“Gần 80% vụ việc khiếu kiện kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai!”

16:47 | 07/11/2012

1,234 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong phiên thảo luận Hội trường ngày 7/11 xung quanh kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo về lĩnh vực đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã công bố những số liệu khiến nhiều người giật mình.

Người đứng đầu ngành Thanh tra Chính phủ cho biết, có 9 tỉnh, thành phố báo cáo đến hết năm 2011 không còn tình trạng tồn đọng vụ việc phức tạp, kéo dài. Trước thông tin tích cực như vậy, từ tháng 6/2012, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành thành lập 28 đoàn công tác rà soát lại tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài ở 53 tỉnh, thành phố, thanh-kiểm tra trên 528 vụ việc – chủ yếu những việc gây bức xúc lớn trong dư luận địa phương.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định đất đai chính là lĩnh vực "nóng" khiếu kiện kéo dài nhất

“Kết quả cụ thể như sau, trong 528 vụ việc tồn đọng kéo dài, có 509 vụ khiếu nại, 19 vụ tố cáo. Khiếu nại về đất đai là 422 vụ việc (chiếm 79,9%), trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án thu hồi đất là 217 vụ việc (chiếm 51%); tranh chấp đất đai 115 vụ việc (chiếm 27%); đòi lại đất cũ là 78 vụ việc (chiếm 18%) và các khiếu nại khác có liên quan về đất đai như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi giấy phép... là 12 vụ việc; khiếu nại về nhà ở là 42 vụ việc (chiếm 7,9%)”, Tổng Thanh tra CP Huỳnh Phong Tranh khẳng định đất đai là lĩnh vực nóng nhất của thực trạng tồn đọng vụ việc kéo dài.

Theo thống kê, có những vụ việc kéo dài trên 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành và hầu hết đều có tới 3-4 quyết định giải quyết hành chính. Tuy nhiên do không thỏa mãn nên người dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, do một thời gian không cập nhật được tình hình, nên các Đoàn công tác phải mất thêm thời gian rà soát, đánh giá, khoanh vùng, bàn phương án giải quyết.

528 vụ việc kéo dài đều hết sức kéo dài, phức tạp, chồng chéo và phải xét đi xét lại nhiều lần. Về trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định có một bộ phận cán bộ địa phương có biểu hiện đùn đẩy, tránh né, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tế cho thấy, nếu lãnh đạo địa phương có nhận thức nhất định về tầm quan trọng của giải quyết tồn đọng, vào cuộc quyết liệt thì lượng vụ việc tồn đọng sẽ sớm được giải quyết dứt điểm.

“Trong thời gian tới, ngành Thanh tra tiếp tục tổ chức các đoàn công tác tập trung các biện pháp chấm dứt khiếu nại, trên tinh thần đảm bảo chất lượng và ổn định tình hình. Từ bây giờ đến cuối năm, ngành phấn đấu không để phát sinh mới các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Bên cạnh đó, khi đã xem xét vụ việc đúng pháp luật, thấu tình đạt lí, đề nghị địa phương công khai đối thoại với người dân”, Tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất. “Tôi kiến nghị các Đoàn đại biểu, các Đại biểu QH, Hội Luật gia cùng tham gia giải quyết khiếu nại tại địa phương.”

Lê Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc