Gói giải pháp 29.000 tỷ đồng: Cần thực hiện minh bạch

10:34 | 07/05/2012

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo các chuyên gia kinh tế, để gói giải pháp 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua phát huy được hiệu quả, cần thực hiện minh bạch, đúng đối tượng, tránh tình trạng “đi đêm” dựa vào mối quan hệ thân quen.

Trước tình hình doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã thông qua gói giải pháp tổng trị giá khoảng 29.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính trình để giải cứu doanh nghiệp. Trong đó, có các giải pháp hỗ trợ tập trung giãn thuế giá trị gia tăng, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp…

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp khẳng định: “Bản thân 29.000 tỷ đồng là không nhiều. Vì vậy, cần chọn đúng những doanh nghiệp đang gặp khó khăn thật sự do những nguyên nhân chủ quan nhưng vẫn có khả năng “đứng dậy” và khả năng cạnh tranh cao. Khi thực hiện gói hỗ trợ này phải tránh hình thức tiếp cận gói hỗ trợ bằng các mối quan hệ thân quen, mặc cả, “đi đêm”… nên thực hiện minh bạch, đúng quy trình và tiêu chuẩn. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp trông chờ vào những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ.

Nói về gói giải pháp này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ đưa ra gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hơi chậm nhưng rất đáng hoan nghênh vì đây chính là động lực giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động kinh doanh.

Ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát (Bình Dương) cho rằng: Gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện sẽ phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay chính là vốn và lãi suất. Vì vậy, Nhà nước nên thực hiện hỗ trợ 1 phần lãi suất cho doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến TP HCM cho rằng: Tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 2 sẽ gặp khó khăn sâu hơn. Vì vậy, trong khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn cực điểm thì hỗ trợ được 1 đồng cũng rất quý. Gói giải pháp hỗ trợ ra đời là rất tốt song cũng cần phải xem lại bởi doanh nghiệp không tạo ra được lợi nhuận thì làm sao có thể thực nhiện nghĩa vụ đóng thuế. Nhà nước nên tìm hiểu xem doanh nghiệp đang khó ở điểm nào để có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, kịp thời. Trong tình hình hiện nay, Chính phủ nên thành lập 1 tổ chức cho đứng ra giám sát, mua lại nợ cho doanh nghiệp, khi nào doanh nghiệp khỏe mạnh doanh nghiệp sẽ tự trả nợ.

Thực tế, trong một tháng số doanh nghiệp xin được dừng hoạt động của cả nước chiếm tỷ lệ không nhỏ cho nên gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện càng sớm càng tốt, bởi nếu thực hiện chậm thì gói giải pháp hỗ trợ sẽ không phát huy tác dụng. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nhưng các biện pháp mà Nhà nước đưa ra chỉ mang tính tức thời, trước mắt. Về lâu về dài nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% vì mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện rất cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/4, cả nước có 647.627 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng chỉ có 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số không còn hoạt động, có gần 82.000 doanh nghiệp giải thể, 16.000 doanh nghiệp dừng hoạt động và gần 86.000 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Điều đáng lo ngại nhất là trong thời gian gần đây, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập liên tục giảm thì số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lại tăng lên nhanh chóng.

Mai Phương