GS Phạm Minh Hạc: “Nền giáo dục không bao giờ bắt đầu từ đồi trọc”

15:18 | 11/11/2013

2,203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH TW khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới nền GD-ĐT được nhiều chuyên gia giáo dục kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo.

>> Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

PV PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc - nguyên là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về những thay đổi cơ bản, cốt lõi của lần đổi mới giáo dục lần này.

Thay đổi quan niệm để “thực học, thực nghiệp”

PV: Để tạo bước đệm cho đổi mới mà Nghị quyết TW 8 đưa ra, theo Giáo sư (GS), ngành giáo dục cần làm ngay những công việc cụ thể gì?

GS Phạm Minh Hạc: Từ ngày Hội nghị TW 8 bàn về cải cách và đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục, đào tạo cho đến nay đã được gần 1 tháng, và tính từ ngày Nghị quyết được ban hành vào ngày 4/11/2013 tới nay là 4 ngày, tất cả chúng ta đều đang chờ đợi chương trình hành động và kế hoạch cụ thể được ban hành để triển khai Nghị quyết TW 8 khóa 11 về giáo dục, đào tạo.

Trong Nghị quyết nêu rõ sẽ tổ chức Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, là nơi điều hành công việc đổi mới giáo dục, đào tạo. Như vậy tất cả chúng ta đều đang chờ đợi chương trình hành động và kế hoạch cụ thể được chính Ủy ban đổi mới giáo dục và đào tạo này ban hành để toàn Đảng, toàn dân thực hiện.

Tuy vậy, trong 1 tháng qua, báo chí cũng đã nói khá nhiều đến việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông. Đây là công việc cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi có đầy đủ điều kiện và số lượng người tham gia rất lớn. Bên cạnh đó, việc đổi mới thi và kiểm tra, đánh giá cũng được chú ý, đặc biệt là việc cân nhắc giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, sau đó là vấn đề đào tạo nghề tại các trường TCCN.

GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Theo tôi, việc triển khai Nghị quyết phải được thực hiện đồng bộ với nhiều khâu, từ việc xác định triết lý giáo dục, hệ thống giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá thi cử, đội ngũ nhà giáo, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Và đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng chính là chuẩn bị điều kiện tài chính và cơ sở vật chất cho công tác đổi mới giáo dục.

Bây giờ, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải theo một triết lý cụ thể. Trong Nghị quyết đề ra là phải gắn chương trình học với phẩm chất, năng lực người học, có nghĩa là phải thiết kế, thay đổi chương trình như thế nào đó để gắn với triết lý này. Và điều quan trọng là phải đưa triết lý này đến được với người dạy, người học và xã hội, nhất là các vị phụ huynh; bởi nếu họ không thay đổi quan niệm, vẫn chạy theo bằng cấp thì khó có thể đạt được hiệu quả đổi mới.

Trong Nghị quyết cũng nói đến việc gắn chương trình học với phẩm chất, năng lực người học; thì đồng nghĩa cũng đi đôi với khẩu hiệu “thực học, thực nghiệp”.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo phải dạy thật, để học sinh học thật, ra nghề thật. Đồng thời, đổi mới hệ thống giáo dục thì cần tiếp tục thực hiện được tốt việc phân luồng sau lớp 9 và có định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ các lớp dưới, đặc biệt là các lớp cuối cấp PTCS. Và ở đây, tôi cho rằng cần phải đạt được tỷ lệ nhất định học sinh đi theo con đường, theo “kênh” đào tạo hàn lâm như một nghề nghiệp.

Để đạt được đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tất cả những biện pháp này cần phải có kế hoạch và được thực hiện đồng bộ.

PV: Hiện nay, với thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay, khâu nào là yếu nhất và cần khắc phục, theo GS?

GS Phạm Minh Hạc: Nghị quyết không nhấn mạnh điều nào là yếu nhất, nhưng trong 9 biện pháp thì đã nêu đầu tiên là Vai trò của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển giáo dục. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GD-ĐT. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, mặc dù đã được nhận định là quốc sách hàng đầu, nhưng Bộ Chính trị khóa 10 đã nhận định các cấp ủy Đảng và chính quyền đều chưa thực hiện tốt quốc sách này. Mà hiện nay, vai trò của GD đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong thế kỷ 21. Vì vậy, vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện càng cần thiết hơn trong thời đại mới. Có thể nói, nếu không có sự “ra tay” của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ TW tới địa phương thì khó có thể đảm bảo sự thành công trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Trong các điều kiện để thực hiện thì có vấn đề về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đều là trách nhiệm của Nhà nước, không hề có yếu tố tư nhân bởi các trường tư thục không được phép mở ngành đào tạo sư phạm. Ngoài ra, cả chương trình đào tạo và ngân sách thực hiện đều do Nhà nước quản lý, trong đó xã hội hóa chỉ khoảng 10%. Vì thế, nếu Nhà nước không làm, không quản lý thì khó có được những chuyển biến, trong đó 2 khâu đặc biệt quan trọng là nhân lực – giáo viên và thiết bị, cơ sở vật chất.

Bây giờ, Nhà nước cần phải bắt tay ngay vào việc đổi mới các trường sư phạm thì mới có được những người phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và có kế hoạch, tổ chức các chương trình bồi dưỡng những giáo viên đương nhiệm.

Đổi mới giáo viên để đổi mới cả nền giáo dục

PV: GS vừa nhắc tới vấn đề bồi dưỡng các giáo viên đương nhiệm. Vậy liệu có phải đội ngũ giáo viên đương nhiệm của chúng ta đang yếu kém?

GS Phạm Minh Hạc: Trước đây, Ban Bí thư của BCH TW khóa 9 đã có chỉ thị về vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó đã đề ra nội dung phải sàng lọc, nghĩa là những người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe và chuyên môn và phải chuyển đổi công tác.

Thời điểm ấy, một số Sở GD-ĐT của một số tỉnh đã tính được khoảng 10% giáo viên cần phải sàng lọc, số còn lại phải được bồi dưỡng, đào tạo lại về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, phương pháp giảng dạy. Chúng ta đã có những chỉ thị như vậy, nhưng vẫn chưa thực hiện. Đến thời điểm này đã 10 năm trôi qua nhưng chưa có nơi nào triển khai, chưa có kế hoạch sàng lọc nào có hiệu quả.

Hiện nay chất lượng đội ngũ giáo viên của chúng ta đã được nâng cao, song còn có rất nhiều trường hợp đáng tiếc, “con sâu bỏ rầu nồi canh”, ảnh hưởng tới hơn 1 triệu giáo viên, cán bộ giáo dục trên khắp đất nước và làm hại tới uy tín của cả hệ thống giáo dục.

Cũng có thể ví hệ thống giáo dục của chúng ta như một cuộc hành quân, người chỉ huy cần xem lại đội hình, đội ngũ. Với những người ốm yếu, không đáp ứng được yêu cầu hành quân thì cần rèn luyện lại.

PV: Yếu tố giáo viên được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh là “cỗ máy cái”; theo GS, yếu tố này cần được thay đổi như thế nào?

GS Phạm Minh Hạc: Hiện nay nước ta có khoảng 100 trường đa ngành có đào tạo giáo viên, mỗi địa phương đều có các trường CĐ và một số thành phố có ĐH Sư phạm.

Trước hết, các trường Sư phạm phải đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, cần có đề án riêng. Lâu nay, sư phạm phải đi trước nhưng ở ta không có đồng hành, thậm chí đào tạo sư phạm luôn đi sau việc đổi mới hay cải cách một bước.  Ví dụ khi chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang khơi dậy năng lực thì chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy cũng phải thay đổi tương ứng.

Cần đảm bảo ngân sách để đảm bảo mức sống của giáo viên.

Về mức lương của giáo viên, tôi rất lo ngại về con số 20% tổng ngân sách Nhà nước, trong khi chúng ta đang thất thu rất nhiều, điều này sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho việc đổi mới. Với con số 205 này, liệu có đủ điều kiện về tài chính để đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục không, đây là một câu hỏi rất lớn.

Với Nghị quyết này mà ngân sách Nhà nước không được tăng thêm hoặc không được đảm bảo thì khó có thể thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục, đào tạo theo đúng Nghị quyết TW 8.

Trong Nghị quyết TW 2 năm 1996, chúng ta đã áp dụng chế độ miễn học phí cho những sinh viên học ngành sư phạm. Khi đó, điểm đầu vào của các trường sư phạm rất cao là 25-26 điểm và cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, sau đó số lượng thí sinh đăng ký vào các trường Sư phạm không còn nhiều, bởi họ cho rằng theo học tại các trường, các chuyên ngành sư phạm rất thiệt thòi.

PV: Trong 9 giải pháp, nhiệm vụ được đề ra, GS tâm đắc với điều nào nhất và điều nào có thể thực hiện luôn?

GS Phạm Minh Hạc: Nghị quyết đã phản ánh được ý kiến của các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, giáo viên và các giới khác; từ đó đã đề ra mục tiêu rõ ràng với chương trình 9 điểm cụ thể, đề cập tới đầy đủ các ngành học. 9 giải pháp này đã nêu lên đầy đủ thành tựu, yếu kém bất cập trong hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay.

Trong đó cũng có những câu rất thiết thực, như loại bỏ tư duy cũ, chạy theo bằng cấp, cần “thực học, thực nghiệp”, phải tạo ra con người có nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu lao động của xã hội. Có nghĩa là người học ra phải có năng lực, mỗi người có 1 hệ giá trị và người đó phải tạo ra giá trị cho mình, cho xã hội để đưa xã hội tiến lên.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nhấn mạnh cần chấn chỉnh những lệch lạc và kế thừa những mặt mạnh để phát triển. Ví dụ chúng ta cần chấn chỉnh sự phát triển ồ ạt về quy mô đại học, điểm chuẩn quá thấp, thiếu sàng lọc về chất lượng đầu vào; hay việc đào tạo ồ ạt thạc sĩ, tiến sĩ mà không có được số lượng chuyên gia tương ứng. Bên cạnh đó, cần hạn chế hiện tượng thương mại hóa và vụ lợi trong giáo dục để có một nền giáo dục lành mạnh.

PV: Theo GS, so với 3 cuộc đổi mới trước đây, liệu lần đổi mới này có phải là “làm lại từ đầu” nền giáo dục Việt Nam hay không?

GS Phạm Minh Hạc: Trong bài khai mạc của Tổng Bí thư và trong Nghị quyết cũng có nội dung mà báo chí đã đưa, đó là định nghĩa về “đổi mới toàn diện, căn bản”, đó là đổi mới những vấn đề lớn, những vấn đề cốt lõi, đổi mới ở các cấp học và đổi mới cả vấn đề Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; nhưng không phải làm lại hoàn toàn. Chúng ta phải kế thừa những cái đã đạt được và chấn chỉnh những sai lệch để phát triển lên.

Trong giáo dục, ngay cả “cải cách” cũng không bao giờ là đổi mới hoàn toàn. Cũng như đối với văn hóa, chúng ta không thể nào vứt bỏ hoàn toàn văn hóa cũ, chúng ta chỉ tước bỏ những thứ không phù hợp, không hay để thay đổi theo hướng tốt hơn, phát triển hơn.

Văn hóa giáo dục không bao giờ bắt đầu từ đồi trọc, mà bao giờ cũng có sự kế thừa, tiếp thu những điều tốt đẹp của thế hệ trước. Những người nói “đổi mới” là thay đổi hoàn toàn chính là sai lầm.

PV: GS kỳ vọng gì vào lần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo lần này?

GS Phạm Minh Hạc: Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người, toàn Đảng, toàn dân và ngành GD đều hi vọng Nghị quyết 8 của TW khóa 11 sẽ có tác dụng lớn lao đối với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Tuy nhiên, với điều kiện toàn Đảng, toàn dân với nòng cốt là đội ngũ giáo viên và các nhà quản lý giáo dục phải thực sự nghiêm túc thực hiện Nghị quyết và tin tưởng vào sự thành công của Nghị quyết ấy thì công cuộc đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục mới có thể đạt được hiệu quả như chúng ta mong muốn. 

Vương Tâm