Gỡ nút thắt về vốn cho SME
Tài sản thế chấp - “nút thắt lớn”
Quy mô nhỏ, thiếu tài sản bảo đảm, tài chính không minh bạch, ngân hàng siết chặt tín dụng do lo ngại nợ xấu… đã khiến các SME gặp khó khăn trong việc vay vốn, trong đó tài sản bảo đảm được xem là nút thắt lớn nhất.
Bà Thái Thị Thu Đào, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Quảng cáo Truyền thông và Thương mại Mắt Đỏ chia sẻ: “Công ty đã làm việc với nhiều ngân hàng, tuy nhiên tài sản thế chấp là điều kiện hầu như phải có để có thể vay vốn. Nếu có bất động sản thế chấp thì ngân hàng sẽ cho vay, còn không có thì rất khó”.
![]() |
SME giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng |
Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các ngân hàng còn nợ xấu nhiều nên luôn yêu cầu doanh nghiệp có tài sản thế chấp mới cho vay. Chính yêu cầu này là trở ngại lớn nhất với các SME bởi không phải SME nào cũng có tài sản thế chấp để vay vốn hoặc tài sản không đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng so sánh: Ở Mỹ, tài sản thế chấp được xem là nguồn trả nợ thứ hai. Yếu tố đầu tiên các ngân hàng xem xét cho vay là nguồn trả nợ đầu tiên, chính là lợi nhuận, doanh thu của các doanh nghiệp. Do đó, điều đầu tiên họ xét đến là phương án hoạt động, việc trả lãi, quay vòng vốn của doanh nghiệp như thế nào. Trong khi đó, nhiều ngân hàng ở nước ta hoạt động như một tiệm cầm đồ, có tài sản thế chấp thì cho vay 50-60% trên giá trị tài sản thế chấp, không cần quan tâm đến các yếu tố khác.
Hiện chỉ có khoảng 30% số SME tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, 70% phải tự xoay sở nguồn vốn hoặc vay vốn từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao, nhiều rủi ro.
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Theo các chuyên gia, để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của SME cần có sự nỗ lực từ cả Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và cộng đồng SME.
![]() |
SME gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng |
Hiện chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp SME tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, 70% phải tự xoay sở nguồn vốn hoặc vay vốn từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao, nhiều rủi ro. |
Chính phủ cần nâng cao năng lực của Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho SME. Tháng 5-2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Theo quy định của Luật, các quỹ BLTD là những quỹ bảo lãnh địa phương, ngoài ngân sách của Trung ương và do UBND của các tỉnh, thành phố thành lập.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vốn của các địa phương rất hạn hẹp, do đó vốn của các quỹ BLTD cũng rất eo hẹp, quá nhỏ để bảo lãnh cho các doanh nghiệp để các ngân hàng có thể cho vay. Song song với đó, các quỹ này hoạt động theo phương châm không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ quyền lợi của nền kinh tế nhưng không để mất vốn. “Một quỹ BLTD mà tìm cách bảo toàn vốn thì không thể bảo lãnh được bởi sẽ không dám bảo lãnh vì bảo lãnh có thể sẽ bị lỗ”. TS Hiếu nhấn mạnh.
Do đó, cần nâng cao năng lực của Quỹ BLTD bằng việc thành lập Quỹ BLTD Trung ương, trong đó vốn do Quốc hội phê chuẩn mỗi năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần tăng cường cho vay tín chấp, nhìn vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp… và các doanh nghiệp phải có kế hoạch, phương án kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính minh bạch và xây dựng mối quan hệ tốt với ngân hàng.
Bà Đinh Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nhân Việt Nam: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều chính sách, chương trình trợ giúp SME từ hoàn thiện về môi trường kinh doanh thông qua cải cách các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hải quan, thuế đến các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ, xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực... Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đã thể hiện chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển của SME trong thời gian tới. |
Trong Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC ngày 15-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nâng cao năng lực cạnh tranh của SME trong kỷ nguyên số là 1 trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề Năm Quốc gia APEC 2017. Việc lựa chọn ưu tiên này thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các SME của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin và thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số. Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, kéo theo sự thay đổi trong tư duy, cách sống trên toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế là đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó, các nền kinh tế APEC cần có sự quan tâm, hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này. |
Mai Phương
-
Đề xuất gói lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
-
Khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường
-
Thị trường tín chỉ carbon: Cánh cửa xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
Thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng