Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên

16:44 | 28/02/2024

1,377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 28/2 tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF tại Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên”.

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên
Ông Đặng Quốc Khánh - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại diễn đàn

Để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, Đoàn Thanh niên Bộ TNMT tổ chức Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” nhằm kêu gọi các cấp cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, Đoàn Thanh niên các liên chi thuộc đoàn Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa.

Ông Đặng Quốc Khánh kêu gọi các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Đồng thời, phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong đoàn Thanh niên các cấp trực thuộc Đoàn Bộ.

Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên
Đoàn viên thanh niên tham gia dọn sạch rác tại bãi biển Thủy Tiên (TP Vũng Tàu).

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ về một số hoạt động chống rác thải nhựa. Các đại biểu đều cho rằng, để hạn chế và giảm thiểu rác thải nhựa, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần nhằm hạn chế xả ra môi trường, góp phần bảo vệ đại dương; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên
Các đại biểu trao đổi về trách nhiệm trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Tại diễn đàn, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Cao Hoàng Anh cho biết, theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong số rác thải nhựa trên, có tới 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đáng nói là việc xử lý, tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế - khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Phân tích thêm thực tế xử lý rác thải nhựa, ông Cao Hoàng Anh cho hay, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa hiện vẫn còn hạn chế. Thực tế lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế. Số rác thải còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Theo Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam) Hoàng Đức Vượng, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong công tác giảm rác thải nhựa đại dương. Vì vậy, đoàn viên thanh niên cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

Bí thư Huyện đoàn A Lưới (Thừa Thiên Huế) Trần Toàn đã chia sẻ câu chuyện của Đoàn Thanh niên huyện chống rác thải nhựa. Điển hình là Huyện đoàn A Lưới đã phối hợp với tổ chức WWF-Việt Nam xây dựng mô hình "Trường học giảm thiểu rác thải nhựa" với việc thực hiện đa dạng và đồng bộ các giải pháp như: Tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh về tác hại của túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, tập huấn phân loại rác cho học sinh...

N.H

Việt Nam có khách sạn không rác thải nhựa đầu tiênViệt Nam có khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên
Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa?
Nhựa tự chữa lành, tự phân hủyNhựa tự chữa lành, tự phân hủy
Trao giải “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa”Trao giải “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa”

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc