Giữ vững nguồn điện trong mưa bão

09:51 | 06/11/2013

567 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay trong ngày đầu đổ vào khu vực miền Trung, bão số 11 (tên gọi quốc tế là Nari) đã làm tê liệt gần như toàn bộ hệ thống lưới điện của các tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam... Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm của đội ngũ những người làm điện, 10 ngày sau khi bão Nari đi qua, hầu hết các sự cố lưới điện đã được khắc phục hoàn toàn. Miền Trung đã không còn cảnh tối tăm, hoang tàn, đổ nát và cái đọng lại sau đó là những hình ảnh gần gũi của người thợ điện, những người không quản mưa gió, ngày đêm đem ánh sáng trở lại cho người dân.

Rạng sáng ngày 15/10, vừa áp sát bờ biển các tỉnh ven biển miền Trung, bão Nari đã gây mưa lớn kèm theo gió giật cấp 12, 13 càn quét TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Và chỉ hơn 1 giờ đồng hồ đổ bộ vào đất liền, bão đã làm cho toàn bộ phụ tải hệ thống điện phân phối các tỉnh thành này bị tê liệt. Mặc dù nhà cửa còn bừa bộn, nước ngập sâu nhưng với tinh thần “4 tại chỗ”,  toàn bộ cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam và Đà Nẵng đã “tạm gác việc nhà lo việc nước”, nhanh chóng ra quân phát dọn cây cối ngã đổ, dựng cột và nối lại lưới điện trên khắp địa bàn.

Với mục tiêu duy nhất là tranh thủ từng phút, từng giây, nhanh chóng cấp điện trở lại cho người dân, nên việc ăn uống, nghỉ ngơi diễn ra ngay tại hiện trường xử lý sự cố. Vì thế, lần lượt từng công trình, khu vực phụ tải đã được đóng điện trở lại phục vụ hoạt động của các cơ quan, ban, ngành và sinh hoạt của nhân dân. Tại Đà Nẵng, nhờ sự chuẩn bị chu đáo, tích cực đến 22 giờ 30 phút cùng ngày (ngày 15/10), Công ty Điện lực Đà Nẵng đã cấp điện trở lại 80% phụ tải; trong đó có nhiều phụ tải quan trọng như nhà máy nước, bệnh viện, trung tâm y tế cùng những khu dân cư tại trung tâm thành phố và các khu vực lân cận…

Lưới điện Đà Nẵng tan hoang sau bão số 11

Với riêng Quảng Nam - khu vực tâm bão số 11, Công ty Điện lực Quảng Nam đã thực hiện phương châm tiến hành đồng thời, đồng bộ những công trình hư hại nhẹ được tập trung sửa chữa đóng điện sớm, với công trình hư hại nặng công ty vừa sửa chữa vừa tìm phương án cấp điện tạm thời. Cụ thể như sự cố tại đường dây 35kV xuất tuyến 372-E155, vượt sông Giao Thủy cấp điện cho toàn huyện Nông Sơn và 5 xã khu Tây Duy Xuyên bị đứt dây trụ 37 ngay giữa sông, phải sửa chữa lâu dài. Vì vậy, công ty đã tạm thời cấp điện cho các khu vực này bằng nguồn điện phát độc lập từ Nhà máy Thủy điện Khe Diên thay vì phát hòa lưới quốc gia. Hoặc đường dây 22kV xuất tuyến 477, kéo điện từ trạm E157 ở TP Hội An lên cấp cho thị trấn Vĩnh Điện và một số xã khác của huyện Điện Bàn bị ngã đổ nhiều trụ nằm dưới ruộng nước, vì thế phải chuyển việc cấp điện cho khu vực này từ đường dây khác...

Bên cạnh đó, để tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ khôi phục lưới điện, tại các vị trí khó giải quyết, Công ty Điện lực Quảng Nam còn thuê các đơn vị thi công bên ngoài thực hiện như tại Lưới điện khu vực huyện Nam Giang; đường dây Vĩnh Điện - Lai Nghi; đường dây cấp điện cho Nhà máy thép Việt Pháp; khu vực huyện Thăng Bình, với lực lượng thi công khoảng 80 người.

Sau gần 10 ngày liên tục sửa chữa, khắc phục, toàn bộ thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Bình Định đã được khôi phục cấp điện hoàn toàn cho các phụ tải. Riêng tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn 5 xã thuộc huyện Quảng Trạch và 1 xã thuộc huyện Tuyên Hóa. Tại Quảng Nam còn 1 xã thuộc huyện Đông Giang. Theo ông Nguyễn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, Phó tổng giám đốc Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) thì đây là những khu vực nước còn ngập sâu nên khó tiếp cận hiện trường.

Bão tan, giữa vô vàn những khó khăn, vất vả, trong công tác khắc phục hậu quả đã sáng lên tình đồng nghiệp của những người thợ điện. Theo phương án phòng chống lụt bão đã được xây dựng từ trước, mỗi đơn vị thuộc EVN CPC đều thành lập một đội hỗ trợ bão khoảng 30 người, sẵn sàng ứng cứu các đơn vị bạn trong trường hợp đặc biệt. Ông Thành cho biết: Liên tiếp sau hai cơn bão số 10 và 11 vừa qua, đội hỗ trợ bão đã thực sự phát huy hiệu quả. Các đơn vị đã chủ động tương trợ, giúp đỡ cùng nhau khắc phục hậu quả. Cũng theo ông Thành, nhiều đơn vị ngay sau khi khắc phục xong cơ bản lưới điện trên địa bàn đã nhanh chóng di chuyển hỗ trợ đơn vị bạn. Thậm chí, một số đơn vị còn chủ động liên hệ với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão EVN CPC sẵn sàng lên đường hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ. Mặc dù mỗi khu vực bị sự cố và có mức độ nguy hiểm khác nhau, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao nhất của các cán bộ, nhân viên điện lực nên thời gian khắc phục đã giảm đáng kể. Một số khu vực bị sự cố tưởng chừng phải mất 1 tuần mới khắc phục xong nhưng tất cả đều được rút ngắn trong vòng 2-3 ngày.

Anh Hoài Quý - một người dân ở Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng nói: “Sau khi bão Nari đi qua, nhìn cột điện gãy, đổ chắn ngang đường, cây cối ngổn ngang, nhà cửa tốc mái mà tôi thầm lo cho những khó khăn nhọc nhằn ngành Điện sẽ phải khắc phục. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, bằng một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi cán bộ điện lực, quê làng Hòa Châu cũng như lần lượt các địa bàn khác đã có điện trở lại - tôi rất vui mừng về điều này”.

Công việc khắc phục hậu quả sau bão còn lắm gian nan nhưng chứng kiến niềm vui của người dân khi có điện trở lại, mỗi cán bộ, công nhân ngành Điện như được tiếp thêm sức mạnh, sớm hoàn thành công việc để cấp điện an toàn - ổn định cho người dân.

Thống kê toàn Tổng Công ty Điện lực miền Trung:

 - Bão số 10 gây thiệt hại tài sản lưới điện 80 tỉ đồng; sản lượng không cung cấp được khoảng 20,6 triệu kWh; gần 500 ngôi nhà của CBCNV bị tốc mái với thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng.

- Bão số 11 gây thiệt hại 49,1 tỉ đồng; sản lượng điện không cung cấp được 22,7 triệu kWh; hơn 350 ngôi nhà của CBCNV bị tốc mái, thiệt hại khoảng 3 tỉ đồng.


Thanh Ngọc