GDP 9 tháng năm 2022 tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm qua

18:10 | 29/09/2022

613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Đáng chú ý, diễn biến phức tạp của giá xăng dầu quốc tế vẫn được coi là nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất ảnh hưởng đến GDP của cả năm 2022.

Thông tin từ cuộc họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế xã hội quý III và và 9 tháng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

GDP 9 tháng năm 2022 tăng trưởng kỷ lục trong 10 năm qua
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu phân tích toàn cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%. Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.

Trong 9 tháng qua, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả khiến GDP cả nước đạt mức tăng trưởng kỷ lục tới 8,83%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,2% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,55%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm;

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,65%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,67%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2022, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu cho biết, bức tranh kinh tế 9 tháng cho thấy lạm phát được kiểm soát, các ngành sản xuất chính đều tăng trưởng mạnh và ổn định với nhiều điểm sáng. Sự điều hành linh hoạt của Chính phủ đã thể hiện được hiệu quả trên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là việc kiềm chế lạm phát đã góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Cuối năm 2022 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn như diễn biến giá xăng dầu đang phức tạp, lực lượng lao động kỹ thuật cao vẫn đang khan hiếm, nguồn cung nguyên liệu sản xuất đang ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu của các ngành chế biến chế tạo, nông lâm nghiệp… Có thể thấy rằng, trong 9 tháng qua, kinh tế Việt Nam đã có phục hồi tích cực nhưng dù cho phải đối diện với nhiều khó khăn trong quý IV/2022 nhưng khả năng GDP cả năm 2022 có thể đạt từ 7-8%.

Thành Công

GDP 9 tháng tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua GDP 9 tháng tăng trưởng cao nhất trong 12 năm qua
Việt Nam tăng trưởng cao trong năm 2022 Việt Nam tăng trưởng cao trong năm 2022
Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam, dự báo GDP tăng 6,9-7% Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam, dự báo GDP tăng 6,9-7%