Hà Nội tiếp tục “cắt ngọn” tòa 8B Lê Trực, nhiều người lo mất nhà

21:10 | 14/02/2020

366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin quận Ba Đình (TP Hà Nội) chuẩn bị lắp cẩu tháp để tháo dỡ tầng 17 và 18 tòa nhà 8B Lê Trực khiến các hộ dân hoang mang vì đã đóng cho chủ đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn bị mất nhà.

Ngay sau buổi thông tin báo chí của UBND quận Ba Đình về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực, trong đó có việc phá dỡ tầng 17 và 18, hàng chục hộ dân hoang mang gửi đơn kiến nghị tới lãnh đạo TP Hà Nội để đảm bảo quyền lợi vì đã bỏ hàng tỷ đồng ra mua nhà nhưng không được về ở.

Trong đơn kiến nghị, chủ căn hộ ở tòa nhà 8B Lê Trực cho biết, sau khi ký hợp đồng mua nhà hợp pháp và đã thanh toán đến 90% giá trị hợp đồng để giữa năm 2015 được vào ở, tòa nhà bất ngờ bị cưỡng chế. Đến nay, đã sang năm thứ 5 công trình vẫn nằm chờ quận Ba Đình và TP Hà Nội xử lý, trong khi người dân không thể tiếp cận với tài sản của mình vì bị phong tỏa ngay từ hàng rào.

“5 năm qua chúng tôi gửi nhiều đơn kiến nghị từ TP lên các cơ quan Trung ương, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời bao giờ các cơ quan chức năng xử lý xong vi phạm trật tự tại tòa nhà và chúng tôi được về ở”, đơn kiến nghị của người dân sở hữu căn hộ ở tòa nhà 8B Lê Trực nêu.

Tại buổi thông tin báo chí này 12/2, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình - cho biết, cơ quan chức năng đang chuẩn bị cho lắp cẩu tháp để cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực gồm tầng 17 và 18. Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị TP Hà Nội, các chủ căn hộ ở tòa nhà này cho biết, việc phá dỡ 2 tầng này là không có cơ sở pháp lý.

Hà Nội tiếp tục “cắt ngọn” tòa 8B Lê Trực, nhiều người lo mất nhà
Hà Nội đang xây dựng phương án cắt tiếp 2 tầng trên cùng tòa nhà 8B Lê Trực

Người mua nhà cho rằng, tầng 17 và 18 được phép xây dựng theo quy hoạch chi tiết 1/500, cũng như giấy phép xây dựng. Do vậy, cư dân cho rằng, các căn hộ ở hai tầng này là tài sản của người mua nhà, cần được pháp luật bảo hộ. Ngoài ra, tầng 17 và 18 không phải là tầng vi phạm được nêu trong quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế năm 2016.

Tại buổi thông tin báo chí, nói về những chậm trễ trong quá trình cưỡng chế tòa nhà 8B Lê Trực, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thừa nhận chủ đầu tư có phản biện về tính bất hợp lý trong giấy phép xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư cho rằng, công trình thuộc loại miễn giấy phép xây dựng vì đã có quy hoạch 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 12/2008.

Theo quy hoạch, công trình được xây 20 tầng với tổng chiều cao 70 m. Năm 2010, chủ đầu tư triển khai xây dựng xong phần móng thì bị UBND quận Ba Đình đình chỉ, yêu cầu bổ sung giấy phép xây dựng. Công trình bị đình hoãn đến tháng 3/2014 mới được cấp giấy phép. Tuy nhiên, khi xây dựng chủ đầu tư không xây theo chỉ tiêu cho phép mà vẫn bám theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt.

Khi vụ 8B Lê Trực được khơi ra vào cuối năm 2015, thực tế công trình đã xây dựng 20 tầng (tính cả tầng tum thang), xây lố hai tầng so với giấy phép và quá diện tích sàn khi phần trên của toà nhà không xây giật cấp tạo khoảng lùi vào bên trong. “Giấy phép xây dựng này lập theo đề xuất của chủ đầu tư, Sở Xây dựng căn cứ vào đó để cấp”, ông Chiến nói.

Về câu hỏi của báo chí vì sao UBND quận Ba Đình lại ra quyết định cưỡng chế cắt ngọn toà nhà dựa trên căn cứ là giấy phép xây dựng có chỉ tiêu xây dựng cấp sai mà không dựa vào quy hoạch 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để có tính “nhân văn” hơn? Ông Chiến nói: “Quy hoạch chỉ đưa ra những giới hạn về chỉ tiêu xây dựng, còn giấy phép xây dựng cấp cho dự án để cụ thể hoá các chỉ tiêu giới hạn đã được quy hoạch đặt ra. Chủ đầu tư đã xây dựng vượt số tầng, diện tích sàn so với giấy phép nên chúng tôi căn cứ vào đó để xử lý”.

Trước những vấn đề trên, ông Lê Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Lê Trực (chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực) khẳng định các tầng 17 và 18 đều có trong giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp. Vì vậy, các căn hộ tại hai tầng này là tài sản hợp pháp đã bán cho người dân nên thuộc quyền sở hữu của người dân. Do đó cả phía chính quyền và doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho các hộ dân mua nhà tại đây.

“Chúng tôi mong có một cuộc làm việc có cả phía chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, người dân… để tháo gỡ vướng mắc này. Nhưng rất tiếc, suốt 5 năm qua chưa có một cuộc làm việc nào như vậy được diễn ra”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời điểm khi dự án bị đình chỉ thi công, đơn vị này có kiến nghị đến cơ quan chức năng và được cấp sở của Hà Nội hướng dẫn thủ tục cấp phép. Cụ thể, cấp sở của Hà Nội hướng dẫn lập phương án thiết kế kiến trúc và cấp giấy phép xây dựng là 18 tầng nhưng chỉ cao 53 m.

Theo Dân trí