Hà Nội: Bao giờ rác thải biến thành tài nguyên?

15:02 | 27/08/2017

2,105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND TP Hà Nội đang tập trung rà soát lại quy trình thu gom rác thải của thành phố, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. 

UBND TP Hà Nội vừa có Thông báo số 949/TB-UBND với kết luận của Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về việc “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”. Theo đó, UBND thành phố chủ trương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường thủ đô bằng các biện pháp như: rà soát lại đơn giá, định mức thu gom rác; nghiên cứu việc đặt thùng gom, thời gian thu gom rác phù hợp để không gây ô nhiễm tại các điểm dân cư; đẩy nhanh giải quyết các thủ tục đầu tư để khởi công từ 1 đến 2 nhà máy xử lý rác trong năm 2017.

Hết chỗ chôn lấp

Hiện nay, 95% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Nhưng đã đến lúc không thể sử dụng biện pháp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường này nữa. Trên thực tế, biện pháp chôn lấp rác thải cũng rất tốn kém. Chính vì thế mà phương hướng tìm cách xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến đang được UBND thành phố coi là vấn đề cấp thiết.

ha noi bao gio rac thai bien thanh tai nguyen
Dây chuyền xử lý rác thải

Nhắc tới việc chôn lấp rác thải của thủ đô, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Có câu nói đùa nhưng rất thật rằng: “Muốn tìm đường đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn thì chỉ cần đi theo thính giác”. Đó cũng chính là nỗi khổ bao năm nay của người dân sinh sống ở địa phận quanh khu vực này gồm các xã như Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ. Không chỉ ô nhiễm về không khí, mà quan trọng hơn còn là ô nhiễm nguồn nước, quanh năm sinh hoạt trong… màn để chống chọi với nạn ruồi muỗi. Người dân khu vực chịu ô nhiễm này thi thoảng lại bức xúc chặn đường, ngăn cản xe chở rác đi vào khu liên hợp bởi không chịu nổi sự ô nhiễm.

Ông Ðỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Ðã có nhiều kiến nghị về việc di dân ra ngoài vùng bán kính 1.100m quanh bãi rác. Ðến thời điểm hiện nay, huyện cũng đang lập các dự án tái định cư trên cơ sở số liệu do các xã thông qua nguyện vọng được di dời chỗ ở của nhân dân. UBND thành phố cũng đã giao UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m, khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để sớm di chuyển các hộ dân.

Sử dụng công nghệ hiện đại

UBND thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ hiện đại, đồng thời giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống còn 30%. Phấn đấu đến năm 2019 sẽ có nhà máy đốt rác chuyển thành năng lượng.

ha noi bao gio rac thai bien thanh tai nguyen
Hiện mỗi ngày thành phố phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt

Tiếp đến là dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện do Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng Nhật Bản (NEDO) tài trợ. Đây là phương án áp dụng công nghệ tiên tiến, biến chất thải công nghiệp thành nhiên liệu chạy máy phát điện, đang hiệu chỉnh hệ thống trang thiết bị trước khi vận hành. Tuy nhiên, công suất của nhà máy nhỏ, chỉ xử lý được 75 tấn rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại/ngày. Với công suất này thì không đáp ứng được việc xử lý tổng lượng rác mỗi ngày của thành phố.

TS Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp”.

Trên thực tế, phương án ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thành điện năng đã được TP Hồ Chí Minh thực hiện với việc xây dựng Nhà máy Điện rác Gò Cát. Công nghệ điện rác có ưu điểm là có thể xử lý chất thải rắn mà không cần phân loại trước. Tuy nhiên, để vận dụng cách này thì cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải đô thị. Mà việc cần làm nhất hiện nay, nhằm giảm mức tốn kém về chi phí đầu tư lẫn vận hành là phải phân loại rác tại nguồn. Nếu thực hiện được khâu này thì phương án xử lý hợp lý nhất là sẽ có một lượng rác tái chế trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, còn lượng rác hữu cơ sẽ được làm thành phân bón phục vụ nông nghiệp, thay vì phần lớn đều chôn lấp như hiện tại.

Thống kê của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho thấy, hiện mỗi ngày thành phố phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ đạt 72%. Ngoài hai khu xử lý chất thải quy mô lớn là Nam Sơn và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), cùng một số bãi rác quy mô nhỏ hơn là: Núi Thoong (huyện Chương Mỹ), Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)... thành phố cũng đã đưa vào hoạt động Nhà máy Chế biến rác thải Cầu Diễn và Seraphin Sơn Tây. Tuy nhiên, hai nhà máy này chủ yếu tái chế chất thải rắn nên việc xử lý chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng chất thải hằng ngày.

Trước thực trạng này, UBND thành phố đang đẩy nhanh tiến độ “hiện thực hóa” giấc mơ “biến rác thành tài nguyên”. Và người dân thủ đô, đặc biệt là người dân sống trong khu vực gần các khu xử lý rác Nam Sơn, Xuân Sơn… cũng vô cùng trông đợi các dự án được triển khai để giải thoát họ khỏi những hiểm họa thường trực mỗi ngày.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến: Trong số gần 3.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý mỗi ngày, có tới 3.670 tấn (xấp xỉ 95%) được chôn lấp. Chưa kể, với Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, mỗi ngày còn tiếp nhận hàng chục tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại như vải vụn, nhựa, dầu thải, chất thải y tế, phải sử dụng lò đốt loại nhỏ để hóa rắn trước khi chôn lấp.

Ngân Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc