Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu?

07:00 | 27/05/2015

1,829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây thì Việt Nam xếp thứ 12 về chất lượng giáo dục toàn cầu. Việt Nam được đánh giá trên cả các nước có nền giáo dục tốt như Anh, Mỹ, Thụy Điển...Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thứ hạng này quả thực hài hước!

Năng lượng Mới số 425

Cao nhưng không vui

Quá nhiều phản ứng trước thứ hạng thứ 12 của Việt Nam về chất lượng giáo dục toàn cầu. Mặc dù tiêu chí đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khi xếp Việt Nam ở thứ 12 trên tổng số 76 quốc gia được xếp hạng năm nay.

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu?

Bảng xếp hạng của OECD

Thực tế đánh giá của OECD chỉ dựa trên kết quả kiểm tra môn Toán và Khoa học của học sinh lứa tuổi 15 của 76 quốc gia. Được biết, thang điểm so sánh được tính toán dựa trên Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, xu hướng nghiên cứu quốc tế về toán học - khoa học (TIMMS) của Mỹ và kết quả nghiên cứu thành tích học tập của học sinh quốc gia khu vực Mỹ Latinh (TERCE). Thế nhưng, kết quả này vẫn đem đến những hoài nghi.

Thực tế chỉ tập trung khảo sát về toán học và khoa học thì việc “vượt mặt” những cường quốc khác trong khu vực quả là không quá khó đối với học sinh Việt Nam. Bởi công bằng nhìn nhận là hai bộ môn này vốn là thế mạnh của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, khi so sánh ở một bảng đánh giá khác là bảng xếp hạng về "Nguồn vốn con người" (HC) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được công bố cùng thời điểm thì có sự chênh lệch đáng kể.

Bảng xếp hạng HC không chỉ quan tâm đến những chỉ số tuyển sinh, trình độ từ sơ cấp đến đại học, dạy nghề của người dân ở các quốc gia mà còn phân tích những tiêu chuẩn như cách học hỏi ở nơi làm việc, kỹ năng sống và cả tình trạng thất nghiệp từ lứa tuổi 15 đến 65.

Kết quả từ bảng xếp hạng HC cho thấy, vị trí chung của Việt Nam là 59/124 quốc gia. Nếu chỉ tính riêng ở nhóm tuổi dưới 15 thì Việt Nam tụt xuống vị trí 78. HC khẳng định, giáo dục chính là yếu tố để hình thành và tích lũy vốn con người. Vậy mà trong cùng bảng thống kê của HC với độ tuổi dưới 15, thì vị trí xếp hạng của các quốc gia khác như Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Sĩ, Hà Lan, Singapore lại khá tương đồng với vị trí xếp hạng của OECD.

Riêng trường hợp của Việt Nam, vị trí ở 2 bảng xếp hạng chênh nhau tới 66 bậc. Từ 2 kết quả này, khó mà có thể xác định được giáo dục Việt Nam đang nằm ở đâu?

Hệ quả từ cách giáo dục “luyện gà nòi”

Nếu chỉ xét riêng trên 2 bảng thống kê của OECD và HC thì rõ ràng HC thống kê toàn diện hơn. Và cũng không phải ngẫu nhiên thứ bậc thứ 12 của Việt Nam ở OECD lại gây nhiều tranh cãi. Những tranh cãi này cho thấy rõ, hoài nghi của những người có trách nhiệm với nền giáo dục của Việt Nam đang biết nền giáo dục của chúng ta đang ở thứ hạng nào!

Nếu dựa trên tiêu chí như đã đưa ra thì bảng xếp hạng của OECD không sai. Bởi thực tế, giáo dục của Việt Nam đã làm khá tốt việc giúp học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế. Nhưng cốt lõi ở đây là, số lượng này không đại diện cho chất lượng giáo dục đại trà. Và câu chuyện đã thành muôn thuở này là công thức để chúng ta đưa học sinh ra đấu trường quốc tế là “luyện gà”.

Những học sinh được lựa chọn để “đem chuông đi đánh xứ người” thường là đội ngũ phải “tinh nhuệ”. Đương nhiên, các em này phải nỗ lực rèn luyện trong nhiều vòng loại, học thuộc nằm lòng các đề thi của các năm trước rồi cứ điệp khúc thi, loại và thi… Điều này hoàn toàn trái khoáy với cách đào tạo học sinh đi thi của các nước khác. Trong khi chúng ta coi đó là một cuộc đua thì họ coi đó là chuyến… dạo chơi.

Ngay cả cách giáo dục đại trà cũng vậy. Bấy lâu vấn nạn dạy lệch, học lệch đã được cảnh báo rất nhiều nhưng chưa hề thuyên giảm. Cho nên những học sinh giỏi của ta thường là giỏi theo nghĩa chăm nhiều hơn. Từ hệ thống giáo dục này, chúng ta hay than phiền sinh viên của Việt Nam tốt nghiệp đại học xuất sắc mà ra trường phải học việc lại từ đầu, rất nhiều em học thì giỏi nhưng làm việc thì hiệu quả không cao? Trong khi câu trả lời khá đơn đơn giản là khi làm việc thì công việc không có khuôn mẫu sẵn để các em làm giỏi như lúc học.

GS Hoàng Tụy: “Khi nào xét toàn diện hãy mừng”

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu?

Mặc dù bảng xếp hạng của OECD là đáng tin cậy nhưng cũng không thể cho rằng, kết quả tốt của OECD nói lên nền giáo dục Việt Nam là tốt. Vì OECD không dựa vào chương trình giáo dục, mà chỉ dựa vào năng lực của học sinh ở độ tuổi 15.

Tôi thừa nhận tố chất của học sinh Việt Nam là tốt. Các em biết vượt khó trong học tập nhưng nếu xét toàn diện qua những tiêu chí về kỹ năng sống, tư duy hành động… thì chắc chắn học sinh của chúng ta còn thua xa các nước khác.

Đó là hệ quả của việc giáo dục theo kiểu bắt chước, tư duy theo lối mòn mà bấy lâu chúng ta vẫn làm, khiến học sinh quen tiếp thu một cách thụ động mà không phát huy được trí sáng tạo của mỗi cá nhân. Có thể biết như vậy là không đúng hướng, nhưng bệnh thành tích quá nặng khiến chúng ta khó thay đổi? Như vậy là chúng ta đi ngược với xu hướng giáo dục của thế giới.

Thay vì đào tạo ồ ạt như chúng ta thì các nước phát triển họ có cách đào tạo để phân luồng được học sinh từ rất sớm. Em nào có năng lực thì học lên cao, được đào tạo thành những nhà quản lý. Em nào phù hợp với học nghề thì được định hướng vào các trường đào tạo nghề, rồi ra thành thợ. Thêm nữa, cách đào tạo phân ban ở hệ THPT thành các khối như tự nhiên hoặc xã hội, thì họ vẫn chú trọng việc phân bổ kiến thức phổ thông kèm theo là kỹ năng sống.

 Thế nhưng ở Việt Nam thì không. Chúng ta học lệch, các em học chuyên ban tự nhiên gần như mù tịt về xã hội và ngược lại. Còn riêng về việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì thiếu và yếu một cách trầm trọng. Vậy nên, tôi rất lo lắng khi thay vì trang bị kiến thức cơ bản đầy đủ nhất cho học sinh thì chúng ta đang để một lỗ hổng lớn về cách dạy người.

PGS Văn Như Cương: Giáo dục của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu?

Mỗi bảng xếp hạng đều có một tiêu chí riêng. Nếu xếp hạng toàn diện một nền giáo dục phải căn cứ vào nền giáo dục đó đã góp phần như thế nào cho sự phát triển về kinh tế và xã hội cho đất nước. Nếu xét về mặt đó tự thân chúng ta đều biết, giáo dục của chúng ta còn kém thế nào khi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Chúng ta chưa đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ để làm việc, thực tế đã chứng minh điều đó. Theo tôi, nền giáo dục nói chung hiện nay vẫn là học để thi, học để lấy điểm số. Điều này hoàn toàn không có lợi cho học sinh khi tiếp cận với môi trường sống bên ngoài.

Cách học “gạo” của các em trên ghế nhà trường không áp dụng được ra thực tế. Rồi thì tư tưởng ai cũng chỉ chăm chăm “làm thầy” thì hệ quả như đã thấy. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, làm việc chỉ theo kinh nghiệm chứ ít sáng tạo… Vậy nên, bất kể kết quả EOCD của học sinh Việt Nam là cao hay thấp thì vẫn phải thừa nhận nền giáo dục của chúng ta đang tụt hậu, còn thua xa với nền giáo dục tiến bộ của thế giới.

 

Huyền Anh

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.