Giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và phục hồi kinh tế

07:45 | 28/02/2024

773 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng thì kích cung cũng là yếu tố quan trọng thay vì chỉ nhìn đến cầu hoặc chỉ nhìn vào chính sách tiền tệ.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Tháng 1/2024, tín dụng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Có 5/9 nhóm tổ chức tín dụng ghi nhận tín dụng giảm, trong đó nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất ở mức 3,41%.

Việc tín dụng tăng chậm trong 1-2 tháng đầu năm là điều bình thường theo quy luật hàng năm. (Nguồn ảnh: MB)
Việc tín dụng tăng chậm trong 1-2 tháng đầu năm là điều bình thường theo quy luật hàng năm. (Nguồn ảnh: MB)

Nhiều doanh nghiệp cho biết đang đối mặt với khó khăn lớn về việc tiếp cận tín dụng ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của tín dụng. Vừa qua, báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 1/2024 đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tình trạng này.

Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù có dấu hiệu đơn hàng tăng lên, nhưng các doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn vốn và không còn tài sản để thế chấp cho các khoản vay mới, dẫn đến tình trạng không đủ vốn để duy trì hoạt động sản xuất.

Nhìn nhận về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá, việc tín dụng tăng chậm trong 1-2 tháng đầu năm là điều bình thường theo quy luật hàng năm. Vì vào thời điểm cuối năm, nhất là tháng 11-12, nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp và người dân thường tăng rất cao khiến tín dụng có xu hướng tăng mạnh.

Ngoài ra, có thể có lý do là các ngân hàng thương mại thường cố gắng đẩy tăng trưởng tín dụng của mình chạm “room” tín dụng mà NHNN cho phép, vì tăng trưởng tín dụng gắn liền với tăng trưởng lợi nhuận. Ngân hàng nào cũng muốn lợi nhuận tốt nên luôn cố gắng có hạn mức tín dụng cao nhất.

“Trong giai đoạn đầu của Covid-19, định hướng chính sách của chúng ta là giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng lãi suất huy động giảm nhanh hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay, đã tạo ra siêu lợi nhuận cho ngành ngân hàng trong những năm đó, kéo theo cả việc tăng giá cổ phiếu.

Để điều chỉnh lại vấn đề này, tôi cho rằng một biện pháp hiệu quả là công khai lãi suất cho vay để thị trường tự so sánh, quyết định, khiến các ngân hàng thương mại phải thận trọng hơn khi điều chỉnh các mức lãi suất của mình”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Thận trọng kích cầu nền kinh tế

Trong bối cảnh tín dụng sụt giảm, lãnh đạo VietinBank đề nghị Chính phủ cần có chiến lược kích cầu cho nền kinh tế. Đồng thời, các địa phương nên đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.

Các ngân hàng thương mại nên công khai lãi suất cho vay để thị trường tự so sánh, quyết định và lựa chọn ngân hàng để vay. (Ảnh: Quốc Tuấn)
Các ngân hàng thương mại nên công khai lãi suất cho vay để thị trường tự so sánh, quyết định và lựa chọn ngân hàng để vay. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Hay theo đại diện Vietcombank, tín dụng bán buôn của ngân hàng này chiếm 70% dự nợ tín dụng, nhưng đang gặp khó về vấn đề pháp lý dẫn tới chậm giải ngân vốn trung, dài hạn. Ví dụ với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Vietcombank đang tiếp cận 20 dự án với dư nợ 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay chính là tháo gỡ thủ tục pháp lý.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cũng phân tích, sức cầu của nền kinh tế có thể đến từ nhiều phía như xuất khẩu, chi tiêu Chính phủ và tiêu dùng. Chúng ta cần chú ý hơn đến vấn đề xuất khẩu và chi tiêu Chính phủ bởi vì độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, giá trị xuất khẩu đã tương đương thậm chí là hơn cả giá trị GDP của đất nước.

Thứ nhất, nếu xuất khẩu càng nhiều thì sẽ kéo được tăng trưởng kinh tế lên và kéo được nguồn ngoại tệ về, đồng thời giảm bớt nhập siêu.

Thứ hai là về chi tiêu Chính phủ, trong nhiều năm qua luôn luôn có một vấn đề đó là chi tiêu ngân sách không đạt so với kế hoạch đề ra, nghĩa là chúng ta có tiền để chi nhưng không chi được. Vì vậy khi đã có sẵn nguồn lực, thì cần phải chi tiêu cho đầu tư hạ tầng bởi sức lan tỏa của cơ sở hạ tầng là rất lớn đối với nền kinh tế.

Thứ ba là chi tiêu tiêu dùng. Điều cần lưu ý là sức cầu của người dân có tính hai mặt, có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế; nhưng sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân và vẫn phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng cho tiêu thụ trong nước. Nếu chúng ta không khéo trong việc kích cầu tiêu dùng thì sẽ thành kích cầu cho nước ngoài chứ không phải kích cầu cho doanh nghiệp Việt.

“Ngoài việc kích cầu, chúng ta còn có cung, phải làm sao cung được hàng hóa và hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ tăng tính cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, sản xuất được nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn và cạnh tranh được trên chính thị trường trong nước. Khi đó, kích cung cũng là yếu tố quan trọng thay vì chỉ nhìn đến cầu hoặc chỉ nhìn đến chính sách tiền tệ.

Riêng với câu chuyện trầm lắng trên thị trường bất động sản có ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, chúng ta đều thấy 1/5 dư nợ tín dụng của tổng tín dụng đâu đó nằm ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng làm cho thị trường bất động sản “nóng sốt” trở lại để tăng tín dụng; vì định hướng của Việt Nam là hướng tín dụng đến những ngành sản xuất kinh doanh và tạo động lực kinh tế cho đất nước, chứ không chỉ đi vào những kênh đầu tư đầu cơ như vậy”, vị chuyên gia phân tích.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Hạn mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng: Quản hay buông?Hạn mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng: Quản hay buông?
Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024
Vì sao tín dụng tăng trưởng chậm trong tháng đầu năm 2024?Vì sao tín dụng tăng trưởng chậm trong tháng đầu năm 2024?
Kích cầu tiêu dùng - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụngKích cầu tiêu dùng - Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps