Ghi ở Triển lãm “Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

06:54 | 18/05/2013

1,602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã lâu rồi, những người yêu thư pháp mới có dịp được thưởng lãm những tác phẩm thư pháp không chỉ đạt độ chín về thẩm mỹ mà còn mang đầy ý nghĩa, bởi nội dung thể hiện, trong đó là những vần thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. Đặc biệt hơn, 123 bức thư pháp trưng bày tại triển lãm được lấy nguyên văn trong tuyển tập “Thơ văn Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2008 trưng bày trong sảnh Tiền đường, Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám - nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ Việt Nam - niềm tự hào của nền văn hiến quốc gia.

>> Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Bác Hồ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

>> Triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Bác Hồ đầu tiên ở Việt Nam

>> Khai mạc 'Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh'

>> 'Nhị thập bát tú' của CLB Thư pháp trẻ Hà Nội

Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Năng lượng Mới đã phối hợp cùng Hội Thư pháp trẻ Hà Nội tổ chức Triển lãm “Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Khi ý tưởng tổ chức chỉ mới manh nha, ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hết sức ủng hộ và hỗ trợ cho triển lãm. Điều này đã khiến nhiều người trong lớp trẻ chúng tôi cũng cảm thấy ngỡ ngàng, bởi ngành Dầu khí vốn là một ngành khoa học kỹ thuật hiện đại; các cán bộ, công nhân viên hiện đang công tác trong lĩnh vực dầu khí là những người được lớn lên trong môi trường “Tây học”, công việc của người dầu khí thường xuyên tiếp xúc với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, thế nhưng họ lại rất quan tâm tới những vần thơ đầy tính cách mạng và chất “thép”, chất “tình” của Người, cũng như đánh giá cao ý tưởng triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay khi triển lãm vừa khai mạc, các đơn vị trong ngành đã tổ chức để các cán bộ, nhân viên tới xem triển lãm và nghe các tác giả, các nhà thư pháp giải thích rất cặn kẽ về nội dung và ý nghĩa của từng tác phẩm. Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh của Viện Dầu khí Việt Nam đã dành nhiều thời gian tham quan và bàn luận cùng các nhà thư pháp về thơ chữ Hán của Người. Đọc thơ Bác và tìm hiểu các tác phẩm của Người, người lao động dầu khí càng thêm thấm nhuần tư tưởng đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là việc làm thiết thực, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã và đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công nhân viên.

Các nhà thư pháp trẻ tham gia triển lãm
 

Thay mặt lãnh đạo ngành, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phát biểu tại triển lãm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam, là Danh nhân văn hóa thế giới. Trong những năm trước đây, với lòng kính trọng và tôn vinh danh nhân văn hóa, các nhà thư pháp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã tổ chức triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Bác. Nhưng ở Việt Nam chưa có điều kiện tổ chức được cũng bởi lý do, phong trào Hán học đã bị mai một khá nhiều trong khoảng 50 năm trở lại đây. Khoảng 10 năm nay, phong trào học viết chữ Hán và tục xin chữ ngày xuân đã phát triển nở rộ. Câu lạc bộ Thư pháp trẻ Hà Nội đã quy tụ được các nhà thư pháp trẻ hàng đầu Việt Nam hiện nay, đây là những nhà thư pháp có tài và đã được đào tạo, bồi dưỡng một cách cơ bản. Không chỉ vậy, trong bối cảnh giao lưu văn hóa rộng mở, các nhà thư pháp trẻ Việt Nam cũng có điều kiện học hỏi các nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản”.

Không chỉ tổ chức triển lãm tại Tòa nhà Viện Dầu khí, Báo Năng lượng Mới còn đưa 123 tác phẩm thư pháp vào trưng bày trong không gian của Trung tâm Văn hóa lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng khẳng định: “Đây là dịp để chúng ta nhắc lại, tôn vinh những kỷ niệm đẹp đẽ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta kỷ niệm sinh nhật Bác thông qua những nét bút tài hoa của các nhà thư pháp trẻ, thể hiện nghệ thuật truyền thống lâu đời của cha ông chúng ta - nghệ thuật thư pháp; và được trưng bày tại nơi ngàn năm nay được mệnh danh là “cửa Khổng sân Trình”, thì sinh hoạt này càng có ý nghĩa”.

Nơi hội tụ của ý chí nhà thơ - nhà thư pháp

Triển lãm “Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã trưng bày 123 tác phẩm thư pháp của 28 thư pháp gia thuộc Hội Thư pháp trẻ Hà Nội và tất cả những bức thư pháp đều viết thơ của Bác bằng chữ Hán hoặc lấy ý từ 173 bài thơ chữ Hán mà Người viết từ năm 1942 đến năm 1968.

Mỗi thư pháp gia đều đến với nghệ thuật thư pháp bằng niềm đam mê và tình yêu với những nét bút lông và hương mực Tàu. Để có được 123 tác phẩm mang tới trưng bày tại triển lãm, nhà thư pháp Lê Thanh Hải (thành viên Hội Thư pháp trẻ Hà Nội) chia sẻ: “Hai tháng trước khi triển lãm diễn ra, các thành viên của Hội Thư pháp trẻ Hà Nội đã phải bàn bạc và lên kế hoạch tác phẩm. Trong 2 tháng đó, chúng tôi đã viết nháp 400 bức thư pháp, chỉ cần một giọt mực rơi trên giấy hay một nét chữ nhòe, chúng tôi đều không sử dụng. Sau đó, các thành viên hoàn thành được 280 bức thư pháp đạt yêu cầu và trong số đó, chúng tôi lựa chọn ra 123 bức thư pháp hoàn chỉnh để mang tới triển lãm. Những bức thư pháp này đều là tâm huyết của chúng tôi, thể hiện cách nhìn và cách cảm của các thư pháp gia trẻ đối với thơ chữ Hán, cũng như tinh thần cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

28 nhà thư pháp tham gia triển lãm lần này đều là những người còn trẻ, thế nhưng, việc nắm bắt được hồn cốt trong thơ Bác và thể hiện được ý chí cách mạng của Người bằng thư pháp cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, người sử dụng lối Giáp cốt văn, Trung đỉnh văn, Tiểu triện, Hán triện để thể hiện thơ Bác tâm sự: “Đối với những nhà thư pháp chuyên nghiệp, cái chính là thể hiện được ý chí của bài thơ và nỗi niềm của tác giả. Đối với cá nhân tôi, việc thể hiện thơ Bác Hồ qua thư pháp dễ hơn những thể loại cổ văn vì tôi được tiếp xúc với những tài liệu, câu chuyện về Bác nhiều hơn, vì vậy có cảm giác gần gũi hơn và cảm nhận được ý chí của Bác dễ dàng hơn”. Lựa chọn bài thơ “Quả Đức ngục” (nhà lao Quả Đức) để thể hiện thư pháp, anh Thắng không chép trọn bài thơ mà chỉ “gẩy” ra ba từ “Quả Đức ngục” để trình bày, với những nét bút vuông vức, đóng khung thể hiện sự chật chội, bức bối của nhà ngục Quả Đức. Anh cho biết: “Trong nhiều trường hợp, ý chí của nhà thơ và của thư pháp gia song hành với nhau; nhưng cũng có khi bài thơ chỉ là cái cớ để thư pháp gia thể hiện ý chí của mình. Lối thể hiện thư pháp của chúng tôi thiên về yếu tố xem, cảm nhận dưới góc độ mỹ thuật; chứ không chỉ đơn thuần là một bài thơ chép ra để đọc, cảm nhận dưới góc độ văn chương”.

Không giống như nhà thư pháp Nguyễn Quang Thắng sử dụng lối viết cổ có phần mềm mại, thư pháp gia Lê Quốc Việt lại lựa chọn phong cách rất độc đáo để thể hiện thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh chia sẻ, ngoài giáp cốt, kim văn thời cổ đại, xưa nay nghệ thuật thư pháp phổ quát 5 thể chữ gồm Triện, Lệ, Thảo, Hành, Khải; đây chính là khuôn mẫu để nghệ sĩ triển thi. Gần đây, nghệ thuật thư pháp hiện đại có bổ sung thêm phong cách “tiền vệ” có tính chất tiên phong, phản ánh câu chuyện mang tâm thức, ngôn ngữ mới của thời đại, không dùng cái ý tưởng cũ, ngôn ngữ cũ để biểu đạt câu chuyện ngày nay. Anh Việt cho rằng, không như xu hướng đọc - hiểu (Thích độc) văn bản, thư pháp tiền vệ chỉ nương vào văn tự để triển thi ngôn ngữ nghệ thuật có tính chất xem - cảm, nhiều hơn đọc - hiểu. Lựa chọn phong cách “tiền vệ” để thể hiện những vần thơ mạnh mẽ, đầy “chất thép” của Bác, thư pháp gia Lê Quốc Việt cũng thiên về hướng “trích cú” chứ không chép lại cả bài thơ.

Thư pháp gia cho biết, trong bài thơ “Ức hữu” (Nhớ bạn) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh chỉ “gẩy” ra ba từ “ngục trung nhân” làm tiêu điểm, là cái cớ để anh triển thi câu chuyện, sử dụng lối viết mạnh mẽ để diễn giải cho độc giả nhìn thấy được thân phận tù đày, bị tước đoạt tự do của vị lãnh tụ trong những ngày tháng vô nghĩa khi quê hương, đất nước vẫn mất độc lập, tự do. Cũng sử dụng bút pháp phá cách ấy, trong tác phẩm “Nạn hữu xuy địch” (Nghe bạn tù thổi sáo), anh cũng chỉ lựa chọn 3 từ “dục đoạn hồn” để thể hiện cả ý tứ của bài thơ. Theo nhà thư pháp Lê Quốc Việt, chỉ với 3 từ này, anh đã cảm nhận được sự đau đớn khi bị giam cầm, nỗi lòng đau đáu hướng về quê hương của Người, mỗi khi nghe tiếng sáo của người bạn tù, Người như “đứt từng khúc ruột” - một nỗi đau xé lòng của vị lãnh tụ vĩ đại luôn hướng về đất nước. 

Thư pháp gia Phạm Văn Ánh giới thiệu tới ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về tác phẩm của mình

Đại diện cho một lớp thư pháp gia trẻ tuổi, nhà thư pháp Nguyễn Hữu Sử nói: “Tôi là một người trẻ, một người rất trẻ để có thể nhận mình là một nhà thư pháp học. Quá trình phấn đấu để trở thành nhà thư pháp là một quá trình dài “đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Đam mê thư pháp là một niềm đam mê tự thân, có duyên thì mê, không có duyên thì luyện viết mãi cũng chẳng thành. Những người trẻ như tôi rất ít người biết chữ Hán, biết thư pháp thì càng ít hơn. Với thư pháp, biển học là mênh mông, càng học càng thấy thiếu, càng rèn luyện nhiều thì càng cảm thấy chữ mình chưa tròn vẹn. Tham gia đợt triển lãm lần này, những người viết chữ trẻ như tôi có cơ hội nghiền ngẫm lại những áng thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cảm thấy vinh dự khi được thể hiện những áng thơ ấy bằng thứ bút pháp của cá nhân mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà thư pháp của Hội Thư pháp trẻ Hà Nội là hai lớp người của hai thời đại khác nhau với những biến động mạnh mẽ của lịch sử, điều này phần nào cũng ảnh hưởng tới cách nhìn nhận và nắm bắt vấn đề. Thế nhưng, tại buổi triển lãm thư pháp chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này, hai thế hệ ấy đã tìm được tiếng nói chung. Những nhà thư pháp trẻ tuổi đã có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn, nắm bắt được hồn cốt, ý chí cách mạng sục sôi cũng như tình yêu quê hương, đất nước dạt dào trong thơ chữ Hán của Bác Hồ; thế nhưng họ lại thể hiện sự đồng cảm ấy bằng những nét rất riêng. Có người sử dụng lối viết uyển chuyển, mềm mại để thể hiện nỗi lòng nhung nhớ quê hương da diết hay ánh mắt đau đáu xót thương khi đất nước đang trong cảnh ngục tù; có người lại dùng sự mạnh mẽ, phá cách để nói lên niềm tin, niềm hy vọng mạnh mẽ và ý chí cách mạng sục sôi của Người… Có thể nói, với cách thể hiện đa dạng, phong phú của các nhà thư pháp trẻ, thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ nét hơn nữa chất “thép” và chất “tình” vốn thấm đẫm trong tư tưởng của Người.

Thư pháp gia trẻ - liệu đã có cái nhìn đúng đắn?

28 nhà thư pháp có tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đều còn trẻ nhưng lại có vốn kiến thức uyên thâm và bút lực dồi dào; thậm chí họ còn được gọi là “nhị thập bát tú” của Hội Thư pháp trẻ Hà Nội. Để có được những nét bút tài hoa, mạnh mẽ hay dịu dàng, phá cách hay nghiêm cẩn, họ đều phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, học tập từ nhiều nguồn để có được kiến thức về nghệ thuật thư pháp. Thậm chí, có những người đã tiếp xúc với chữ Hán từ năm 10-11 tuổi và có gần 20 năm luyện tập thư pháp bền bỉ, chuyên cần mới có được bút lực như ngày hôm nay.

Ấy thế nhưng, nhiều thư pháp gia trẻ hiện nay vẫn bị “vấp” phải cái nhìn thiếu công bằng của công chúng và bị “áp đặt” rằng, “đã là ông đồ, là nhà thư pháp thì phải “đầu râu tóc bạc”. Thư pháp gia Phạm Văn Ánh khẳng định: “Chúng tôi không tự nhận mình là ông đồ và cũng không xây dựng hình ảnh ông đồ. Ông đồ ngày xưa là những người theo đạo Nho, học chữ Hán để đi thi; nhưng thư pháp gia lại thiên về nghệ thuật của con chữ, coi trọng tính hình thể của con chữ, truy cầu vẻ đẹp hình thức nhiều hơn. Trong số những người lớn tuổi đang tự xưng là “ông đồ” kia có một phần rất lớn là học trò của chúng tôi. Thế nhưng, nhiều người đang bị ảnh hưởng bởi vẻ già cả, tuổi tác của những “ông đồ già” mà mặc nhiên coi họ là những bậc đại nho, nhưng trên thực tế về thâm niên thì lại ít hơn những người trẻ ở đây. Bởi trong số chúng tôi, hầu hết các thư pháp gia trẻ tuổi đều được đào tạo bài bản về Hán Nôm, Hán học nói chung. Điều khiến chúng tôi “chạnh lòng” là có khá nhiều người không biết chữ Hán, không thẩm định được vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp nên thường lấy tóc, râu làm tiêu chí”.

Nhà thư pháp Phạm Văn Ánh còn phân tích, khoa thi cuối cùng kết thúc năm 1919, đến năm 1945, cụ Trần Huy Liệu cùng cụ Cù Huy Cận đã vào Huế nhận ấn tín, quốc bảo của hoàng triều từ tay vua Bảo Đại, đánh dấu sự suy vong của nền phong kiến nước ta và cũng là sự suy tàn của nền Hán học. Đó chính là quãng thời gian của Ông Đồ (Vũ Đình Liên) - người biết chữ không thể dùng để thi thố, đành phải ra phố mưu sinh bằng cách bán chữ; hoặc hình ảnh Huấn Cao “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) với tài năng trác tuyệt nhưng không được trọng dụng, quá khứ vàng son đã suy vong, tương lai cũng bị chặt đứt, để lại một khoảng trống rất lớn của nền Hán học. Sau đó là quãng thời gian chúng ta trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại và bước vào thời kinh tế bao cấp của Nhà nước.

Trong suốt thời gian ấy, nền Hán học đã bị đứt gãy do kinh tế còn nhiều hạn chế, số người đi học rất hiếm nên chữ Hán không được phổ biến tới nhiều người dân. Do vậy, phần lớn “ông đồ già” hiện nay không được học hành, đào tạo về Hán ngữ và cũng không có nhiều thời gian để luyện tập bộ môn nghệ thuật kinh viện này. Với những “ông đồ già” này, có khá nhiều người không hiểu chữ Hán, viết rất cảm tính. Thư pháp gia Phạm Văn Ánh khẳng định: “Ngay chuyện đề lạc khoản, đóng con dấu, chế tác con dấu, chúng tôi cũng phải có thời gian dài tu dưỡng, học tập. Nhiều người trong chúng tôi trở thành những người thầy, việc đầu tiên là phải học viết nét nhất chuẩn tắc, sau đó mới học tới bố cục, phong cách trình bày, lạc khoản hay ấn chương. Tất cả đều phải dạy và phải học tập, nghiên cứu thật nghiêm cẩn”.

Thư pháp gia Lê Quốc Việt cũng khẳng định: “Không thể dựa vào “tóc bạc da mồi” để đánh giá là bậc đại nho, học vấn không nhất định phải đồng hành với tuổi tác. Hiện nay có rất nhiều người “tóc bạc da mồi” đang lầm lẫn, ngộ nhận để đánh lừa những người không biết chữ Nho để kiếm tiền, họ không thể đại diện cho cả một quốc gia đi thi thố hoặc đại diện nền văn hóa lâu đời. Những ông đồ đó mượn hình ảnh xưa để nói về hiện tại, ông đồ đó ngày xưa có thể tốt nhưng hiện tại rất có thể rơi vào tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”.

Mặc dù không nhận được những cái nhìn và cách đánh giá đúng đắn về tài năng cũng như bút lực, thế nhưng các nhà thư pháp trẻ vẫn đang hằng ngày, hằng giờ trau dồi, tập luyện và đem những nét chữ tài hoa, độc đáo của mình tới cho độc giả, góp phần phát triển và truyền bá môn nghệ thuật kinh viện của thế giới - nghệ thuật thư pháp cổ. Thông qua những tác phẩm thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn và trưng bày tại triển lãm, một lần nữa, các thư pháp gia đã đem đến cho người yêu thư pháp những tác phẩm không chỉ có nội dung sâu sắc mà còn mang tính thẩm mỹ rất cao. Tuy vẫn còn đó sự nhìn nhận thiếu công bằng, nhưng thế hệ những thư pháp gia trẻ đã thực sự thổi một làn gió mới, mạnh mẽ và tinh tế vào những tác phẩm văn thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh; để một lần nữa, những người yêu thơ Bác lại được thưởng thức chất “thép” và chất “tình” hòa quyện với những nét bút tài hoa của những con người luôn đau đáu với nghệ thuật thư pháp.

Phỏng vấn nhanh người nước ngoài tham quan triển lãm

Anh Kunio Ogura (45 tuổi, doanh nhân Nhật Bản): “Tôi đến Việt Nam đã nhiều, nhưng thật bất ngờ và thú vị khi mỗi lúc lại khám phá ra một điểm mới về tình cảm nhân dân Việt Nam dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lãnh đạo của Người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển sự kiện toàn thế giới.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết Người cũng là một thi sĩ tiếng tăm với số lượng tác phẩm để lại đồ sộ đến vậy. Cùng là quốc gia sử dụng chữ tượng hình nên thư pháp tại Nhật Bản rất phát triển. Theo tôi biết, trong thời gian tới, thư pháp gia nổi tiếng Nhật Bản Takeda Soun sẽ qua Hà Nội để giao lưu, triển lãm cùng các đồng nghiệp Việt Nam. Còn hôm nay, nếu đây là triển lãm thư pháp thơ chữ Hán đầu tiên của Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật ông thì có lẽ các bạn tổ chức hơi... muộn. Tôi sẽ xin các nhà thư pháp trẻ của Hà Nội một chữ “TRỌNG” để tỏ lòng kính trọng đến vị lãnh tụ đáng kính của mảnh đất này. Xin cảm ơn!”.

Ông Maxi Dubois (58 tuổi, du khách Cộng hòa Pháp): “Hồ Chí Minh là biểu tượng của châu Á. Không những ông đã thành công trong sự lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của nhân dân mà còn nêu một chân lý chưa từng thấy: Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu có quyết tâm thì có thể chống lại cả những cường quốc quân sự mạnh nhất. Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được nước Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của Việt Nam... Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da bằng thịt.

Thư pháp ư, tôi không biết nhiều về thư pháp. Ở Trung Quốc tôi cũng từng tham dự một vài triển lãm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một triển lãm thư pháp quy mô như vậy. Những giải thích cặn kẽ từ Ban Tổ chức giúp tôi hiểu hơn, khâm phục hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là khi chứng kiến sự tôn trọng của người xem đối với các nhà thư pháp, với những bài thơ của ông. Thành thật mà nói, tôi cũng không quá bất ngờ với tài thơ văn của Ông Hồ, bởi tư chất và trí tuệ nơi Ông”.

Hữu Tùng (thực hiện)


Vương Tâm - Minh Tiến

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.