Giá của tình mẫu tử và giá một suất ăn

10:37 | 16/01/2012

1,109 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện về bữa ăn trị giá 10 triệu đồng và người phụ nữ bán đi tình mẫu tử không phải là chuyện hiếm xảy ra, năm nay cũng có ít nhất 3 vụ vì túng quẫn mà những ông bố, bà mẹ trẻ đành mang con ra chợ rao bán công khai với giá từ 8 đến 10 triệu đồng.

Một buổi sáng Sài Gòn cuối tuần, trước cổng bến xe Miền Đông TP Hồ Chí Minh tấp nập khách, một người phụ nữ lặng lẽ đứng rao bán đứa con gái 4 tháng tuổi của mình với giá 10 triệu đồng… Cũng tối hôm đó, một người bạn của tôi chia sẻ, người bạn của anh ta chuẩn bị đưa gia đình đi ăn “thử” bữa ăn trị giá 8 triệu đồng/người của đầu bếp nổi tiếng Võ Quốc… Một suất ăn của người giàu bằng cái giá mà người phụ nữ nghèo bán đi đứa con ruột của mình! Hai câu chuyện đồng thời xảy ra như một chỉ số báo động về tình trạng bất bình đẳng xã hội hiện nay.

Tôi đã từng nghe về danh tiếng của đầu bếp Võ Quốc nổi tiếng vì bữa ăn dành cho một người gần như là đắt giá nhất nước. Đương nhiên với giá trị như thế thì bữa ăn anh ta toàn là những “sơn hào hải vị” thuộc loại hiếm. Và đương nhiên là cách chế biến cũng rất đặc biệt.

Tất cả món ăn của anh đều cam kết không nêm muối, đường, bột ngọt hay bột nêm, bất kỳ phụ gia nào khác. Trước khi phục vụ một bữa tiệc, anh đều chuẩn bị hầm nước dùng từ 100 lít nước, 30 con gà già, 20kg xương heo, sá sùng, cồi sò điệp… cô đặc lại thành 10 lít nước dùng có vị ngọt, mặn tự nhiên, dùng để nêm các món ăn”. Và bữa ăn đắt tiền ấy không phải là hàng kén khách, hàng tháng trung bình ít nhất có 6 tiệc được khách đặt, có tiệc có cả hàng chục và hàng trăm khách…

Đầu bếp Võ Quốc.

Có thể nói anh Võ Quốc, người đầu bếp tạo ra những bữa ăn 8 triệu đồng cho một thực khách hoàn toàn có thể tự hào về nghề nghiệp của mình. Nghề nào cũng có trạng nguyên và không phải ai cũng có thể tạo những tuyệt tác ẩm thực như anh. Giữa năm nay, anh khoe với báo chí rằng có một đại gia ở miền Trung đặt anh một bữa tiệc với 100 thực khách, giá một suất ăn cho mỗi thực khách là 8 triệu đồng, tức là gần một tỉ bạc cho một bữa ăn. Nhưng người ta chỉ ăn nó trong một bữa hoặc được và mất nó trong một ván cờ mươi phút như mấy vị quan trong vụ đánh cờ bạc tỉ ở Sóc Trăng gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Liệu anh đầu bếp Võ Quốc ấy có tự hào được không khi đọc những tin tức về người phụ nữ khốn khó mang con rao bán với giá 10 triệu đồng trên báo chí cuối tuần qua? 10 triệu đồng là số tiền người ta bán đi tình mẫu tử của mình và đó cũng là số tiền mà một thực khách của anh Võ Quốc nuốt vào bụng của mình trong một bữa ăn. Đó là một sự so sánh vô cùng bất nhẫn song đó cũng là sự thật về sự chênh lệch giàu nghèo mà mức độ lương tri con người ta khó lòng chấp nhận nổi.

Sự bất bình đẳng xã hội, khoảng cách giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Nó vừa là động lực, vừa là kết quả của sự phát triển. Song, khi mà khoảng cách giàu nghèo bị phân cực quá rõ rệt thì những hệ lụy nảy sinh từ bất bình đẳng xã hội sẽ ngay lập tức tạo thành sự bất ổn trong tâm trạng người dân. Tốc độ gia tăng bất bình đẳng xã hội ở nước ta có quá nhanh hay không? Hẳn nhiều người trải qua ít nhất 40 năm cuộc đời chưa thể quên ký ức về một xã hội Việt Nam đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà sự bình quân chủ nghĩa khiến tất cả mọi người đều nghèo khó như nhau.

Sau 20 năm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần. Khi thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt 1,387 triệu đồng/người/tháng, thì nhóm nghèo nhất mỗi tháng một người chỉ thu nhập 369.000 đồng, còn thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới trên 3,4 triệu đồng. Sự chênh lệch về thu nhập của người làm công ăn lương giàu nhất và người nghèo nhất là khoảng 94 lần, đó là thu nhập của một Tổng giám đốc 150 triệu đồng một tháng so với lương sinh viên mới ra trường chỉ có trên 1,6 triệu đồng. Sự chênh lệch này chưa phải ở mức cao nhất thế giới song chúng ta phải nhìn vào khoảng cách 20 năm kể từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Và chúng ta phải biết rằng sau 200 năm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa thì chênh lệch về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất tại nước Mỹ mới chỉ là 9,1 lần!

Nếu như khoảng cách giàu nghèo là một quy luật của sự phát triển thì sự phân hóa và bất bình đẳng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Kết quả là những người nghèo nhất sẽ rơi xuống tầng đáy xã hội, còn những người giàu nhất sẽ nổi lên nắm giử quyền lực, uy tín và của cải của xã hội. Nhóm người giàu nhất ngoài việc dễ dàng tiếp cận với điều kiện y tế, giáo dục thì họ cũng có tiếng nói tác động đến các chính sách nhiều hơn. Điều đó là tất nhiên và cũng là quy luật! Song khi mà sự tất yếu đó hình thành trong 200 năm thì nó sẽ tác động đến tâm lý xã hội rất khác biệt với sự bất bình đẳng hình thành trong 20 năm. Khi mà sự phân hóa giàu nghèo, yếu tố bất bình đẳng đến sớm hơn các yếu tố chính trị, văn hóa và giáo dục thì người ta cũng dễ dàng nhìn ra các yếu tố bất công cũng như sự phi lý của đời sống.

Cháu bé bị cha mang ra rao bán ngoài chợ trong tháng 6 vừa qua.

Câu chuyện về bữa ăn trị giá 10 triệu đồng và người phụ nữ bán đi tình mẫu tử không phải là chuyện hiếm xảy ra, năm nay cũng có ít nhất 3 vụ vì túng quẫn mà những ông bố, bà mẹ trẻ đành mang con ra chợ rao bán công khai với giá từ 8 đến 10 triệu đồng. Cái tin chị rao bán đứa con của mình chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên một trang báo. Liệu câu chuyện thương tâm của chị sẽ có mấy ai quan tâm trước những bộn bề cuộc sống, công việc những ngày giáp Tết?! Và có lẽ chị ta không có điều kiện để đọc báo, để biết rằng có những con người khác cùng chung sống trong một bầu trời, hít thở cùng một loại không khí như chị ta có thể bỏ ra số tiền gần đúng bằng giá mà chị rao bán đứa con ruột duy nhất của mình chỉ để ăn bữa tối. Nếu biết được điều đó liệu chị ta sẽ nghĩ gì nhỉ? Chắc chị ta sẽ không nghĩ rằng nếu mình tu chí làm ăn thì cũng có ngày được giàu có như thế!

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc