cũng đã cho người dân nghỉ một tuần trong dịp thành phố bận bịu tổ chức sự kiện lớn này. Không những vậy, chính quyền còn đóng cửa thắng cảnh Tây Hồ nổi tiếng của Hàng Châu và khuyến khích dân đi du lịch ở bên ngoài thành phố, bằng cách phát các phiếu du lịch miễn phí với giá trị lên tới 10 tỉ nhân dân tệ (1,5 triệu USD).

Một số nhà hàng còn tiết lộ, các đầu bếp là người Tân Cương của họ, đã được “mời” về nhà “chơi” cho qua đợt hội nghị này, vì “cẩn tắc vô áy náy” với xuất thân của họ. Điều này không khó hiểu bởi lâu nay, chính phủ Bắc Kinh vẫn thường đổ lỗi cho những phần tử Hồi giáo cực đoan đến từ vùng Tân Cương đã thực hiện các cuộc tấn công, gây bạo loạn ở khu vực đó.

Cuối tuần qua, cảnh sát Hàng Châu đã tiến hành kiểm tra an ninh trên đường phố. Lực lượng bảo vệ tình nguyện cũng được tăng cường để tuần tra thường xuyên. Phóng viên nước ngoài không được phép quay phim ở khu vực dân cư.

“Mọi thứ bây giờ có một chút bất tiện. Nhưng bạn có thể hiểu lý do tại sau. Lãnh đạo từ 20 quốc gia quan trọng nhất của thế giới đang đến dự hội nghị thượng đỉnh lớn này, và tất cả chúng tôi cần phải đảm bảo an ninh cho người nước ngoài. Chúng tôi cần phải thể hiện bộ mặt xinh đẹp nhất của Hàng Châu cho toàn bộ thế giới” – ông Liu Wenchao – một đại lý bất động sản ở Hàng Châu nói với Reuters.

Trung Quốc lần đầu tiên được là nước chủ nhà của một hội nghị thượng đỉnh G20. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô rằng đây là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hình thành quy tắc quản trị toàn cầu và vượt lên với tốc độ tăng trưởng toàn cầu bền vững. Tờ Nhân dân nhật báo tuyên bố hội nghị G20 lần này sẽ là một trong những hội nghị hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang lo ngại nhiều khả năng các cuộc đàm phán này sẽ bị phủ bóng bởi những tranh cãi trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và bảo hộ mậu dịch. Trung Quốc luôn khẳng định họ không muốn những vấn đề trên phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh G20, một sự kiện quốc tế quan trọng có sự tham gia của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo trên thế giới.

Chùm ảnh về Hàng Châu ngày 3/9/2016 - trước giờ Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc:

tin nhap 20160903165134
Thắng cảnh Tây Hồ nổi tiếng hút khách du lịch ở Hàng Châu cũng bị đóng cửa trong dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20
tin nhap 20160903165134
Người dân Hàng Châu được chính quyền cho nghỉ 1 tuần và khuyến khích đi du lịch bên ngoài thành phố trong dịp diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20
tin nhap 20160903165134
Đội bảo vệ danh dự đứng ở sân bay Tiêu Sơn, Hàng Châu chờ đón các lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20
tin nhap 20160903165134
Cảnh sát bán quân sự túc trực bảo vệ địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20
Trung Quốc hăm dọa Ấn Độ trước thềm Thượng đỉnh G20
Mưu đồ của Trung Quốc ở hậu Thượng đỉnh G20?
Nhiều nước tuyên bố nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị G20

Linh Phương