Giải đáp thắc mắc trong tuyển sinh lớp 1

10:20 | 29/08/2013

1,031 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bên cạnh vấn đề thu chi đầu năm học mới, những thay đổi đột biến đối với bậc học lớp 1 năm nay cũng được báo chí quan tâm.

Không nên cho trẻ học trước lớp 1

Đối với việc các phụ huynh tỏ ra lo lắng với quy định của Bộ GD-ĐT không cho con học trước lớp 1, trong khi chương trình lớp 1 chưa có giảm tải, liệu có giải quyết triệt để vấn đề này? Bà Trần Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay: Cho trẻ học trước là vô cùng tai hại, sẽ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý và các bé sẽ chủ quan.

Do tâm lý phụ huynh không hiểu, nhưng nếu tất cả các trường mầm non thực hiện chỉ thị 23/25 cấm dạy chữ, thi tuyển vào lớp 1 thì tất cả các em đều như nhau. Nói chương trình lớp 1 nặng nên phải học trước là không đúng. Ở các tỉnh vùng sâu xa, miền núi khi các em vào học lớp 1 sẽ được các thầy cô hướng dẫn thao tác, kiến thức học tập đầu tiên và vẫn theo học được bình thường.

Trước thông tin có trường tổ chức thi tuyển vào lớp 1 bằng chỉ số IQ và tiếng Anh, trong khi Bộ đã có quy định không dạy trước chương trình lớp 1, bà Thắm lý giải: Quy mô trường lớp ngày càng phát triển, công lập - tư thục phần nào đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên xu hướng ở một số phụ huynh thành phố lớn, muốn cho con học ở trường uy tín nên dẫn tình trạng này.

Việc học trước khi vào lớp 1 sẽ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường không được quyền tổ chức thi vào lớp 1. Một số trường ở Hà Nội có tổ chức khảo sát học sinh đầu vào không thi kiến thức, không thi viết chữ, việc đó không phải là thi.

Đủ phòng học cho “heo vàng”

Do các bé sinh năm 2003 (năm “heo vàng”) khá đông sẽ nhập học lớp 1 vào năm nay nên đã làm số lượng trẻ đến trường tăng đột biến.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm cho biết, việc số trẻ đến trường tăng mạnh vào năm nay đã được dự báo từ nhiều năm trước và các địa phương đều có sự chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết. “Lớp học có thể tăng sĩ số nhưng chúng tôi khẳng định không có một em nào sinh năm 2003 không được vào học lớp 1”.

Cùng với việc bùng nổ số lượng thì năm nay, quy định mới của Bộ về việc khuyến khích nhận xét thay vì chấm điểm cho học sinh lớp 1 cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Về vấn đề này, bà Thắm cho biết chỉ đạo của Bộ là đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng khuyến khích học sinh để các em vui với việc đến trường.

Tuy nhiên, việc bỏ cho điểm mà chỉ đưa ra nhận xét đối với học sinh lớp 1 không chỉ khiến phụ huynh băn khoăn mà cả giáo viên cũng bối rối bởi chưa có một quy định cụ thể nào việc đánh giá thế nào cho phù hợp.

Bà Trần Thị Thắm cho rằng: Tiềm thức giáo viên và học sinh vẫn đánh giá chất lượng dựa trên thang điểm, do đó tạo áp lực cho học sinh phải được điểm cao. Khi vào lớp 1, trẻ sẽ được dạy những việc đầu tiên như tư thế ngồi, cách cầm bút, học từng chữ cái, vần, âm… vì vậy phải đổi mới đánh giá nhằm khuyến khích việc yêu thích đi học của các em. Song song với không chấm điểm thì giáo viên vẫn phải theo dõi quá trình học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh.

Phụ huynh cần phải quen dần với việc không chấm điểm học sinh lớp 1. Bởi vì khi chấm điểm thì sẽ tạo rất nhiều áp lực lên lứa tuổi vừa mới bước vào đi học cũng như áp lực đối với phụ huynh cho con đi học trước chương trình lớp 1 và học thêm.

Để giúp các trường thực hiện việc không chấm điểm học sinh lớp 1, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang hoàn chỉnh Thông tư với nội dung chỉnh sửa Thông tư 32 (quy định kết hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét). Thông tư mới sẽ hướng dẫn cụ thể các trường học trong việc thực hiện không chấm điểm học sinh lớp 1.

Không bắt buộc sử dụng sách tiếng Việt công nghệ giáo dục

Từ năm 2008, việc áp dụng dạy tiếng Việt công nghệ giáo dục được thực hiện ban đầu có 19 tỉnh, sau đó, Bộ chủ trương áp dụng toàn quốc trên cơ sở địa phương tự nguyện. Hiện có 36 tỉnh với 200.000 học sinh tham gia mô hình trường học mới khiến nhiều người băn khoăn và đã có gia đình đã cho con chuyển trường bởi lo lắng liệu học sinh có bị mang ra làm “thí điểm”?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tiếng Việt theo công nghệ giáo dục là chương trình tự nguyện.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: Nói việc thí điểm là thử nghiệm là không đúng bởi một nguyên tắc căn bản của giáo dục là không được thất bại, nhất là thất bại trên một con người. Những giải pháp được gọi là “thí điểm” đều được phân tích rất kỹ ở những khía cạnh khác nhau trước khi đưa ra dạy cho học sinh và có một quá trình quản lý chặt chẽ từ lúc triển khai đến suốt quá trình thực hiện, nếu thấy trục trặc sẽ có điều chỉnh ngay.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đây là chương trình tự nguyện, mô hình trường học mới, Bộ đã triển khai ở 1.447 trường, chưa có trường nào phản ứng. Các chương trình lớp 1, Tiếng Việt, Công nghệ nếu nơi nào không tự nguyện, phụ huynh không chấp nhận thì cũng không bắt làm”.

Đối với việc áp dụng học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin, từ năm 2008 đến nay mang lại kết quả rất tốt. Bộ chủ trương thực hiện áp dụng trên cơ sở địa phương tự nguyện, đến nay đã có 36 tỉnh tham gia với gần 200.000 học sinh lớp 1. Tỉnh Lào Cai, Nam Định 100% học sinh lớp 1 tham gia chương trình này. Các tỉnh có thể thực hiện song song hai chương trình, nhưng chuẩn cuối cùng vẫn đánh giá theo khả năng đọc, viết của học theo chuẩn hiện hành.

Dự báo quy mô học sinh của Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2013-2014 cả nước có 22.405.000 học sinh, sinh viên từ bậc giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.

Trong đó, bậc giáo dục mầm non: nhà trẻ có 601.000 bé, mẫu giáo có 4.100.000 bé. Giáo dục phổ thông: tiểu học có 7.430.000 học sinh, THCS có 4.950.000, THPT có 2.720.000 học sinh.

Trung cấp cấp chuyên nghiệp có 520.000 học sinh. Bậc CĐ và ĐH là 2.185.000 sinh viên.

Khánh An