Hà Nội: Động đất 4 độ richter, nhiều nơi rung lắc

10:21 | 25/03/2024

398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng 25/3, nhiều người dân ở một số khu vực thành phố Hà Nội cho biết họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc do dư chấn của trận động đất 4 độ richter vừa xảy ra tại huyện Mỹ Đức.
Hà Nội bác thông tin 3 tòa nhà cao tầng bị nghiêng sau động đấtHà Nội bác thông tin 3 tòa nhà cao tầng bị nghiêng sau động đất
Sơn La: Động đất 3,2 độ gây rung lắc tại Mộc ChâuSơn La: Động đất 3,2 độ gây rung lắc tại Mộc Châu
Hà Nội: Động đất 4 độ richter, nhiều nơi rung lắc
Bản đồ chấn tâm trận động đất xảy ra tại huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. (Nguồn: Viện VLĐC)

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất ở Hà Nội. Theo đó, vào lúc 8 giờ 5 phút 35 giây sáng nay, một trận động đất có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km đã xảy ra tại vị trí thuộc huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Người dân sống trong khu vực tâm chấn có thể cảm nhận được rung lắc nhẹ từ trận động đất này. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho biết, thành phố Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy, nơi đã từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ richter. Thông thường, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,3 độ richter ở thành phố Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây hơn 700 năm (1285).

Chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội là vùng có nền đất không tốt nên động đất cấp 8 cũng có nguy cơ. Lý do bởi nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy (đới động đất này đi qua thành phố Hà Nội) với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6, thì khả năng tác động trong tự nhiên cũng có thể lên tới cấp độ 8. Do vậy trong xây dựng, Hà Nội cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân.

Những trận động đất từ 5-6 độ trở lên là động đất trung bình, có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai. Từ 6 trở lên là động đất lớn, nguy cơ rủi ro thiên tai rất cao.

Theo quy định, ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn; bảo đảm an ninh, trật tự khu vực.

Với người dân, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Hiện tại, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang theo dõi diễn biến động đất tại khu vực huyện Mỹ Đức, để thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương.

G.M (t/h)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan