GS. Võ Tòng Xuân: Tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn với đầu ra nông sản

11:14 | 19/06/2019

331 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thách thức lớn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đó chính là thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm, chưa quy hoạch tổng thể được cơ cấu ngành cho toàn vùng và thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch.    
Giá lợn hơi tăng "chóng mặt", nông sản gặp khó tại thị trường Trung Quốc
6 thách thức lớn của ngành tiêu thụ nông sản
GS.TS Võ Tòng Xuân: Xóa bảo hộ đột ngột ngành mía đường… sẽ nguy!

Đó là nhận định của GS. Võ Tòng Xuân trong khuôn khổ Diễn đàn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/6, tại TP HCM.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, việc sản xuất ra không biết bán cho ai, giá cả ở mức nào khiến nông dân e ngại khi chuyển đổi cây trồng theo khuyến nghị. Song song đó, lại tồn tại tình trạng chuyển đổi một cách tự phát, không theo quy hoạch vùng dẫn đến dư thừa sản lượng, trong khi khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển khiến lượng nông sản dư thừa bị đổ bỏ, gây thiệt hại lớn về kinh tế của người trồng và bất ổn về thị trường.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người nông dân, phải xây dựng được thị trường tiêu thụ nông sản có thể điều chỉnh theo quy luật cung cầu. Theo đó, cần có quy hoạch tổng thể các vùng nuôi trồng chuyên canh cấp khu vực để hạn chế tình trạng quy hoạch chồng lấn giữa các địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự. Đồng thời, phát triển kinh tế tập thể và tăng cường hiệu quả liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản. Song song đó, phải đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến để tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản.

GS. Võ Tòng Xuân: Tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn với đầu ra nông sản
Thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm khiến nông dân e ngại khi chuyển đổi cây trồng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016 -2018, thực hiện trái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%), đóng góp 34,6 GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng. Đồng thời tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD.

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh, tăng thủy sản, trái cây và giảm lúa. So với năm 2015 diện tích gieo trồng lúa giảm từ 4.302.000ha xuống còn 4.107.000ha (giảm khoảng 195.000 ha) tỷ trọng giá trị sản xuất lúa gạo trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 27,7% xuống 26,4%, trong khi đó diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.700ha lên 803.300ha, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 35,4% lên 42%; diện tích trái cây tăng từ 308.600 ha lên 347.600ha, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trái cây tăng từ 9,1% lên 10,2%.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất ở Đồng bằng Sông Cửu Long được đánh giá là còn chậm, chưa có nhiều chuỗi giá trị hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản nên chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai của vùng chưa được cải thiện nhiều khi các mô hình thích ứng còn mang tính tự phất, nhỏ lẻ, chưa có đủ cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng.

M.P