Duyên lành với “Bồ tát xây cầu”

09:25 | 03/10/2018

592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước đây, tôi từng nhiều lần trò chuyện với Thượng tọa Thích Huệ Đăng, nhà sư làm khoa học duy nhất tại Việt Nam với công trình nghiên cứu nổi tiếng là trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô. Bây giờ, tôi lại có duyên lành gặp được một nhà sư đặc biệt khác: Đại đức Thích Lệ Tấn - “Bồ tát xây cầu”.   
duyen lanh voi bo tat xay cau Chuyện một nhà sư làm khoa học
duyen lanh voi bo tat xay cau Sâm Ngọc Linh và niềm vui của một Thượng tọa

Một người bạn học cũ làm ở Đài Phát thanh huyện Tân Thạnh, Long An kể rằng, thầy Thích Lệ Tấn được đông đảo người dân trong vùng này gọi là “Bồ tát xây cầu”, hay “Kỹ sư áo nâu”. Bởi lẽ suốt hàng chục năm qua, thầy thường xuyên đứng ra vận động, tự tay tổ chức thi công rất nhiều cây cầu nông thôn. Cho đến nay, đã có hàng trăm cây cầu ở vùng Tân Thạnh và các địa phương lân cận được dựng lên nhờ vào tâm sức rất lớn của thầy.

duyen lanh voi bo tat xay cau
Đại đức Thích Lệ Tấn

Một nhà sư tu ở một ngôi chùa vùng nông thôn xa xôi của Tân Thạnh, Long An có thể vận động được hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng để giúp bà con xây cầu thì quả là hiếm. Theo nhà Phật, có thể lý giải rằng, thầy là người có phước báo lớn và thành tựu trong quá trình tu học nên được mọi người tin tưởng, kính trọng. Hơn nữa, việc thầy làm là việc thiện lành với lòng trong sáng nên mọi người hết lòng ủng hộ.

Dọc theo con đường từ Tân Thạnh về Đồng Tháp, người ta dễ dàng nhìn thấy những cây cầu treo đang vươn mình nối đôi bờ kênh nhỏ. Có lẽ, hiếm có nơi đâu làm cầu nông thôn theo thiết kế này và nhìn hoành tráng đến thế. Đó chính là những cây cầu “made by” Thích Lệ Tấn!

Chúng tôi gặp thầy Thích Lệ Tấn khi thầy chuẩn bị đưa đoàn Phật tử đi hành hương đến một ngôi chùa ở Củ Chi. Năm nay thầy 68 tuổi, rất khỏe mạnh, vẫn đi khắp nơi để làm Phật sự. Thần thái của thầy toát lên sự hoan hỉ và độ lượng khiến cho người đối diện với thầy tự nhiên cũng cảm thấy được nhẹ nhàng, an vui trong tâm hồn.

Nói về hành trình xây cầu nông thôn của thầy thì có nói ròng rã vài ngày chắc cũng không hết chuyện được. Bởi thầy nói, để đạt được kết quả như bây giờ là một chặng đường dài mấy mươi năm. Từ năm 1997, thầy đã bắt đầu vận động xây cầu rồi. Thời gian đầu, mỗi năm làm 1-2 cây cầu, sau đó tăng dần lên. Đến bây giờ, trung bình mỗi năm thầy làm hơn 30 cây cầu.

Những cây cầu này, một phần kinh phí do chính quyền địa phương cấp, phần còn lại do thầy tự vận động các nhà hảo tâm gần xa đóng góp. Như trong chuyến đến chùa Giác Hoa thăm thầy vừa rồi, chúng tôi ghé vào thăm quan cây cầu treo Hậu Thạnh Đông (xã Hậu Thạnh Đông, Tân Thạnh) có chiều dài 80m, rộng 3m do thầy tổ chức thi công vào năm 2014. Đây là cây cầu treo đạt chuẩn về kỹ thuật cũng như độ an toàn cao của tỉnh Long An với tổng số vốn thực hiện 1,6 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 735 triệu đồng, phần còn lại do sư thầy Lệ Tấn trực tiếp vận động.

duyen lanh voi bo tat xay cau
Cây cầu treo Hậu Thạnh Đông, một trong những cây cầu do thầy Lệ Tấn vận động xây mới

Nhìn cây cầu quy mô và chắc chắn như thế, khó ai có thể nghĩ đó là kết quả từ đóng góp rất lớn của một vị tu hành. Từ khâu quan trọng bậc nhất là thiết kế, đến việc giám sát thi công, thậm chí để tiết kiệm và bảo đảm chất lượng công trình, thầy cùng Phật tử còn lặn lội lên tận TP HCM để mua sắm vật tư rồi chở về xây cầu.

Thầy nói, làm cầu cho bà con bá tánh qua lại nên phải chắc và bền. Vào những ngày xây cầu, bất kể mưa hay nắng, ngày nào thầy cũng tất bật làm việc ngoài công trường, ăn ngủ cùng đội ngũ thi công. Từng kết cấu bê tông, sắt thép phải bảo đảm đúng như trên bản thiết kế của thầy. Thầy tự hào kể rằng, bây giờ có những cây cầu đã được đưa vào sử dụng 21 năm rồi mà vẫn “ngon lành”!

Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong chùa, thầy Thích Lệ Tấn say sưa kể về những cây cầu. Dẫu không phải là một kỹ sư, cũng chưa từng qua bất kỳ một trường lớp nào về xây dựng, nhưng thầy có thể phân tích chi tiết về mẫu thiết kế, từ cách tính độ chịu lực, tải trọng của cầu, cách trộn bê tông tối ưu… chẳng khác nào một kỹ sư dày dạn kinh nghiệm.

Vì sao thầy Thích Lệ Tấn làm được điều đó khi không hề được trang bị những kiến thức uyên thâm, không có những công cụ kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ nghiên cứu? Đó chính là nhờ vào trí tuệ mà quá trình tu học tinh tấn mang lại, là nhờ vào trái tim bác ái đối với cuộc sống của những người xung quanh.

Với trí tuệ của mình, thầy có thể tự mày mò, nghiên cứu qua sách vở hay kinh nghiệm của các kỹ sư xây dựng mà không cần phải học qua trường lớp. Từ đó, thầy đã có thể học hỏi và biến tấu mẫu cầu treo của Pháp thành cầu treo của mình bằng cách tính toán thiết kế lại theo đúng điều kiện thực tế… Nhưng quan trọng hơn, đó chính là trái tim tha thiết với chúng sinh, là sự thấu cảm của thầy đối với cuộc sống của những người dân, nhất là những người già, những đứa trẻ hằng ngày đi học từ bên kia bờ kênh.

Trước khi có những cây cầu, người dân hai bên bờ kênh muốn qua lại phải đi đò ngang rất bất tiện. Nhất là khi đêm hôm có chuyện gấp, có người ốm đau bệnh nặng nhưng không gọi đò được nên đành phải đợi tới sáng. Rồi vào mùa lũ, nước dâng cao và chảy xiết, các em học sinh đi đò để đến trường rất nguy hiểm.

Kể từ khi có cầu, cuộc sống và việc đi lại của người dân thay đổi hẳn, từ xe đạp đến ôtô đều có thể ngày đêm qua cầu dễ dàng. Dĩ nhiên, khỏi phải nói là nhân dân vùng này biết ơn và quý mến thầy Thích Lệ Tấn thế nào, họ gọi thầy là “Ông Phật” là “Bồ tát xây cầu” là vì vậy.

Rồi sẽ còn nhiều cây cầu giao thông nông thôn nữa được bắc lên từ sự vận động và công sức của thầy Thích Lệ Tấn. Có thể nói rằng, thầy đã đóng góp rất nhiều cho sự thay đổi cuộc sống, bộ mặt của nông thôn vùng Tân Thạnh này.

Dành nhiều thời gian làm Phật sự bên ngoài như vậy liệu có ảnh hưởng đến sự thanh tịnh và tu học của thầy hay không? Tôi nhận được câu trả lời từ thầy Thích Lệ Tấn rằng, nhà tu hành làm gì cũng đừng để mất tâm, đừng để vướng mắc và phải làm đúng theo Pháp của Phật. Thầy lấy “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, tức là luôn nghĩ và làm những điều lợi ích cho đất nước và nhân dân.

Đại đức Thích Lệ Tấn có thế danh là Võ Văn Dực, sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Năm 15 tuổi, ông xuất gia đi tu tại chùa Thiên Bửu (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Từ năm 2000 tới nay, thầy Thích Lệ Tấn trụ trì chùa Giác Hoa, huyện Tân Thạnh, Long An. Thầy đã vận động xây khoảng 200 cây cầu khắp các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa đến Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp.

Lê Trúc