Chuyện một nhà sư làm khoa học

14:09 | 09/10/2017

4,858 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lần đầu tiên tại Việt Nam, sâm Ngọc Linh có sản phẩm ở dạng nano. Và còn bất ngờ hơn nữa khi đây là sản phẩm từ một công trình khoa học của một nhà sư…   

Nhìn hàng nghìn củ sâm Ngọc Linh bằng ngón tay đang nhô lên trong khu vườn, thật khó để hình dung được rằng, đó là công trình khoa học của một nhà sư đó là Thượng tọa Thích Huệ Đăng, Giảng sư Phật học, Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Thanh Quang (Đà Lạt).

Xưa nay, chuyện nhà sư trở thành “nhà khoa học” có lẽ ở Việt Nam chỉ duy nhất có thầy Thích Huệ Đăng. Nhưng vì sao nhà tu hành lại dấn thân làm khoa học như thế?

chuyen mot nha su lam khoa hoc
Thượng tọa Thích Huệ Đăng đưa khách tham quan vườn sâm Ngọc Linh

Để hiểu điều này cần nói đến pháp môn tu “nhập thế” theo phái Mật Tông của thầy Huệ Đăng. Thầy nói, hành đạo mà không giúp ích được gì cho đời thì còn ý nghĩa gì?! Đạo và đời, con người phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Đạo Phật là đạo của con người, Phật là tâm nên phải lấy con người làm gốc…

Với triết lý tu hành như vậy, bao năm qua thầy Huệ Đăng đã miệt mài hành đạo bằng những việc làm thiết thực nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đó là công trình “Trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền; là việc mày mò sản xuất ra viên nén sâm Ngọc Linh giúp người nghèo được tiếp cận để chữa bệnh; đó là các trung tâm Buddha Yoga dạy miễn phí cho mọi người được xây dựng lên ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với mong muốn mọi người có được sức khỏe, trí tuệ và uy tín trong đời sống thường hằng…

Về công trình trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô, thành công từ công trình này của thầy Huệ Đăng đã mang đến rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, nó đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng công nhận là sản phẩm quốc gia; thứ hai, từ khi nghiên cứu thành công sinh khối sâm Ngọc Linh và chế tạo thành viên nén sâm Ngọc Linh với hoạt chất tương đương củ sâm 10 năm, thầy đã giúp biết bao người nghèo trong việc điều trị bệnh, nhất là những bệnh khó trị như tiểu đường, ung thư.

Suốt nhiều năm liền, thầy và các học trò cứ mang sâm biếu tặng người bệnh. Thầy trồng hoa lan mang bán lấy lãi nuôi cây sâm. Rồi dần dần đầu tư mở rộng cơ sở nuôi cấy mô cũng như xây dựng nhà máy làm viên nén. Rồi mới đây nhất, thầy còn đầu tư làm nhà máy sản xuất nano sâm Ngọc Linh giúp công dụng viên sâm tăng lên nhiều lần… Mà ở Việt Nam hiện tại chưa có ai làm được nano sâm Ngọc Linh như Thượng tọa Thích Huệ Đăng!

Nhiều người đã hỏi rằng, vì sao một thầy tu, chỉ lo tu hành, viết kinh sách lại có thể nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài khoa học mang lại nhiều lợi ích này?

Từ căn duyên bệnh gan, thầy Thích Huệ Đăng được một người biếu hai củ sâm Ngọc Linh dùng để hỗ trợ chữa bệnh. Sau một thời gian ngắn thấy hiệu quả rõ rệt, căn bệnh bị đẩy lùi, thế là thầy quyết tâm đi tìm cây sâm quý này về nhân giống.

Xưa nay sâm Ngọc Linh nổi tiếng quý hiếm và rất đắt. Người giàu thì dễ tiếp cận chứ người nghèo thì có lẽ nghĩ tới thôi cũng chẳng dám! Cho nên, thầy phát tâm nguyện nhân rộng cây sâm này ra, trước tiên là ở Đà Lạt để nhiều người bệnh có cơ hội được dùng chữa bệnh.

Hồi năm 2008, đã mấy lần thầy lặn lội từ Đà Lạt lên núi Ngọc Linh (Quảng Nam) để tìm sâm, quá vất vả, có lúc thầy ngất xỉu trên đường. Kết quả sau những lần đó, thầy tìm được mấy mươi cây sâm đem về phòng nuôi cấy mô… Bây giờ, thầy đã có cả một cơ sở nuôi cấy mô đồ sộ với hàng vạn cây sâm đang nuôi trong phòng cấy lẫn ngoài vườn!

Quá trình thực hiện công trình này thực là gian nan, thử thách đối với một nhà tu hành. Thầy không được trang bị những kiến thức khoa học uyên bác, cũng không có những công cụ, kỹ thuật hiện đại hỗ trợ để nghiên cứu khoa học, không có đội ngũ nhân công, không kinh phí… thầy chỉ có sự quyết tâm và tấm lòng dành cho người bệnh nghèo. Nhưng đó lại là tính cách cần thiết của một người làm khoa học mà thành công của thầy Huệ Đăng là một minh chứng cho điều đó.

Với thầy Huệ Đăng, việc trồng sâm Ngọc Linh thành công là vì biết ứng dụng đúng triết lý của đạo Phật, đó là biết ứng dụng tâm hy sinh, nhẫn nhịn, siêng năng, chân thật và tình thương.

Và khi có đầy đủ tâm, trí rộng lớn thì làm gì cũng thuận lợi, thành công!

Trường hợp thành công như Thượng tọa Thích Huệ Đăng là khá hiếm hoi. Vì thế, nền khoa học không thể chỉ trông chờ vào một nhà sư tu nhập thế hay một nông dân có trái tim nồng nàn mà đó phải là sự dấn thân của các nhà khoa học thật sự!

Cây sâm Ngọc Linh được tạo ra bằng phương pháp cấy mô sẽ được nuôi trong phòng cấy mô 3 năm, sau đó mới trồng xuống vườn. Tổng cộng khoảng 10 năm thì cây cho hoa, hạt. Rồi dùng hạt đó ươm ra cây con, từ đó tạo nguồn cây giống rất dồi dào. Còn phần sinh khối tạo ra trong quá trình cây mô sẽ được sấy khô làm nguyên liệu sản xuất viên nén sâm Ngọc Linh.

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc