GS Trần Xuân Nhĩ: Cần thay đổi tư duy trong cách dạy và học

06:58 | 08/08/2013

1,005 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chia sẻ với phóng viên PetroTimes về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đã học là phải có đánh giá bằng thi cử, tuy nhiên cần điều chỉnh lại cách đánh giá chất lượng học sinh như hiện nay.

>> Thi tốt nghiệp THPT: Nên bỏ hay nên giữ?

>> “Nếu không thi tốt nghiệp THPT, chất lượng dạy và học sẽ đi xuống”

“Đã học là phải thi”

Về quan điểm nên xem xét lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra trong Hội nghị “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức, GS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: “Theo ý kiến của tôi, đã học thì phải có đánh giá, phải có chứng chỉ, bởi thi phổ thông trên thế giới này không nước nào bỏ cả. Tuy nhiên, vấn đề là đánh giá như thế nào cho thực chất”.

Hiện nay, cách đánh giá chất lượng học sinh của Bộ GD-ĐT đang bị coi là không thực chất, tốn kém và gây căng thẳng cho học sinh, phụ huynh. Vì thế, GS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, việc mà các nhà quản lý giáo dục cần làm không phải là hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi này.

GS phân tích, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang áp dụng cách đánh giá trong “thời điểm”, nghĩa là dồn quá nhiều áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp diễn ra trong 3 ngày, gói gọn trong 6 môn. Thêm vào đó, bởi tính chất quan trọng của kỳ thi này, nhiều địa phương đã cố tình “mắt nhắm mắt mở” cho những tiêu cực, bệnh thành tích có cơ hội phát triển, dẫn đến tình trạng học giả dối và thi giả dối.

GS Trần Xuân Nhĩ cho rằng không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vì thế theo GS, việc cần làm hiện nay không phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần nhìn nhận lại cách đánh giá kỳ thi này: “Tôi nói phải đổi mới cách đánh giá, đổi mới mà không tốn tiền lại có chất lượng. Trước kia chúng ta chỉ đánh giá học sinh vào một thời điểm, chọn một số môn vào thời điểm để đánh giá thì học sinh không cần học. Mười mấy môn học mà đánh giá có 6 môn qua kỳ thi tốt nghiệp, học mà không đánh giá thì học sinh rõ ràng cần gì phải học”.

GS phân tích, cách đánh giá mới sẽ buộc học sinh phải học và cần phải cố gắng đạt kết quả cao trong cả 3 năm học THPT, bên cạnh đó, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm một phần nhỏ chứ không mang ý nghĩa quyết định như hiện nay.

Đồng thời, để hạn chế những sự “cồng kềnh, tốn kém” mà hình thức tổ chức thi như hiện nay mang lại, GS Trần Xuân Nhĩ cũng gợi ý: “Nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn cho địa phương, cho các Sở GD-ĐT và các trường THPT thực hiện. Cần giao toàn quyền và phải tin vào cơ sở để tự chủ tổ chức sát hạch tốt nghiệp THPT”.

Về phía Bộ GD-ĐT, GS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, Bộ GD-ĐT giao quyền cho các địa phương nhưng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra để hạn chế đến mức tối đa những tiêu cực trong công tác tổ chức thi cử. Ông cho biết: “Bộ nên tổ chức thanh tra, kiểm tra cả thường xuyên và ngẫu nhiên, tăng các chế tài xử phạt những trường hợp sai phạm. Đồng thời cũng cần giáo dục ý thức và trách nhiệm cơ sở để đạt hiệu quả cao nhất”.

Theo GS, hiện nay Bộ GD-ĐT đã tổ chức phân ban ở cấp THPT, nhưng cần nghiên cứu cách phân luồng học sinh thật hiệu quả. Ông đưa ra ví dụ: “Sau khi phân ban, tổ chức đánh giá quá trình, toàn phần, chúng ta sẽ lấy 40% học sinh giỏi đưa vào các trường ĐH; 30% học sinh trung bình vào các trường THPT có nghề, nghĩa là sau khi tốt nghiệp các trường này, học sinh có thể đi làm ngay và 30% học sinh học lực yếu vào các trường đào tạo nghề. Như vậy, học sinh sẽ phải cố gắng học tập ngay từ những năm THPT để vào được ĐH, và các trường ĐH cũng có thể lựa chọn được những sinh viên tốt nhất mà không gây áp lực nhiều cho học sinh”.

Cần thay đổi tư duy học tập

Về tình trạng tiêu cực trong thi cử diễn ra thường xuyên trong vài năm trở lại đây, GS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: “Tiêu cực là do tư duy học tập chúng ta xác định chưa đúng đắn. Hiện nay rất nhiều người đang tư duy “học để lấy bằng, học vì bằng cấp”, điều này là hoàn toàn sai trái và dẫn tới những gian dối, tiêu cực trong dạy và học tại các trường, các địa phương hiện nay”.

Theo GS, điều chúng ta cần làm không phải là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà là thay đổi tư duy giáo dục và tư duy học tập, nghĩa là phải hiểu được việc học để làm gì? GS nhắc tới mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Điều này cần thay đổi ngay từ học sinh và các thầy, cô giáo, phải xóa bỏ tư duy bằng cấp và suy nghĩ học để báo cáo lấy thành tích mà phải học lấy thực chất, để tăng cường hiểu biết của từng học sinh.

Tiêu cực trong thi cử xuất phát từ tư duy bằng cấp quá nặng nề.

Để thay đổi tư duy học tập, GS Trần Xuân Nhĩ chỉ ra điều cốt lõi là cần thay đổi cách dạy và cách học trong nhà trường hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Các thầy, cô giáo cần bỏ cách dạy kiểu đọc – chép truyền thống mà cần gợi mở vấn đề cho học sinh tự nghiên cứu, tự phản biện và giáo viên chỉ có nhiệm vụ tổng hợp và giải đáp các vướng mắc trong bài học. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên tăng cường dạy các kỹ năng, chứ không chỉ gói gọn trong việc dạy kiến thức, như kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống, lên kế hoạch, thuyết trình… Ví dụ, với bài học về Hai Bà Trưng, giáo viên nên tổ chức thành nhóm học sinh, yêu cầu tìm hiểu và thuyết trình, ngoài ra phản biện và trao đổi lẫn nhau. Sau khi kết thúc bài học, giáo viên sẽ hệ thống lại lý thuyết. Có như vậy, các thầy cô sẽ không phải truyền thụ một chiều kiến thức mà sẽ có sự tương tác với học sinh”.

GS Trần Xuân Nhĩ cũng chỉ ra, trước đây, quan niệm học tập của chúng ta là “học một lần, sống cả đời”, vì thế nên chương trình học có nhiều môn rất nặng. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” do Bộ GD-ĐT trình lên, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm này trở thành “học những điều cơ bản trong từng giai đoạn và phải học tập suốt đời”.

GS cũng nhấn mạnh, chỉ khi thay đổi được tư duy học tập thì những thay đổi về sách giáo khoa, về phương pháp dạy – học hay công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh… mới thực sự phát huy được hiệu quả. Một khi tư duy bằng cấp vẫn còn tồn tại thì kể cả bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì tiêu cực, bệnh thành tích, sự giả dối, đối phó trong dạy – học vẫn không thể chấm dứt.

Vương Tâm