FEALAC chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng

14:53 | 06/06/2013

600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sáng nay (6/6), Hội thảo “Kinh nghiệm của các nước FEALAC về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững” do Việt Nam - trên cương vị Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác Kinh tế - Xã hội Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh đăng cai tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Tham dự lễ khai mạc Hội thảo, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê, cùng đông đảo lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TW, lãnh đạo các địa phương, đại diện các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam.

Về phía các đại biểu quốc tế có Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, đại diện các nước thành viên FEALAC như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Argentina, Brazil, Ecuador… và đại diện các tổ chức quốc tế như UNDP, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác Phát triển châu Âu (OECD),… tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, là một trong những nước thành viên sáng lập Diễn đàn, trong 14 năm kể từ khi FEALAC được ra đời, Việt Nam tham gia đầy đủ các hoạt động, chương trình, dự án hợp tác, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng nội dung các cuộc họp của FEALAC, góp phần thiết lập, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Diễn đàn các các Nhóm Công tác.

Với mong muốn đóng góp hơn nữa vào hoạt động của FEALAC, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, trên cương vị Đồng chủ trì Nhóm Công tác Kinh tế - Xã hội và Tiểu nhóm Du lịch của FEALAC nhiệm kỳ 2011-2013, Việt Nam đã chủ động đề xuất tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm giữa các nước Đông Á – Mỹ Latinh về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững”.

Mục đích của Hội thảo là nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các nước thành viên FEALAC để từ đó đúc rút ra những khuyến nghị mang tính định hướng và nguyên tắc chung để tham khảo, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của từng nước, đồng thời trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ FEALAC về chủ đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tính tới khả năng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Đây là chủ đề ưu tiên của FEALAC (phát triển bền vững), tiếp nối nội dung thảo luận của các phiên họp Nhóm Công tác trước đây (phiên 6 về khủng hoảng tài chính thế giới, phiên 7 và 8 về môi trường và phát triển bền vững…).

Mặt khác, việc thúc đẩy trao đổi những kinh nghiệm hay, thông lệ tốt này là phù hợp với chủ trương hợp tác của FEALAC và cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức kể cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn như lạm phát, nợ công, bẫy thu nhập trung bình,…. Những thách thức này đặt ra nhu cầu cấp bách về tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững đối với tất cả các nước, trong đó có các nước thành viên FEALAC – những nước tuy cũng chịu tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhưng vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao hơn mức trung bình của cả thế giới, đồng thời đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển xã hội, trở thành những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu.

Các vị đại biểu khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Với những mục đích và ý nghĩa đó, Hội thảo sẽ thảo luận hai chủ đề lớn: “Kinh tế thế giới, khu vực, những thách thức đặt ra và kinh nghiệm chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững của các nước Đông Á và Mỹ Latinh” và “Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước FEALAC trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng” trong 2 ngày từ 6-7/6.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bày tỏ tin tưởng, với sự đa dạng về văn hóa, chính trị, kinh tế của các nước thành viên FEALAC, những kinh nghiệm đến từ thành công và kể cả thất bại được chia sẻ tại Hội thảo sẽ là những bài học quý báu để từng thành viên có thể tham khảo, áp dụng linh hoạt tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của mỗi nước, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai khu vực đầy tiềm năng của thế giới.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, những kết quả thảo luận của Hội thảo lần này sẽ được phản ánh trong báo cáo tới Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh lần thứ VI- cơ chế làm việc ở cấp cao nhất của FEALAC – diễn ra vào tuần tới, từ ngày 13-14/6/2013 tại Bali, Indonesia.

Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC) được thành lập năm 1999 trên cơ sở sáng kiến của Singapore nhằm tăng cường hiểu biết, tạo ra một kênh giao lưu, đối thoại và hợp tác giữa hai khu vực giàu tiềm năng; ban đầu gồm 15 nước thành viên. Hiện Diễn đàn gồm 36 nước thành viên (16 nước Đông Á và 20 nước Mỹ Latinh), chiếm 40% dân số thế giới và 30% quy mô kinh tế toàn cầu. Dự kiến, 2 khu vực Đông Á - Mỹ Latinh sẽ đóng góp tới 66% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013 và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới.

Trải qua 14 năm tồn tại và phát triển, hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp, bình đẳng và cùng có lợi, Diễn đàn đã thiết lập 3 Nhóm Công tác (Chính trị - Văn hóa – Giáo dục – Thể thao; Kinh tế - Xã hội và Khoa học – Công nghệ); ngày càng hoàn thiện về tổ chức và cơ chế hoạt động, với các cuộc họp định kỳ của các quan chức cao cấp và các Bộ trưởng Ngoại giao. Cho tới nay, đã có trên 200 dự án và sáng kiến hợp tác được triển khai trong khuôn khổ Diễn đàn, mang lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên

Là một quốc gia đồng sáng lập FEALAC, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác với các nước và khu vực trên thế giới, Việt Nam tham gia tích cực và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong các dự án hợp tác của FEALAC. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao FEALAC lần thứ V tại Argentina vào tháng 8/2011, Việt Nam cùng với Ecuador đã chính thức ứng cử làm Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác Kinh tế - Xã hội của FEALAC nhiệm kỳ 2011-2013.

Phương Anh