GS Đào Nguyên Cát, TBT Thời báo Kinh tế Việt Nam: Nhất - có bốn… cái nhất!

06:53 | 21/06/2013

3,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể khẳng định rằng, GS Đào Nguyên Cát là vị Tổng biên tập mang 4 kỷ lục không những của Việt Nam mà có lẽ là của thế giới. Ông là Tổng biên tập già nhất thế giới, năm nay đã ngót 90 tuổi; giữ chức Tổng biên tập lâu nhất thế giới, hơn 60 năm; qua nhiều cơ quan báo chí nhất: hơn 10 tờ báo, tạp chí. Cái nhất còn lại là việc ông được anh em làng báo yêu quý phong cho danh hiệu: Tổng biên tập “láu cá” nhất Việt Nam.

Báo Năng lượng Mới số 232 ra ngày 21/6/2013

Nghề báo là nghề không tuổi?

Có ai đó đã từng nói với tôi rằng: Nghề báo là nghề không tuổi. Tôi từng phản biện rằng, câu khẳng định ấy chẳng thể đúng bởi nghề báo là thứ nghề với áp lực trăm bề, không phù hợp với các chứng tim mạch dường như là mãn tính của những người có tuổi. Thế rồi, tôi đã nhầm khi gặp GS Đào Nguyên Cát, vị thuyền trưởng đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm hiện tại) của Thời báo Kinh tế Việt Nam - một tờ báo kinh tế chính trị hàng đầu của nước nhà. GS Cát đã ngót 90, thế nhưng, cả cuộc đời đằng đẵng với báo chí của ông, lúc thăng hoa nhất chính là khi ông 60 tuổi, lúc bắt đầu về hưu theo chế độ Nhà nước. Thời điểm ấy, nhiều người nghĩ rằng ông sẽ an nhàn nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, sáng đánh cờ, chiều thể dục thì GS Cát sáng lập ra tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam và bước vào giai đoạn rực rỡ, thú vị nhất cuộc đời.

Tôi cũng đã nghe nhiều người nói rằng, trong tiến trình “sinh - lão - bệnh - tử” của con người thì khi bước vào tuổi 40 cuộc đời đã an định, giàu - nghèo hay sướng - khổ có lẽ cũng chẳng thể thay đổi gì nhiều. 40 tuổi là lúc người ta bắt đầu ngại thay đổi, sợ thất bại, sợ làm lại từ đầu. Nhưng với GS Cát thì nhận định ấy chẳng ăn nhập gì. Là bởi, ở tuổi 70, GS Cát vẫn đắng cay nhận thất bại, vẫn gắng gượng tạo lập từ bàn tay trắng, vẫn khao khát đến tận cùng và đôi lúc, vẫn bồng bột như thuở đôi mươi.

Dòng họ Đào của GS Đào Nguyên Cát nơi xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vốn là dòng họ nổi danh. Có câu: “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” bởi đất Cổ Am từng sinh ra nhiều nhân vật lẫy lừng, hoạt động trong các ngành văn hóa, khoa học của đất nước, trong đó có GS Đào Trọng Thi hoạt động trong lĩnh vực toán học.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đào Nguyên Cát rời ghế nhà trường tham gia hoạt động cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến sau này, ông hoạt động chủ yếu trong công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông được tổ chức điều động lên Tuyên Quang nhận công tác. Hai lần được cử đi học lý luận cách mạng ở Trung Quốc và Liên Xô, ông tiếp tục là cán bộ phụ trách trong các vụ huấn học, vụ giáo dục lý luận chính trị, công tác tại Trường Đảng cao cấp tại chức, giảng bài, soạn sách và viết báo. Sau này, ông được Thủ tướng Chính phủ phong học hàm GS chuyên ngành kinh tế học.

Công danh ấy có vẻ như rất đầy đủ và viên mãn cho một nhà khoa học rồi!

Thế nhưng, như là số phận, GS Cát phụ trách công tác tuyên huấn nhiều năm, lại nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế. Chính vì thế, việc ra đời của Thời báo Kinh tế Việt Nam như một lẽ tự nhiên bởi sự hòa trộn hòa hợp của tư duy về kinh tế và báo chí. Ý định đã được ấp ủ từ lâu nhưng thời vẫn là thời bao cấp, khái niệm báo chí thị trường vẫn còn là khái niệm xa lạ.

“Năm 1991, tôi về hưu. Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng có ý định xây dựng một tờ báo thị trường đón đầu xu hướng phát triển kinh tế. Tôi làm việc với Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, khi đó Chủ tịch Hội là anh Trần Phương đồng ý cho ra đời ấn phẩm này. Tôi liền về chong đèn hì hục viết đề án cho tờ báo” -  GS Cát nhớ lại.

Có một điều ít ai biết rằng, GS Đào Nguyên Cát từng nhiều năm làm thư ký báo chí cho cố Tổng Bí thư Trường Chinh, thời kỳ còn ở Chiến khu Việt Bắc. Điều hiển nhiên, báo chí thời bấy giờ dồn toàn tâm, toàn sức tuyên truyền phục vụ cách mạng, vận động quân dân. Có thể khẳng định ngay, GS Cát là đại diện hoàn hảo cho những học thuyết báo chí cách mạng truyền thống với những khuôn phép được coi là quy định bất di bất dịch của nghề báo thời bấy giờ. Và, có lẽ cũng không nhiều người biết rằng, GS Cát là đại diện của tư duy báo chí truyền thống nhưng cũng là đại diện của xu hướng cách tân báo chí. Bằng chứng là, từ những năm 90, ông là Tổng biên tập đầu tiên nghĩ đến chuyện hợp tác với người nước ngoài để làm báo.

Nhưng, chuyện ấy là những chuyện mãi về sau này. Lúc bấy giờ, Thời báo Kinh tế Việt Nam chỉ là con số 0.

Những chuyện giờ mới kể

GS Đào Nguyên Cát là người vạch ra bản đề án đầu tiên cho tờ báo. Đề án viết ra vốn chẳng khó khăn gì với ông. Tuy nhiên, có đề án rồi thì lấy đâu ra lực lượng để thực hiện, lấy đâu ra trụ sở, tiền in ấn, nhuận bút… Cho ra đời một tờ báo không phải là in một cuốn sách, dồn sức viết cho xong rồi để đấy đâu. Khi số báo đầu tiên ra đời, như một mũi tên đã được bắn khỏi cung, đến ngày đến tháng là phải ra báo, không thể dừng lại được. Nó ngốn tâm sức, tiền bạc rất ghê gớm và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Ông Cát khi ấy lấy nhà riêng của mình làm tòa soạn. Cơ sở vật chất chỉ có… hai chiếc bàn cũ. Vợ ông làm lao công quét dọn, con cả thì làm kế toán, con thứ thì làm phóng viên. Ông kêu gọi bạn bè thân hữu viết bài hộ, nhuận bút thì… “chịu”, khi nào có tiền thì trả.

GS Đào Nguyên Cát

Khâu bài vở cơ bản giải quyết xong, vấn đề cam go nhất là lấy đâu ra giấy để in. Những năm 90, giấy in vốn là thứ hàng hóa hiếm hoi. “Thời điểm ấy, tôi có quen với một vị là lãnh đạo của Công ty Giấy Bãi Bằng. Biết ý định của tôi, họ đồng ý bán rẻ cho tôi 2 tấn giấy. Tôi liền tìm mối bán lại số giấy. Số tiền chênh lệch đủ để tôi mua giấy in được 4 số báo đầu tiên. Việc giấy in đã xong, còn việc in nữa. May mắn thay, có một công ty thương mại vừa mua được chiếc máy in nhưng chưa được cấp phép in. Tôi liền đứng ra cạy cục, lo thủ tục cấp phép in cho họ. Họ trả công tôi bằng cách in miễn phí cho tôi 3 số báo. Hoàn cảnh khi ấy đúng là “tay không bắt giặc”. Tôi không phải trả công ai cả, chỉ trả duy nhất 50.000 đồng/tháng cho người phụ trách chế bản, in ấn”.

Những số báo đầu tiên, Tổng biên tập Đào Nguyên Cát trực tiếp đạp xe đi phát hành. Ông tìm đến các cơ quan, bộ, ngành liên quan để giới thiệu rồi bán báo. Bán từng số lẻ một. Ông là GS kinh tế, Huân Huy chương quanh người nhưng ngày ngày vẫn lóc cóc bán báo dạo. Nhiều người thấy cảnh ấy bảo ông là người không bình thường, bạn bè có người biết chuyện chỉ lắc đầu cười nhạt.

Sau 3 năm, vốn liếng của ông cùng con cái góp vào đã xây dựng được một tờ báo có chút thương hiệu nhưng tổng kết lại thì lỗ mất 50 triệu đồng. Tờ báo có nguy cơ… vỡ nợ.

Có một câu chuyện như một giai thoại, được coi là thâm cung bí sử trong tiến trình thành lập, phát triển của Thời báo Kinh tế Việt Nam. Ấy là chuyện chỉ trong một đêm, GS Đào Nguyên Cát đã “chạy” được đủ 13 chữ ký của 13 vị Ủy viên Bộ Chính trị đương thời để kết thành mối lương duyên giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam và Tập đoàn Xuất bản Ringier AG (Thụy Sỹ).

Trong bối cảnh ấy, tại thời điểm ấy thì đây được coi là một việc làm vô tiền khoáng hậu!

Cũng xin được nhắc thêm về Tập đoàn Xuất bản Ringier AG. Đây là tập đoàn xuất bản đa quốc gia có quy mô lớn nhất và có uy tín nhất châu Âu. Nói một cách ngắn gọn, cứ 100 ấn phẩm xuất bản ở châu Âu thì có đến 70 tác phẩm đóng dấu tên của Ringier AG. Tác giả nào được Ringier AG xuất bản tác phẩm thì đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng khẳng định tên tuổi.

Thế mà Ringier AG đã để ý đến Đào Nguyên Cát, để ý đến trụ sở tòa soạn chỉ có hai bộ bàn ghế của ông, để ý đến tờ báo kinh tế tại một đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, còn đang thời kỳ bao cấp.

Có được sự hỗ trợ của Ringier AG, những tinh hoa cùng tư duy vượt thời đại của ông mới phát tiết rực rỡ.

GS Đào Nguyên Cát với PV Báo điện tử PetroTimes

Mỗi một tờ báo trước khi ra đời đương nhiên đều hoạch định rất kỹ chiến lược phát triển bao gồm mục tiêu, đối tượng bạn đọc và quan trọng nhất là hoạch định nội dung cốt lõi cho tờ báo. Những tờ báo ngành chỉ tham vọng “đá” tròn vai trên sân nhà, đương nhiên chẳng nói làm gì nhưng những tờ báo giàu tham vọng thì hoạch định chiến lược lại là chuyện sống còn. Sống cũng chỗ ấy mà chết cũng chỗ ấy.

Cái ngón “tiểu xảo” dị biệt của GS Đào Nguyên Cát trong việc hoạch định nội dung cho Thời báo Kinh tế Việt Nam là một việc cũng chẳng giống ai. Ấy là việc ông liều lĩnh sử dụng song hành cả hai trường phái được coi là khắc tinh trong báo chí: siêu “bảo thủ” và siêu cách tân. Ông quy tụ về báo những GS, viện sĩ kinh tế hàng đầu trong nước. Họ được đào tạo bài bản tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và là những cây bút chính trị cự phách như TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Lê Xuân Nghĩa, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh… Họ là những học giả đại diện cho trường phái “bảo thủ” với những học thuyết, xã luận đường lối cùng dự báo kinh tế nghiêm ngắn, bài bản mang tầm vĩ mô.

Song song với những học giả này, GS Đào Nguyên Cát sẵn sàng sử dụng những phóng viên mới tốt nghiệp đại học, chân ướt chân ráo đi xin việc. Chỉ cần nhìn thấy khả năng sáng tạo với lối tư duy táo bạo của họ là ông đồng ý nhận , giúp đỡ, đào tạo họ trong đội ngũ của mình. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những cây bút nức tiếng một thời đều là những tay “ngông cuồng” đến táo bạo như Xuân Bình, Trương Văn Khôi…

Nhiều người thời bấy giờ và cả bây giờ đều coi tư duy báo chí ấy của GS Đào Nguyên Cát là vô cùng mạo hiểm. Họ cho rằng, hai trường phái báo chí ấy cùng tồn tại trong một chỉnh thể sẽ rất khó dung hòa mà trái lại chúng sẽ triệt phá nhau, ghìm nhau xuống và hủy hoại đi những nét tinh hoa vốn có của từng trường phái. Tuy nhiên, nếu phân phối và lồng ghép nhuần nhuyễn thật tốt hai trường phái ấy trên cùng một tờ báo thì sẽ ra một sản phẩm đặc biệt, mang tư duy hoàn hảo của lý thuyết báo chí hiện đại, đó là tính đa chiều của thông tin. Thực tế đã chứng mình rằng, GS Đào Nguyên Cát đã giải rất thành công bài toán phức tạp này. Ông chủ trương dung hòa có chủ đích hai trường phái báo chí này chứ không để chúng cùng tồn tại song song tồn tại một cách tự do.

Chính vì tư duy chiến lược này mà Thời báo Kinh tế Việt Nam là tờ báo đầu tiên sáng tạo ra chuyên mục Diễn đàn mà mãi về sau này, rất nhiều tờ báo đã học tập và áp dụng thành công. Ở chuyên mục này, các tác giả được tự do bày tỏ quan điểm của mình, được thỏa sức sáng tạo dựa trên những màu sắc truyền thống, căn bản của những học thuyết kinh tế.

Thông thường, để xây dựng một mô hình kinh tế thành công thì phải có một người chèo lái tài năng đặc biệt. Đến bây giờ, cũng chỉ có một số người từng là lãnh đạo chủ chốt hoặc những nhân viên “đặc biệt” từng công tác tại Thời báo Kinh tế Việt Nam mới biết cách nuôi quân rất “quái” của GS Cát. Ông từng có một “tuyên ngôn bất hủ” là: “Không nên để cho lính đói quá, cũng không nên để cho lính no quá. Để lính đói là cái tội lớn của người làm tướng và lính sẽ bỏ tướng mà ra đi; để lính no quá thì lính sẽ sinh phè phỡn và lười nhác. Lương cứng trả cho nhân viên bao giờ cũng chỉ trả… dưới mức họ đáng được nhận và thưởng cho nhân viên bao giờ cũng… trên mức họ đáng được nhận”.

GS Đào Nguyên Cát (bên phải) cùng nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc tại một giải golf do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức

Có một nhà báo từng là cán bộ chủ chốt tại Thời báo Kinh tế Việt Nam tiết lộ với tôi rằng, năm 1993, mức lương mà ông được Ringier AG ký trả là 3 “vé”, tương đương với gần 13 triệu đồng. Đến tay GS Cát, ông chỉ trả cho cán bộ này mức lương cứng hằng tháng là… 3 triệu đồng, còn lại là hoán đổi thành tiền thưởng năng suất, thưởng bài hay cùng những đóng góp đặc biệt khác. Vẫn là gần 13 triệu/tháng nhưng chỉ đơn giản  là thay đổi cách gọi tên những khoản lương ấy thôi đã tạo ra những tác dụng đặc biệt, kích thích nhân viên sáng tạo hăng say hơn gấp nhiều lần. Bí mật này mãi về sau mới được tiết lộ!

Một điều đặc biệt khác tạo nên tên tuổi của GS Đào Nguyên Cát chính là việc ông là người đầu tiên trong làng báo coi trọng đội ngũ làm quảng cáo, maketing là đội ngũ quan trọng, gạo cội trong hàng ngũ của mình. Cách đây mấy chục năm, phần lớn các tờ báo chỉ coi đội ngũ làm quảng cáo là những nhân vật phụ, có cũng được mà không có cũng được. Cho đến khi xu hướng báo chí thị trường xuất hiện, nhiều tòa soạn cũng không hề coi trọng đội ngũ này và họ chỉ đồng ý ký hợp đồng có thời hạn rất ngắn với nhân viên quảng cáo. Khi ấy, GS Cát đã rất khắt khe trong việc xây dựng đội ngũ khai thác quảng cáo cho tờ báo. Đôi khi, ông tuyển nhân viên quảng cáo phức tạp và khó khăn hơn nhiều tuyển phóng viên.

Thực sự sống khi đam mê

Tổng kết lại cả một đời làm tuyên huấn, báo chí đầy ắp sự kiện của GS Đào Nguyên Cát thì nó giống như một cuốn phim. Nếu tính từ thời điểm được phân công làm Tổng biên tập tờ Nội san Nghiên cứu học tập của Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1950, trải qua quá trình học tập tại Trung Quốc, Liên Xô (cũ), đến nay đã tròn 60 năm GS Cát gắn bó với nghề báo. Ông có lẽ giữ chức Tổng Biên tập các đầu báo nhiều ở mức kỷ lục: hơn 10 tờ báo, tạp chí.

Đi từ hai bàn tay trắng, không có đồng vốn nào của Nhà nước, một tay GS Cát đã xây dựng Thời báo Kinh tế Việt Nam trở thành một trụ cột trong làng báo kinh tế trong nước và đối ngoại, có cơ sở vật chất vững vàng với 3 trụ sở tòa soạn ở cả 2 miền, có đội ngũ làm báo trên 250 người. Giờ đây, “đế chế” của GS Cát là gần chục sản phẩm báo chí có tên tuổi, có dấu ấn riêng như Thời báo Kinh tế Việt Nam ra hằng ngày, Tư vấn Tiêu & Dùng, Vietnam Economic Times, The Guide (bằng tiếng Anh - Nhật - Trung), VnEconomy Online, Niên giám Kinh tế Việt Nam, Kỷ yếu đầu tư nước ngoài, Trang vàng thương hiệu, đến với bạn đọc bằng con đường thị trường với những đối tượng thật sự có nhu cầu mua báo. Với lực lượng hơn 250 cán bộ, phóng viên, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có tiếng vang khác như Chương trình Rồng Vàng, Thương hiệu mạnh, The Guide, Tin & Dùng và các hội thảo, triển lãm, cùng với tổ chức các giải thể thao…

“Trưởng lão trong làng báo”, đó là lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về đời làm báo của ông như là một sự ghi nhận của lịch sử nghề báo chí cách mạng Việt Nam. GS Đào Nguyên Cát nói chuyện về báo chí, về kinh tế vẫn đam mê và ào ạt như thuở tráng niên. “Kiếp sau nếu được, tôi vẫn sẽ làm báo, tôi đam mê nghề báo đến tận cùng”, GS Cát nói. Và còn điều này nữa, ở tuổi ngót 90, ông vẫn hăng hái kể về chuyện yêu đương và thú thực là cánh trẻ chúng tôi nhiều lần từng đến hỏi ông về kinh nghiệm… yêu. Nó cũng là một điều “nhất” nữa của ông mà chúng tôi sẽ kể hầu bạn đọc ở một dịp khác….

Vũ Minh Tiến